Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làm sao để ta không tự hại ta?

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hôm thứ Hai, một bài trên báo Tuổi Trẻ online giật tít “Không thể để người dân tiếp tục bị đầu độc” sau khi Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết gần phân nửa mẫu xét nghiệm rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối có dư lượng hóa chất; và hơn 40% mẫu hải sản chứa kim loại nặng, trong đó nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép(1).

Với người dân am hiểu, đây có thể là thông tin gây nhiều lo lắng bởi lẽ nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của họ. Tuy cơ chế tác động lên sức khỏe con người của các dư lượng hóa chất trong thực phẩm khác với dịch bệnh cấp tính, không gây bệnh tức thì như Covid-19, tác hại của các loại hóa chất này không hề kém về lâu về dài. Nguy hiểm hơn, vì tác hại không xuất hiện ngay lập tức mà đến từ từ, phần lớn người dùng ít chú ý hơn và thiếu sự đề phòng.

Theo người viết bài này, tựa của bài viết trên báo Tuổi Trẻ có thể làm nhiều độc giả giật mình vì rất trực tiếp, không tìm cách nói giảm trước một vấn đề được cho là rất nhạy cảm. Tuy nhiên, các bài báo trước đây cũng đã làm việc này, thậm chí với tựa bài còn gây sốc hơn. Chẳng hạn, ngày 30-3-2016, báo mạng Vietnamnet đăng một bài nhan đề “Người Việt không thể đầu độc người Việt”(2).

Bài báo viết cách đây hơn sáu năm của Vietnamnet tường thuật hội nghị kiểm điểm thực hiện quy chế phối hợp năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016 giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ. Theo bài báo, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận trong năm 2016 là giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Bài báo cho rằng chưa bao giờ vấn đề VSATTP được xã hội quan tâm đặc biệt như hiện nay [lúc đó], và theo công bố của các tổ chức quốc tế, mỗi năm trên 100.000 người Việt mắc bệnh ung thư, phần lớn bắt nguồn từ môi trường sống và việc sử dụng thực phẩm nhiễm độc.

Cũng theo bài báo, Chủ tịch Mặt trận lúc bấy giờ, ông Nguyễn Thiện Nhân, từng rất trăn trở với vấn nạn này. Ông cho rằng bảo đảm VSATTP có thể được xem là một “món nợ” của các cơ quan nhà nước và cũng là “món nợ” của Mặt trận với người dân. Bài báo dẫn lời ông như sau: “Sử dụng thực phẩm không an toàn là chúng ta đang bị đầu độc. Người Việt không thể đầu độc người Việt”(3).

Sáu năm qua, chúng ta đã làm gì để trả món nợ ấy? Công tâm mà nói, có nhưng chưa đủ. Ví dụ, việc thực hiện xét nghiệm và công bố kết quả một số loại thực phẩm như đã đề cập ở đầu bài. Chưa đủ ở chỗ tuy thông tin về an toàn thực phẩm có thể là “nhạy cảm”, nhưng không thể quan trọng hơn sức khỏe của người dân. Vì sao cơ quan chức năng không công bố tên tuổi liên quan đến các dư lượng hóa chất đó? Kế đến, họ sẽ làm gì để ngăn ngừa tình trạng này tái diễn? Đó là những việc cần làm và có thể làm trước tiên để “trả món nợ” vừa nói.

Tuy Covid-19 vô cùng nguy hiểm, thế giới đã có một số loại vaccine chống con virus Corona. Nhưng không như trường hợp của Covid-19, thế giới hiện không có - và chắc có lẽ sẽ không bao giờ - có loại vaccine nào chống lại được tác hại của việc thực phẩm bị nhiễm độc, trừ phi từng người trong chúng ta ý thức được điều này tự tạo cho mình loại “vaccine” đó cho chính bản thân mình. Người tiêu dùng phải ý thức rõ mình không dùng thực phẩm nhiễm hóa chất; và người trồng trọt, chăn nuôi không sử dụng hóa chất gây hại hay quá liều.

Nói thì dễ, nhưng trên thực tế phải làm như thế nào khi tình trạng này đã phổ biến tràn lan; lạm dụng hóa chất trên các cánh đồng, trong sản xuất thực phẩm đã trở thành một “tập quán”, đến nỗi nhiều nông dân có hai mảnh đất, một trồng để bán và một trồng để ăn?

Thực ra, sáu năm trước Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra giải pháp để bắt đầu cho một nỗ lực cần sự bền bỉ, dài hơi. Theo ông, “Việc này phải làm cuộc vận động. Những người sản xuất phải có cam kết: Tôi là người Việt Nam, tôi là gia đình văn hóa thì không được làm những việc trái với văn hóa là sản xuất không an toàn”(4).

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng phải trả “món nợ” này cho người dân. Quốc hội, Chính phủ cần phát động một cuộc vận động toàn dân thực sự sâu rộng nhằm đối phó với nạn lạm dụng hóa chất trong sản xuất thực phẩm. Cuộc vận động đó phải được lên kế hoạch chi tiết, có lẽ đứng đầu điều phối là các bộ Nông nghiệp, Y tế với thành phần tham gia là mọi cơ quan liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp và báo chí. Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng hoàn toàn có thể đưa ra “chuyên đề” về vấn đề này.

Covid-19 tấn công Việt Nam từ năm 2020 đến nay đã làm hơn 43.000 người Việt thiệt mạng. Nghĩ lại mà rùng mình! Nhưng trên thực tế, mỗi năm hơn 100.000 người Việt thiệt mạng vì ung thư, rất nhiều trong số đó có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm nhiễm độc! Chắc chúng ta phải “rùng mình” nhiều hơn với con số này.

Hành động ngay để chống lại hiện tượng “người Việt đầu độc người Việt” không những trả được “món nợ” đó mà còn giúp cải thiện hình ảnh thực phẩm xuất khẩu của chúng ta.

------------

(1)https://tuoitre.vn/khong-the-de-nguoi-dan-tiep-tuc-bi-dau-doc-20220718075640079.htm

(2), (3), (4)https://vietnamnet.vn/nguoi-viet-khong-the-dau-doc-nguoi-viet-296972.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Không nên hành động theo kiểu duy ý chí. Mấu chốt là phải giải quyết theo cơ chế thị trường và thể chế luật pháp. Mọi sản phẩm làm ra chỉ với hai mục đích: sử dụng hoặc trao đổi. Nếu để sử dụng thì không có gì để bàn, vì lúc nào cũng an toàn cho bản thân người sản xuất. Nếu để trao đổi ra thị trường thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm nghiệm chất lượng. Rất nhiều sản phẩm của ta đã phải trải qua nhiều thử thách ngặt nghèo, hàng loạt rào cản kỹ thuật và phi kỹ thuật thì mới được đặt chân vào siêu thị, nhà hàng ở nước ngoài. Lúc đầu cứ tưởng ta không thể làm được. Thực tế cho thấy ta vẫn làm được, thậm chí làm tốt hơn mong đợi. Động lực ở đây là gì ? Là uy tín và lợi nhuận. Đơn giản vậy thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới