Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm sao cải thiện giống nòi?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm sao cải thiện giống nòi?

T. Bình

Làm sao cải thiện giống nòi?
Nghèo, đông con, dinh dưỡng kém… khiến nòi giống suy yếu mà muốn khắc phục thì chỉ có cách đẩy mạnh phát triển kinh tế. Ảnh Internet

(TBKTSG Online) – Để cải thiện “nòi giống”, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã xây dựng "Đề án Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2010-2030".

Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, chẳng biết được các cơ quan nhà nước triển khai thực hiện thế nào nhưng gần đây lại được bàn bạc sôi nổi trên báo chí chung quanh vấn đề: có nên bỏ ra 6.000 tỉ đồng để thực hiện một đề án mà hiệu quả chưa chắc chắn hay không.

Thông tin trên báo Đất Việt cho biết: theo số liệu của Ủy ban Dân số – Gia đình và Trẻ em, chiều cao, cân nặng và thể lực trung bình của người Việt còn thấp so với chuẩn quốc tế: chiều cao của nam thanh niên Việt chỉ đạt 163,7cm (thấp hơn 13,1cm so với chuẩn) và của nữ Việt Nam là 153cm (thấp hơn 10,7cm so với chuẩn).

Đề án mà Thủ tướng phê duyệt ngày 28-4-2011 đặt mục tiêu nâng chiều cao của nam thanh niên Việt Nam lên 168,5 cm vào năm 2030 và nữ lên 157,5cm ở độ tuổi 18. Như vậy, mục tiêu đặt ra là trong 20 năm phải tăng chiều cao của thanh niên thêm 4,8 cm với nam và 4,5 cm với nữ. Để đạt được mục tiêu này, đề án sẽ tiêu tốn 6.000-6.500 tỉ đồng, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, một phần đóng góp của xã hội.

Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia về hệ xương tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Sydney, Úc, tỏ ra hoài nghi về cách số liệu được trình bày trên, cũng như cách thức tác động để đạt chiều cao mong muốn.

Theo giáo sư Tuấn, được báo Đất Việt trích dẫn trong bài trên, chiều cao của người Việt hiện nay không thua kém nhiều so với các dân tộc khác trong khu vực, “tương đương với chiều cao của người Thái Lan (165 cm ở nam giới và 155 ở nữ giới) và người Nhật (167 cm ở nam giới và 155 cm ở nữ giới)”.

Trên trang Facebook của mình, giáo sư Tuấn cũng cho biết: "Chiều cao tăng bình thường (y khoa gọi là secular change) theo thế hệ. Nói cách khác, không can thiệp thì chiều cao cũng tăng. Can thiệp cả nước thì làm gì có đủ tiền; còn can thiệp vài quần thể hay vài vùng thì vừa vô lí vừa … vô duyên!"

Quan trọng hơn, việc cải thiện chiều cao và thể lực của người Việt – liên quan mật thiết đến các yếu tố di truyền, dinh dưỡng, luyện tập – không phải là chuyện của một đề án. Theo giáo sư Tuấn, giải pháp có thể “không phải là can thiệp bằng y tế, mà là phát triển kinh tế; từ phát triển kinh tế dẫn đến cải thiện dinh dưỡng, và cải thiện chiều cao”.

Trước mắt, theo số liệu của Bộ Y tế, nước ta có khoảng 10 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 12 tuổi bị thiếu cân, còi cọc; vấn đề đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho số trẻ em này đã là một nhiệm vụ nặng nề cho toàn xã hội; sau đó mới có thể tính các chuyện khác như tập luyện thể dục thể thao v.v…

Nhiều người khác băn khoăn, trong lúc các cơ quan y tế, thể thao bàn cãi về các đề án này nọ thì thực tế nguồn dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam đang bị suy kiệt vì giá sữa quá cao lại tăng liên tục, và cả xã hội luôn phập phồng với đủ loại thực phẩm nhiễm độc từ rau quả đến thịt cá. Khi mà nguồn thức ăn của người dân, của trẻ em chưa đảm bảo an toàn và chất lượng thì việc bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để cải thiện nòi giống xem ra chưa sát thực tế.

Anh/Chị có ý kiến như thế nào, xin mời đóng góp trong box bên dưới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới