Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lăn lóc theo giá cà phê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lăn lóc theo giá cà phê

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Dù đang ở mức thấp nhưng đà giảm của giá cà phê vẫn chưa chịu ngừng. Chỉ sau một tuần, tính đến hết ngày 7-2, giá cà phê phái sinh robusta London giảm 64 đô la Mỹ/tấn và arabica New York mất 100 đô la/tấn.

Giá cà phê tăng mạnh, đã chắc chưa?

Để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng cà phê

Diễn biến giá phái sinh robusta tại London. Nguồn: barchart.com

Đà giảm chưa có điểm dừng

Thị trường cà phê đang thử sức chịu đựng của các nhà sản xuất và kinh doanh mặt hàng này trên thế giới.

Trên sàn phái sinh robusta London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu – giá giao dịch cơ sở tháng 5-2020 có lúc đã chạm mức thấp 1.280 đô la Mỹ tấn, trong khi đó đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.290 đô la/tấn.

Nhìn từ đáy tuần qua, chỉ còn 20 đô la nữa, giá sàn này sẽ rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay (xem đồ thị).

Sàn kỳ hạn arabica New York nhìn theo đường dài, đã tuột luôn một mạch từ 142,45 xu/cân Anh (cts/lb) nay đóng cửa chỉ còn 98,35 cts/lb. Sàn này mất thêm 4,50 cts/lb tương đương với gần 100 đô la/tấn riêng tuần qua.

Sau một đợt tung tin mất mùa tại nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới Brazil, sàn cà phê arabica tăng cực mạnh nhưng nhanh chóng gãy đổ cho đến phiên cuối tuần qua sau khi đụng đáy 97,40 cts/lb.

Tâm lý bất an từ dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra đã ảnh hưởng tiêu cực thực sự lên chuỗi giá trị của mặt hàng có doanh số kinh doanh chừng 100 tỉ đô la Mỹ hàng năm này trên toàn cầu. Nhiều cửa hàng của các chuỗi quán cà phê như Starbuck, McDonald và các quán cà phê nội địa Trung Quốc phải đóng cửa do lo ngại dịch bệnh lây lan. Không những thế, lượng khách uống tại nhiều quán xá ở những nước có bệnh nhân lây nhiễm nằm gần Trung Quốc giảm một cách trông thấy.

Đường xuất khẩu cà phê chính ngạch cũng như biên mậu qua nước có mức tiêu thụ đang tăng mạnh là Trung Quốc đã tạm ngừng.

Mới đây, có tin rằng một số nhà nhập khẩu hàng hóa tại lục địa Trung Quốc đã công bố “trường hợp bất khả kháng” đối với một số hợp đồng mua nguyên liệu, đã gây thêm bất an cho các thị trường hàng hóa. Tin mới nhận được đã có 2 nhà nhập khẩu Trung Quốc công bố bất khả kháng đối với các hợp đồng mua khí hóa lỏng và đậu nành.

Riêng về đậu nành, người mua đã thông báo chính thức với 2 nước bán lớn nhất là Mỹ và Brazil. Thị trường hàng hóa thương phẩm càng lo ngại cho những đợt bán tháo của giới kinh doanh trên các sàn phái sinh hàng hóa liên quan.

Tác động này đã làm cho giá trị đồng nội tệ reais (brl) của Brazil rớt thảm, xuống mức thấp lịch sử tại 1 đô la Mỹ ăn 4,32 brl vào ngày 7-2 vừa qua. Đồng brl rớt giá mạnh đã bồi thêm lực bán từ phía nông dân Brazil, làm giá cà phê hai sàn đã tệ nay càng thảm.

Người bán đứng ngồi không yên

Chị Lạc, một chủ vựa cà phê ở huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, cho biết trước Tết mua được trên 100 tấn cà phê giá 32-33 triệu đồng/tấn. “Tưởng ra Tết bán được, nào ngờ bệnh dịch do nCoV hoành hành, chào bán miết không ai mua”, chị nóng ruột nói qua điện thoại.

Giá cà phê nội địa quanh vùng chị Lạc nay chỉ còn 31 triệu đồng/tấn mà hàng mua giá cao không thể bán. “Còn hàng mua thêm, tiền đâu nữa mà mua, và mua rồi biết bán đi đâu?”, chị cho biết.

Nhiều chủ vựa cùng tâm trạng như chị Lạc. “Tôi bán mấy trăm tấn giá "trừ lùi" định có cơ hội là chốt giá ngay. Dịp giao thừa Canh Tý, khi giá London lên trên 1.350 đô la/tấn, tôi gọi cho người mua là công ty nước ngoài để bán. Nhưng nhân viên thu mua công ty ấy lại bảo tết nhất không thể gọi cho sếp ở nước ngoài xin giá, bây giờ đành ngậm đắng và thấy lỗ trước mắt”, một chủ vựa tại huyện Di Linh, Lâm Đồng nói trong tiếc rẻ và ân hận.

Diễn biến thị trường còn phức tạp

Nhiều nhà cung ứng cà phê trong nước thường có tâm lý cứ sau Tết, khi nông dân không còn nhu cầu tiền mặt tiêu pha, đó là lúc khan hàng và là cơ hội giá cà phê phái sinh cũng như giá nội địa tăng. Nhưng năm nay, con virus nCoV đã kéo ngược tình hình.

Kinh doanh cà phê trong dịp sau Tết từng được các nhà xuất khẩu kỳ vọng sẽ giảm tồn kho với giá tốt. “Cà phê vẫn nằm chình ình đó. Các nhà nhập khẩu thì muốn chờ khi cơn dịch bệnh do nCoV được khống chế, người cung ứng thì ngồi trên đống cà phê không xuất được, vốn đọng, dù tính toán mọi đường, vẫn chưa thấy có lối thoát”, một nhà xuất khẩu lớn tại TPHCM cho hay.

Trong khi đó, vụ cà phê robusta Brazil đang càng ngày càng gần. Niên vụ robusta Brazil bắt đầu thu hái trong khoảng từ tháng 4 hay tháng 5 năm nay. Niên vụ chính của cà phê Indonesia cũng ra cùng dịp. Chỉ tính robusta Brazil và Indonesia, hai nước này có sản lượng cộng lại bằng hoặc hơn cả Việt Nam.

Vào tháng 12-2019, ước đoán của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng, niên vụ cà phê 2019-2020 của Việt Nam đạt chừng 32,2 triệu bao (1 bao 60kg).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới