Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm thế nào để ngăn chặn vi phạm công bố thông tin?

Thanh Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ngày 6-5-2022, tập đoàn FLC đã gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM tài liệu chứa các thông tin cần cải chính và công bố bổ sung theo quyết định xử phạt hành chính ngày 24-3-2022.

Báo cáo của FLC bổ sung 51 nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về giao dịch giữa FLC với các bên liên quan trong giai đoạn từ 24-3-2020 đến 13-5-2021. Đáng chú ý, đây là các thông tin phải công bố trong vòng 24 giờ theo Thông tư 96/2020 nhưng chỉ được FLC công bố ngày 6-5-2022 khi bị yêu cầu theo quyết định xử phạt hành chính nói trên.

Vụ việc trên cho thấy FLC đã che giấu thông tin và đã có thể không ai biết, kể cả cơ quan chức năng, nếu không bị vướng vào những lùm xùm vừa qua về thao túng chứng khoán.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ngăn ngừa và kịp thời phát hiện các vụ việc tương tự về che giấu, gian dối thông tin của doanh nghiệp, vốn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của thị trường và quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư lương thiện.

Giải pháp trước tiên đương nhiên phải là nâng cao năng lực và trách nhiệm giám sát, thanh tra và phát hiện, xử lý vi phạm hành chính của cơ quan chức năng là UBCK. Nhưng trên thị trường chứng khoán có đến hàng ngàn doanh nghiệp niêm yết, nên UBCK có thể nại lý do này để nói rằng họ sẽ không thể giám sát, thanh tra từng doanh nghiệp trong số hàng ngàn doanh nghiệp này để phát hiện ra vi phạm.

Tuy lý do trên có phần hợp lý nhưng từ góc độ nhà quản lý, nó không thể là lý do, chí ít bởi bộ phận thanh tra của UBCK đã có thể hoạt động tích cực và hiệu quả hơn để thanh tra và phát hiện sớm nhiều vụ việc tại nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có các biểu hiện bất thường. Sự tích cực và hiệu quả của hoạt động thanh tra của UBCK cũng sẽ là một yếu tố hữu hiệu góp phần giảm thiểu tâm lý làm liều, cố tình sai phạm của lãnh đạo doanh nghiệp.

Đáng tiếc là quy định pháp luật hiện tại có thể là quá nhẹ tay với những hành vi vi phạm kiểu này, và việc xử lý vi phạm cũng chỉ rộ lên trong thời gian gần đây chứ trước đó thì khá… yên tĩnh. Chẳng hạn, cũng FLC, cũng vi phạm cùng loại, họ chỉ bị phạt 100 triệu đồng hồi tháng 3. Rõ ràng là so với hàng loạt giao dịch giấu giếm với các bên liên đới ở quy mô lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi giao dịch thì mức phạt/hậu quả pháp lý này là quá nhỏ nhoi so với cái lợi tiềm năng mà doanh nghiệp thu được từ sự giấu giếm này, nên không đủ sức răn đe doanh nghiệp làm bậy. Nói cách khác, các hành vi che giấu, gian dối thông tin cần phải được xử lý mạnh tay như hành vi thao túng thị trường và trần mức xử phạt cần được tăng mạnh hơn nữa, kể cả xử lý hình sự thì mới mong hạn chế và ngăn chặn phần nào các sai phạm kiểu này.

UBCK cũng đã có thể gián tiếp ngăn chặn các hành vi vi phạm công bố thông tin thông qua siết chặt trách nhiệm của các công ty kiểm toán. Về nguyên tắc, doanh nghiệp khó mà “giấu/chế biến” được các thông tin cần công bố nếu công ty kiểm toán làm việc chuyên nghiệp và có trách nhiệm cao. Tuy nhiên, ngay trong vụ việc vi phạm của FLC hồi tháng 3, FLC bị phạt 200 triệu đồng cho hành vi không trình bày khoản chênh lệch 70,13 tỉ đồng đánh giá tăng tài sản vào thu nhập khác, dẫn đến sai lệch số liệu trong báo cáo tài chính bán niên năm 2021 soát xét do FLC công bố nhưng công ty kiểm toán liên quan không thấy bị xử lý gì(1). Bởi vậy, UBCK nói riêng và Bộ Tài chính nói chung cần xây dựng và quy định các hình thức xử lý cụ thể với các công ty kiểm toán không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm kiểm toán doanh nghiệp của mình.

Sau cùng, UBCK đã có thể khắc phục hạn chế về năng lực giám sát, thanh tra của mình đối với các doanh nghiệp niêm yết trên nhiều phương diện, gồm cả việc công bố thông tin, bằng việc khuyến khích, tăng cường “tai mắt nhân dân”, phát hiện và tố cáo các vi phạm của (lãnh đạo) doanh nghiệp, với các hình thức thưởng vật chất (thậm chí tỷ lệ với lợi ích mà doanh nghiệp sẽ thu được một cách phi pháp) và bảo vệ người tố cáo thích hợp. Cơ chế khuyến khích tố giác này cần được đưa vào thành các quy định luật cụ thể.

——

(1) https://laodong.vn/kinh-te/hang-loat-doanh-nghiep-bi-xu-phat-nang-vi-vi-pham-cong-bo-thong-tin-1027891.ldo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới