(KTSG Online) – Các chuyên gia và đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần tính đến lợi ích chủ nợ và người vay, tránh tình trạng bảo vệ chủ nợ nhưng ảnh hưởng đến người đi vay.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, một trong những nội dung đang được quan tâm thảo luận là Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), với nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quyền thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Khó thu giữ tài sản bảo đảm
Chia sẻ về công tác thu giữ tài sản đảm bảo của các ngân hàng tại một hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nêu thực trạng nhiều người vay có nợ quá hạn cố tình không bàn giao tài sản bảo đảm theo thỏa thuận tại hợp đồng thế chấp tài sản và hợp đồng tín dụng. Điều này khiến tổ chức tín dụng (TCTD) muốn thu giữ tài sản bảo đảm cũng không được, phải thông qua tòa án để xử lý.
“Quá trình này kéo dài và phần lớn các trường hợp là không thành công do bên vay nợ cố tình tạo tranh chấp về tài sản”, ông Hùng nói và cho biết đây là vấn đề rất bức xúc của các TCTD.
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho biết quá trình xử lý nợ xấu gặp rất nhiều trở ngại từ việc xử lý tài sản bảo đảm. Trong khi đó, thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm quy định trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa có những cơ chế pháp lý khác nhau đối với các loại tài sản bảo đảm khác nhau.
Chẳng hạn, việc thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản trên thực tế có những khác biệt với các tài sản bảo đảm khác như vốn góp, cổ phần, chứng khoán tại các công ty đại chúng.
Còn ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc phụ trách Khu vực miền Bắc của Eximbank, nêu tế các hợp đồng bảo đảm ký trước thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017 không có điều khoản về việc thu giữ tài sản bảo đảm. Do đó, Eximbank hiện vẫn thể chưa thể triển khai được việc thu giữ tài sản mặc dù việc bảo đảm tài sản vẫn được công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
Bên cạnh khó khăn trên, ông Hùng cũng cho biết công tác phối hợp giữa các TCTD với chính quyền các cấp, cơ quan liên quan còn nhiều bất cập, nhất là việc tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm; đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, thi hành án; giới hạn phạm vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá.
Tương tự, ông Lực cho biết dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới chỉ quy định một cách chung chung nội dung “chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu”. Nhưng trên thực tế, do cũng không có quy định rõ ràng trách nhiệm chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an, nên chính quyền địa phương và cơ quan công an vào cuộc không quyết liệt, chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán.
Để giải quyết khó khăn, ông Hùng cho rằng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần tăng tính tự chủ cho các TCTD, phù hợp hơn với chuẩn mực, thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động hiện nay của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, Tòa án nhân dân (TAND) tối cần cao có văn bản hướng dẫn các tòa án cấp dưới trong việc xử lý các vướng mắc tranh chấp liên quan đến việc chủ tài sản bảo đảm tạo ra các tranh chấp giả, tránh việc kéo dài việc xử lý tài sản bảo đảm của TCTD.
Còn ông Lực khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính… rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hành vi thu giữ phù hợp với từng dạng thức tài sản bảo đảm cụ thể, nhằm cân đối các lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên. Ngoài ra, dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nên bổ sung quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.
Đi vào chi tiết, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro của Nam A Bank, kiến nghị điều chỉnh điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm tại điểm b khoản 2 Điều 189 của Luật Các tổ chức theo hướng tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Theo ông Phong, quyền xử lý tài sản bảo đảm bao hàm cả quyền thu giữ tài sản, việc thu giữ tài sản là một trong các bước để xử lý tài sản bảo đảm. Do đó, không cần thiết phải thỏa thuận thêm quyền thu giữ tài sản trong hợp đồng bảo đảm.
Còn ông Hoàng Hải Vương kiến nghị sửa đổi bổ sung đối tượng nội dung điểm b, khoản 2, Điều 189 điều như sau: "Tài sản thu giữ được Bên bảo đảm thực hiện đầy đủ các thủ tục công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm cho Bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật" để thuận lợi cho các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Lo ngại xung đột pháp luật khi thu giữ tài sản bảo đảm
Đại diện một số ngân hàng và chuyên gia mong muốn tăng quyền cho TCTD khi thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu, nhưng một số đại biểu Quốc hội và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại việc tăng quyền sẽ khiến một số đơn vị lạm dụng quyền hạn của mình.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho rằng cần làm rõ về bản chất, mục tiêu, điều kiện, phạm vi thực hiện và vai trò của chính quyền địa phương các cấp, cơ quan công an khi thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm tại khoản 1 Điều 184.
Việc này, theo đại biểu Hà, để đảm bảo phù hợp với các điều 32, 51, 106 của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định tại các điều 163, 241, 301 của Bộ luật Dân sự 2015, khoản 4 Điều 68 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tránh lạm dụng, gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người đi vay.
Cũng theo ông Hà, việc dự thảo luật cho phép các TCTD được thu giữ tài sản bảo đảm, tức là thu giữ tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức có sự tham gia của cơ quan chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong quan hệ dân sự giữa các tổ chức, giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, mà không thuộc trường hợp thật cần thiết như Hiến pháp năm 2013 quy định có thể dẫn đến việc lạm dụng trong quá trình tổ chức thực hiện, xâm phạm đến quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân, hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế.
Về thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) cho rằng đây một công việc rất khó khăn, nếu người có tài sản bảo đảm không hợp tác.
Ông dẫn chứng, khoản 1 điều 184 quy định trong trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không bàn giao tài sản cho TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, chi nhánh chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại điều này. Tuy nhiên, điểm b khoản 2 quy định thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm khi đủ các điều kiện, trong đó có điều kiện tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản.
“Sau khi tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 thì vấn đề này rất vướng, chưa xử lý được”, ông Hải nói và đề nghị quy định các Quỹ tín dụng nhân dân, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được phép thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương mà không cần có thỏa thuận trong hợp đồng
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan công an, khoản 5 điều 184 có quy định ngoài việc đảm bảo an ninh trật tự thì hai cơ quan này có nhiệm vụ hỗ trợ cho tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trong thu giữ tài sản bảo đảm. Trong đó, điểm mới quan trọng là nếu không hợp tác thì lập biên bản và biên bản là tài liệu thay thế cho biên bản bàn giao tài sản trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, quy định này chưa đảm bảo chặt chẽ, vì Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai (sửa đổi) không có quy định là biên bản thu giữ tài sản là một trong những loại giấy tờ để được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Tôi đề nghị trong trường hợp không hợp tác thì cần có quy định giao cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thu giữ và bàn giao tài sản đảm bảo cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu”, ông Hải nói.
Hài hòa lợi ích qua thỏa thuận hai bên
Để đảm bảo quyền lợi giữa các TCTD và khách hàng, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng để quá trình xử lý tài sản bảo đảm được thỏa đáng, bên cho vay cần có sự đồng thuận và thông báo trước với chủ tài sản.
Ông Nghĩa dẫn chứng một số trường hợp xử lý tài sản bảo đảm không thỏa đáng. Theo đó, một sự vụ thực tế là khoản vay 150 tỉ đồng với giá trị tài sản thế chấp là bất động sản có trị giá 400 tỉ đồng, khi nợ quá hạn, nhóm cán bộ thu hồi nợ của ngân hàng đến thu giữ tài sản thế chấp của bên vay là trường dạy nghề với 3.000 học viên đang học, đuổi bảo vệ ra khỏi trường, làm việc rất hung hăng khiến các học viên hoảng loạn. Hoặc một trường hợp khác, tài sản thế chấp của người vay trị giá hơn 400 tỉ đồng nhưng bằng các kiểu “quân xanh, quân đỏ” đã được đấu giá ở mức chỉ 190 tỉ đồng.
“Đó là những cách thu hồi nợ kém văn hóa. Không ít trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm rồi “ngâm” chờ giá bất động sản lên thì mới bán hoặc tìm cách cướp tài sản của bên vay nợ như cách bán đấu giá với giá rẻ. Do đó, cần có các thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay về việc xử lý tài sản bảo đảm để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên”, ông Nghĩa nêu quan điểm.