Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lần đầu tổ chức, Lễ hội Sông nước TPHCM có gì đặc biệt?

Nguyên Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lễ hội Sông nước TPHCM sẽ được tổ chức lần đầu tiên trong ba ngày, từ ngày 4 đến 6-8-2023, nhằm đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố, đa dạng hóa các sự kiện, lễ hội phục vụ người dân và du khách.

Đây là chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông Sài Gòn, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm, các chương trình khuyến mãi mua sắm, kích cầu giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn TPHCM.

Điểm nhấn của lễ hội là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sài Gòn – Dòng sông kể chuyện” vào lúc 20:00 ngày 6-8-2023 tại Cảng Sài Gòn – Cảng Hành khách tàu biển. Đây không chỉ là chương trình thực cảnh đầu tiên của TPHCM mà còn là chương trình thực cảnh tái hiện sự hình thành của tự nhiên, con người qua các thời kỳ phát triển của Gia Định – Sài Gòn – TPHCM và dòng sông chính là một “nhân chứng” hào hùng.

Đêm nghệ thuật thực cảnh sẽ sử dụng công nghệ 3D, mapping lên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ; hệ thống nhạc nước lập trình theo âm nhạc; màn trình diễn flyboard đặc sắc, kết hợp cùng phần trình diễn drone show và pháo hoa trên trời cùng ánh sáng từ hàng chục tàu thuyền lớn trên sông.

Một phối cảnh của chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sài Gòn – Dòng sông kể chuyện”. Ảnh: Nguyên Phong

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra chuỗi sự kiện như không gian “Trên bến dưới thuyền” tại quận 1 (tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè) và quận 8 (khu vực dọc bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông) nhằm trưng bày, giới thiệu nông sản, đặc sản, trái cây các vùng miền để người dân và du khách tham quan mua sắm; các hoạt động thể thao dưới nước như đua thuyền, trình diễn dù lượn, trình diễn bay bằng ván phản lực nước, trình diễn chiếu sáng nghệ thuật khu dù lượn trên cao, biểu diễn ca-nô nước và các hoạt động tương tác chèo SUP…  cũng được diễn ra tại khu vực bến Bạch Đằng, bến Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, TPHCM có đường bờ biển dài 23 km và mạng lưới sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc với mật độ lên tới 3,38 km/km2; sông Sài Gòn là sông lớn nhất, có 80 km chảy qua địa bàn thành phố, là nơi có thể tiếp nhận các tàu biển và các tàu du lịch lớn, có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, đường thủy nội đô, cũng như các tuyến đường sông kết nối với các tỉnh Đông Nam bộ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia.

Đặc biệt, từ 19:00 đến 19:40 ngày 4 và 5-8 và từ 21:00 đến 21:40 ngày 6-8, từ cảng Sài Gòn đến Landmark 81 sẽ có 30 – 40 tàu thuyền của các đơn vị đang khai thác du lịch trên sông Sài Gòn trang trí rực rỡ diễu hành dọc bờ sông.

Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, tại khu vực công viên bến Bạch Đằng sẽ tổ chức trang trí ánh sáng nghệ thuật; xây dựng không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian hấp dẫn nhằm phục vụ người dân địa phương và du khách.

Ngoài ra, còn có các hoạt động hưởng ứng lễ hội như chương trình khuyến mãi mua sắm cho du khách và người dân trong thời gian diễn ra lễ hội; chương trình kích cầu giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật; lễ hội trái cây Nam bộ; triển lãm phim tài liệu chào mừng 160 năm hình thành, phát triển cảng Sài Gòn và các hoạt động hưởng ứng lễ hội của các quận huyện trên địa bàn thành phố.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Nguyên Phong

Phát biểu tại họp báo giới thiệu sự kiện trong sáng ngày 12-7, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nói: “Chương trình không chỉ quảng bá lịch sử, đặc trưng văn hóa của thành phố mà còn khai thác các giá trị từ tài nguyên sông, biển của thành phố, góp phần định vị thương hiệu của thành phố – đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa”.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới