Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

Lan Nhi

Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

Ông Vương Đình Huệ không phải lấy phiếu tín nhiệm ở cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính như 48 vị trí lãnh đạo chủ chốt khác. Ảnh: QH.

(TBKTSG Online) – Rất nhiều vấn đề quan trọng được bàn bạc, thông qua hay quyết định tại kỳ họp Quốc hội lần này. Đáng chú ý nhất là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội và Chính phủ.

Ngày 20-5, kỳ họp Quốc hội thứ 5, khóa XIII sẽ khai mạc và dự kiến kéo dài 32 ngày, xem xét thông qua 10 dự án luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến về 7 dự án luật khác là thông lệ.

Đáng chú ý nhất trong phần làm luật là cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp (1992) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp cuối năm. Bản dự thảo đã được lấy ý kiến rộng rãi với hơn 26 triệu lượt cử tri trong nhiều tháng qua nhưng chưa công bố về kết quả vì còn rất nhiều vấn đề tranh cãi.

Luật đất đai (sửa đổi) cũng là nội dung được cử tri cả nước quan tâm, tiếp tục lấy ý kiến (lần hai) tại kỳ họp. Tuy nhiên trong chương trình dự kiến của kỳ họp, không có nội dung thông qua dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Thông thường, các dự thảo luật qua hai lần lấy ý kiến tại Quốc hội sẽ được thông qua. Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, lý do là nhiều điểm của Luật đất đai (sửa đổi) phải phụ thuộc vào quy định của Hiến pháp. Mà dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) chưa thông qua tại kỳ này nên lùi lại cả việc thông qua Luật đất đai cho phù hợp và thống nhất.

Một nội dung đáng chú ý khác là việc lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh lãnh đạo chủ chốt do Quốc hội và Chính phủ bầu và phê chuẩn. Việc lấy phiếu lần đầu tiên được tổ chức, nhưng tính từ năm 2013 trở đi mỗi năm sẽ thực hiện một lần.

Theo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm bị đánh giá như trên thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm

Đến nay, 49 bản Báo cáo thực hiện nhiệm vụ của 49 chức danh chủ chốt thuộc Quốc hội và Chính phủ đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội, trước ngày khai mạc Quốc hội 20 ngày. Việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu sẽ diễn ra ngày 11-6 và kết quả sẽ công bố trong ngày. Song chưa rõ là việc công bố kết quả lấy phiếu có công khai trước đông đảo cử tri hay không.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, ông Vương Đình Huệ, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, nay là Trưởng ban Kinh tế trung ương tuy có báo cáo kiểm điểm như các thành viên Chính phủ khác song do chưa đủ một năm công tác ở vị trí này nên không phải lấy phiếu tín nhiệm.

Việc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ diễn ra dự kiến ngày 25-5. Việc bầu người giữ chức vụ này thay ông Huệ dự kiến diễn ra cùng ngày.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới