(KTSG) - Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng mọi ý tưởng sáng tạo đều có thể được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).
Tuy nhiên, luật về quyền SHTT, cho dù là quyền tác giả, nhãn hiệu, bằng sáng chế..., đều không bảo hộ ý tưởng. Cụ thể, luật về bằng sáng chế bảo hộ những giải pháp kỹ thuật, luật về kiểu dáng công nghiệp bảo hộ hình thức sản phẩm, luật về nhãn hiệu đảm bảo quyền khai thác độc quyền tên sản phẩm hay logo sản phẩm, trong khi luật về quyền tác giả bảo vệ các tác phẩm - là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học. Nếu sáng tạo chỉ dừng lại là một ý tưởng, thì ai cũng có thể tự do sử dụng ý tưởng đó mà không vi phạm bất cứ quyền SHTT nào của người chủ sở hữu ý tưởng.
Ý tưởng ở đây là gì? Đó là những suy nghĩ thuần túy không được cụ thể hóa qua một phương tiện hay hình thức nào cả, ví dụ ý tưởng sản xuất một loại nắp chai đặc biệt giúp giữ hương vị đồ uống tốt hơn, ý tưởng làm phim về một hành tinh xa xôi, ý tưởng viết một quyển sách về người Việt ở nước ngoài, ý tưởng phát minh ra một thiết bị chữa một loại bệnh cụ thể... Khi những ý tưởng này không được thể hiện qua tài liệu, bản vẽ minh họa, miêu tả kỹ thuật..., thì đây chỉ đơn thuần là những ý tưởng không thể sở hữu hóa qua phương tiện quyền SHTT.
Ý tưởng cần được chuyển thành “sản phẩm sáng tạo” cụ thể, và được thể hiện qua một phương tiện, hình thức cụ thể thì mới được luật bảo hộ.
Lý do của sự “phân biệt đối xử” này cũng nằm trong nguyên tắc chính của luật về SHTT: nếu như luật cần phải khuyến khích thúc đẩy sáng tạo văn học, nghệ thuật và đổi mới công nghệ bằng cách giao quyền khai thác độc quyền cho chủ sở hữu sáng tạo, thì cũng cần để lại một “khoảng trống tự do” cần thiết trong công chúng để kích thích việc phát triển ý tưởng sáng tạo thành một sáng tạo cụ thể, có thể khai thác. Trong trường hợp ý tưởng có thể được bảo hộ, nếu như người đăng ký bảo hộ ý tưởng không tiếp tục phát triển ý tưởng thành sáng tạo cụ thể, thì hậu quả sẽ là không ai khác có thể sử dụng ý tưởng này, và hiển nhiên điều đó sẽ hạn chế hoạt động sáng tạo, chứ không hề khuyến khích nó.
Chính vì thế, luật về SHTT của mọi quốc gia đều có quy định trực tiếp hoặc gián tiếp không cho phép bảo hộ ý tưởng. Ví dụ như trong luật về SHTT của Việt Nam, luật bản quyền chỉ bảo hộ tác phẩm - là những sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học “thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Như thế, ý tưởng cần được chuyển thành “sản phẩm sáng tạo” cụ thể, và được thể hiện qua một phương tiện, hình thức cụ thể thì mới được luật bảo hộ.
Tuy nhiên, những vụ tranh chấp vì “vay mượn ý tưởng” đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực điện ảnh. Ví dụ, tòa án ở Pháp đã nhiều lần khẳng định rằng ý tưởng “làm một bộ phim câm đen trắng”, hay “một cô gái đi tìm người mà cô nhặt được ảnh chụp trong phòng chụp tự động” chỉ đơn thuần là ý tưởng không được luật SHTT bảo hộ, và ai cũng có thể tự do phát triển các ý tưởng này thành phim. Những quyết định nói trên của thẩm phán Pháp thể hiện một sự phân biệt rõ ràng giữa “chủ đề phim” với việc phát triển chủ đề này thành dự án phim (pitch). Trong khi dự án phim (nếu mang tính sáng tạo) có thể được bảo hộ, thì ý tưởng ai cũng có thể tự do sử dụng. Rõ ràng là giải pháp này rất hợp lý, vì một chủ đề phim có thể được truyền tải qua nhiều kịch bản khác nhau. Ví dụ, chủ đề “công viên giải trí bị biến tướng và tạo ra các sự kiện bất ngờ” có thể được dựng thành phim về công viên khủng long, công viên thế giới ảo... Tất nhiên, có thể cho rằng những ý tưởng chung chung như trên không có gì là đặc biệt sáng tạo cả, nhưng thực tế xét xử của tòa án ở Pháp cho thấy ngay cả những ý tưởng “có một không hai” cũng không thể được bảo hộ.
Lịch sử cho thấy một số trường hợp vay mượn ý tưởng độc đáo để phát triển thành sáng tạo được luật về SHTT bảo hộ. Ví dụ, chúng ta đều biết rằng Thomas Edison là người đầu tiên sáng chế ra bóng đèn điện. Tuy nhiên, có những bằng chứng cho thấy rất nhiều nhà sáng chế khác đã thể hiện ý tưởng sản xuất bóng đèn trước Thomas Edison. Thậm chí, người ta cho rằng ông không hề sáng tạo ra phát minh này, mà chỉ là thay đổi để hoàn thiện nó. Nói cách khác, Edison không tìm vấn đề kỹ thuật để giải quyết, ông tìm giải pháp có sẵn để phát triển nó. Cho đến cuối đời, Edison đã đăng ký hơn 1.000 bằng sáng chế. Nhà phát minh huyền thoại này đã có những đóng góp sáng tạo giúp hình thành thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống hiện nay, nhưng bản thân ông cũng là người đặc biệt “vay mượn ý tưởng” từ những nhà khoa học khác.
Rõ ràng là trên thực tế, có nhiều trường hợp chúng ta cần bảo hộ ý tưởng sáng tạo - cho dù nó mới chỉ là ý tưởng thuần túy. Mọi ý tưởng đều cần thời gian, tiền bạc và công sức để phát triển thành một sản phẩm sáng tạo. Trong khi đó, luật về SHTT chỉ công nhận quyền SHTT cho người nào thực hiện thủ tục đăng ký sớm nhất, hay có bằng chứng về việc tạo ra sản phẩm sáng tạo sớm nhất. Vì thế, đặt ra nhu cầu bảo vệ ý tưởng sáng tạo, cho dù mới chỉ dừng ở mức độ ý tưởng đơn giản.
Chúng ta có thể sử dụng những biện pháp khác để giữ ý tưởng cho bản thân, trong thời gian chuẩn bị phát triển và hoàn thiện nó thành sản phẩm sáng tạo.
Khả năng đầu tiên mà chúng ta có thể làm, đó là chuyển tải ý tưởng trên một hình thức và phương tiện nào đó một cách cụ thể nhất. Ví dụ, viết kịch bản làm phim, phát triển ý tưởng một cách chi tiết hơn qua một hình thức thể hiện nào đó.
Đối với những ý tưởng nghiên cứu khoa học hoặc kinh doanh, chúng ta có thể sử dụng biện pháp giữ bí mật hoặc ký kết hợp đồng đảm bảo tính bảo mật của thông tin (giữa công ty với nhân viên, hay giữa công ty với các đối tác làm ăn).
Trong mọi trường hợp, cần giữ mọi bằng chứng về sáng tạo của bản thân, để có thể sử dụng khi cần thiết trong trường hợp có tranh chấp.