(KTSG Online) - Làm giàu để cộng đồng cùng hưởng lợi là con đường ít người lựa chọn. Đâu là động lực để những doanh nhân theo đuổi mô hình doanh nghiệp xã hội với cam kết tái đầu tư ít nhất 51% hay 100% tổng lợi nhuận sau thuế vào các hoạt động giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường?
- Thách thức mà các doanh nghiệp xã hội phải đối diện là gì?
- Doanh nghiệp xã hội 'sống tốt' bằng cách nào?
Trong chương trình Doanh nhân chính truyện với chủ đề Doanh nghiệp xã hội: Chuyện chưa kể, phát sóng trên Kinh tế Sài Gòn Online, những cuộc trò chuyện với người sáng lập và người điều hành doanh nghiệp xã hội đã hé lộ nhiều góc nhìn khác biệt so với các mô hình kinh doanh thương mại thông thường. Điều này tạo ra một “cuộc chơi” khác biệt và đầy mâu thuẫn: làm sao để cân bằng giữa kinh doanh bền vững và sứ mệnh xã hội?
Khởi đầu từ những trăn trở
Hầu hết, các doanh nghiệp xã hội được thành lập từ những trăn trở thực tế của người sáng lập. Chẳng hạn, có người day dứt về việc người dân nông thôn thiếu nước sạch, trẻ em nghèo không được đến trường hoặc những vấn đề về môi trường và sức khỏe cộng đồng đang bị bỏ ngỏ.
Một ví dụ điển hình là dự án Nước sạch của Công ty TNHH Xã hội Joy Foundation (Joy Foundation). Sau một chuyến tình nguyện tại Đắk Lắk, anh Nguyễn Siêu Hạnh nhận thấy sự nguy hại từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, gây vấn đề sức khỏe cho các thành viên trong đoàn. Từ đó, anh và cộng sự bắt tay vào triển khai giải pháp lắp đặt các công trình nước sạch tại Tây Nguyên. Ban đầu chỉ là một dự án nhỏ trong một trường học, nhưng dần dần thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn và mở rộng quy mô cung cấp nước sạch cho cả một ngôi làng. Đến nay, hơn 50.000 người tại Tây Nguyên đã được hưởng lợi từ các dự án nước sạch của Joy Foundation.
Hay trong bối cảnh xã hội hiện đại, theo lời của vợ chồng anh Nguyễn Anh Luân và chị Đồng Lê Quỳnh Hương, nhà sáng lập và Tổng giám đốc Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội Nhà Của Thời Thơ Ấu, giới trẻ được nhắc đến như “thế hệ mỏng manh như thủy tinh”, cặp đôi này đã lựa chọn một con đường đặc biệt dùng văn hóa truyền thống để giữ gìn giá trị tinh thần và khơi gợi nội lực bên trong của những người trẻ.
“Tại sao giới trẻ ngày nay lại dễ mỏng manh và thiếu nội lực so với thế hệ trước?”, việc đi tìm câu trả lời này đã thôi thúc chúng tôi thành lập doanh nghiệp vào tháng 4-2019", anh Luân nói và cho biết, công ty này không chỉ giữ gìn văn hóa truyền thống Việt Nam mà còn truyền tải những giá trị âm nhạc, nghệ thuật và đời sống đến thế hệ trẻ qua những chương trình, buổi biểu diễn nghệ thuật trên không gian truyền thống.
Với chị Tạ Thùy Linh, nhà sáng lập Công ty TNHH xã hội Sắc Màu, cơ duyên đến với công việc này chính là niềm đam mê thiện nguyện và mong muốn tạo ra sự thay đổi bền vững cho cộng đồng. Chị mong muốn xây dựng một nền tảng bền vững để hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển.
“Để giúp các em lâu dài, chúng tôi cần một mô hình giúp các em không chỉ có cơ hội học tập mà còn trang bị thêm kỹ năng sống để tự đứng vững trong tương lai,” chị Linh nói.
Tài chính là thách thức lớn nhất
Khung pháp lý cho doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam bắt đầu được hình thành từ năm 2014 với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, phải đến khi Luật Doanh nghiệp 2020 được ban hành cùng với Nghị định 47/2021/NĐ-CP, các quy định về doanh nghiệp xã hội mới thực sự được hoàn thiện và rõ ràng. Chính nhờ những hỗ trợ từ khía cạnh pháp lý này, mô hình doanh nghiệp xã hội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nhân.
Anh Nguyễn Tuấn Khởi, nhà sáng lập Công ty Cổ phần The Sharing Group, cho biết mô hình doanh nghiệp xã hội trong những năm qua đã nhận được sự khuyến khích và phát triển mạnh mẽ. Một trong những lợi thế lớn nhất của mô hình này là đã được luật hóa, tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển. Không chỉ vậy, cấu trúc của các doanh nghiệp xã hội hiện nay rất đa dạng và mở rộng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như chống đói nghèo, bảo vệ môi trường, dinh dưỡng thực phẩm, bình đẳng giới và nhiều lĩnh vực khác.
“Các doanh nghiệp xã hội còn có thể kêu gọi sự hỗ trợ, vốn đầu tư và nhận sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các tổ chức trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn", anh nói.
Đồng quan điểm với anh Khởi, nhà sáng lập Joy Foundation, anh Siêu Hạnh cũng nói rằng, khi Joy Foundation bắt đầu hoạt động cũng là một nhóm thiện nguyện, sau khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, nhóm đã chuyển sang thành doanh nghiệp xã hội để dễ dàng tiếp cận nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp và cá nhân hơn.
“Với các doanh nghiệp, họ cần một dự án có tính pháp lý rõ ràng, với hóa đơn và chứng từ hợp lệ để hợp tác. Khi có pháp nhân là doanh nghiệp xã hội, Joy Foundation mới có thể đáp ứng được điều này”, anh Hạnh chia sẻ.
Có nhiều cách để vận hành doanh nghiệp xã hội, bao gồm việc kêu gọi đóng góp từ các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức,để thực hiện các dự án cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho lao động khó khăn và sử dụng nguồn tài chính này để chi trả cho sinh hoạt, chi phí vận hành hoặc đầu tư vào việc kinh doanh hàng hóa…
Mặc dù có nhiều thuận lợi về mặt pháp lý, tuy vậy những thách thức trong hành trình xây dựng các doanh nghiệp xã hội luôn song hành, trong đó tài chính luôn là một trong những thách thức lớn nhất.
Anh Tuấn Khởi chia sẻ, hiện đang điều hành 6 doanh nghiệp xã hội, nhưng trước đó đã phải giải thể 3 doanh nghiệp. Việc giải thể không phải vì tham vọng cá nhân mà vì việc xác định mô hình và phát triển các doanh nghiệp xã hội không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Theo anh, những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu nhiều biến động, các doanh nghiệp xã hội gặp phải nhiều khó khăn và nhiều khi, doanh nghiệp phải lo cho chính mình trước khi có thể chăm lo cho cộng đồng. Tuy vậy, có thể nói rằng đây là một quá trình thanh lọc tự nhiên, giúp các doanh nghiệp xã hội phải thích nghi để phát triển bền vững.
Thách thức không chỉ nằm ở điều kiện khách quan mà có đến từ nội tại của doanh nghiệp. Chẳng hạn, câu chuyện về Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội Từ thiện và Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Fly To Sky (Fly To Sky), doanh nghiệp cũng phát triển từ nhóm thiện nguyện.
Theo anh Lê Văn Phúc, Giám đốc Công ty Fly To Sky, vì đa số thành viên là các bạn trẻ nên ngoài nguồn lực cá nhân, doanh nghiệp phải dựa vào việc vận động từ cộng đồng. Để cộng đồng ủng hộ thì cần có niềm tin vào tổ chức nhưng việc xây dựng niềm tin này với một nhóm người có tuổi đời còn trẻ như những thành viên của công ty là một thách thức lớn trong giai đoạn đầu.
‘Làm giàu’ cho bản thân
Việc “làm giàu” từ mô hình kinh doanh xã hội này đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và khả năng vượt qua những thử thách đặc thù. Quan trọng hơn, dường như đối với các doanh chủ này thành công không ở những con số lợi nhuận mà là ở sự thay đổi tích cực mà doanh nghiệp mang lại cho cộng đồng.
Với Fly To Sky, phát triển từ nhóm thiện nguyện, đến nay sau 6 năm hình thành, doanh nghiệp này đã thực hiện hơn 27 dự án, 180 chương trình chiến dịch tình nguyện, có mặt tại hơn 26 tỉnh phố, với số tiền vận động được hơn 14 tỉ đồng. Dù vậy, với người sáng lập, điều quan trọng không phải "chạy đua" để ra các con số mà quan trọng hơn là giúp những người thụ hưởng thay đổi cuộc sống như thế nào.
Nhiều doanh chủ tham gia Doanh nhân chính truyện với chủ đề Doanh nghiệp xã hội: Chuyện chưa kể chia sẻ, khác với quy định chung cho doanh nghiệp xã hội là cam kết 51% lợi nhuận tái đầu tư vào các dự án cộng đồng, các doanh nghiệp như Joy Foundation, Mekong Quits, Sắc Màu đã đăng ký cam kết 100%.
Lợi nhuận đâu để duy trì doanh nghiệp, đây là thắc mắc chung của nhiều người khi nghe những câu chuyện kinh doanh “lạ đời” như vậy. Với các doanh nhân này, họ cũng làm giàu nhưng theo những định nghĩa riêng.
"Cá nhân tôi, khi làm hoạt động này trong suốt 15 năm qua, tôi nghĩ mình nhận lại nhiều hơn là cho đi", nhà sáng lập Joy Foundation chia sẻ và cho rằng, những gì bản thân nhận được không phải tiền bạc mà là những mối quan hệ ý nghĩa, những người bạn tâm giao luôn sẵn sàng hỗ trợ anh trong công việc và cuộc sống. Cùng với doanh nghiệp xã hội, doanh nhân này còn có công việc riêng để nuôi sống bản thân.
Điều đặc biệt tại Joy Foundation là các tình nguyện viên không được trả lương và thậm chí còn đóng góp tài chính để tham gia. Đây là minh chứng cho sức hút đến từ ý nghĩa nhân văn mà nơi mang lại.
Chị Hồ Tiểu Đan, Giám đốc điều hành Mekong Quilts, một doanh nghiệp xã hội chuyên cung cấp việc làm cho phụ nữ khó khăn, cho biết từng làm việc ở nhiều doanh nghiệp thương mại khác trước khi làm việc cho Mekong Quilts và tại đây, chị cảm thấy công việc ý nghĩa hơn rất nhiều. Đến nay, Mekong Quilts đã tạo việc làm cho hơn 500 phụ nữ.
"Suốt 7 năm gắn bó, tôi không chỉ trưởng thành trong công việc mà còn học được cách thấu hiểu hơn về những hoàn cảnh khó khăn. Điều đó giúp tôi biết cách sẻ chia với phụ nữ và trẻ em thiếu thốn. Công việc mang lại cảm giác như mình đang đóng góp một phần nhỏ bé vào xã hội, khiến tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc hơn mỗi ngày”, chị nói.
Với những doanh nghiệp xã hội, thành công không đến từ việc thu về bao nhiêu lợi nhuận. Thay vào đó, việc mang lại giá trị cho cộng đồng, thay đổi cuộc sống của những người yếu thế và tạo ra những tác động tích cực dài lâu chính là "thước đo" thành công của những doanh nhân này.
Doanh nghiệp/ doanh nhân cần kinh doanh tử tế. Đó là con đường duy nhất để thành công, để cân bằng lợi ích giữa mình và xã hội. Vậy kinh doanh tử tế là gì ? Bao gồm 5 chữ T + 5 phương châm để trường tồn: Thận trọng/ Tinh xảo/ Tiết kiệm/ Thân thiện/ Tốt bụng. Đối với khách hàng, sản phẩm tốt, thương hiệu uy tín/ Đối với nhân viên, trả lương tốt, ứng xử có hậu/ Đối với đối tác, thanh toán sòng phẳng, có trước có sau/ Đối với xã hội, tuân thủ pháp luật, nộp thuế đầy đủ/ Đối với chính mình, không thỏa mãn, không kiêu ngạo.
Chọn đúng đường/ Tìm đúng người/ Làm đúng việc/ Sống đúng đạo/ Chết đúng lúc. Đó là hạnh phúc nhất của đời người, khi làm tròn bổn phân với mình và với đời.