Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lan man ẩm thực trời Âu (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lan man ẩm thực trời Âu (*)

Thùy Vy

(TBKTSG) – Không đi vào những vấn đề nóng bỏng của giới trẻ hiện nay như Internet, sex, đồng tính…, ngòi bút của Ngô Thị Giáng Uyên vẫn trung thành với những trang du ký và lối viết văn giản dị nhưng giàu hình ảnh. Sau tác phẩm đầu tay – du ký châu Âu Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương Sống xanh ghi những cảm nhận về môi trường và lối sống của người Việt hiện nay, cô gái đang sống và làm việc tại London này vừa cho ra đời một tuyển tập các bài viết có tựa đề giản dị Bánh mì thơm, cà phê đắng.

“Tôi ngồi ăn trong chợ mái vòm ở xứ sở Helsinki xa vời vợi ngay cả đối với dân các nước châu Âu khác, vì Phần Lan nằm ở cực Bắc. Miếng súp cá hồi cuối cùng lẫn nhiều hạt tiêu xay thơm cay trong miệng, làm tôi chợt nhận ra nó giống nước súp từ món bánh canh cá dầm tôi hay ăn hồi còn đi học ở quê Khánh Hòa, mặc dù ở quê bánh canh làm từ cá mối chẳng có họ hàng gì với cá hồi xứ lạnh. Thế mới biết món ăn cũng là sợi dây kết nối những nền văn hóa xa xôi mà du khách đôi khi giật mình nhận thấy”.

Đó là trích đoạn từ “Ăn hàng chợ Helsinki”, một trong những bài viết trong cuốn Bánh mì thơm, cà phê đắng của Giáng Uyên. Cuốn sách đưa người đọc đến gần với hình ảnh bộ bàn ăn gỗ kê dưới bóng giàn nho trong nắng gió Địa Trung Hải, bày bánh mì mới ra lò, thịt nguội và bia; hay khi cô gái thưởng thức món kem đông cùng trà chiều, nhìn những mái nhà tranh lúp xúp, “những con bò khoang trắng đen gặm cỏ trên những cánh đồng xanh mướt trải dài ngút mắt” của miền quê nước Anh.

“Bánh mì thơm” của Giáng Uyên là bánh mì “kẹp chả cá và một loại nước mắm ớt sền sệt, để cái giòn của bánh mới hơ bếp than hòa với cái dai của chả cá mối quết nhuyễn và nước mắm cay hít hà”.

So với Tây Ban Nha, “nhắc đến tapas, nhiều người nghĩ ngay đến những khoanh bánh mì nhỏ bằng ba ngón tay, phía trên phủ một món mặn như thịt giăm bông, trứng cá, tôm sốt tỏi, bày trên quầy trông thật “gợi cảm”. Chữ tapa tiếng Tây Ban Nha nghĩa là nắp phủ, nắp đậy, vì vậy nhiều người cho rằng món này được sáng chế bởi nông dân vùng Andalucia, khi họ dùng miếng bánh mì phủ lên ly rượu để tránh ruồi. Sau đó người ta có sáng kiến đặt lên mấy trái ô-liu muối, miếng pho-mát, rồi cá hồi xông khói, vậy là thành một món ăn nhẹ ngon lành”.

Còn “cà phê đắng” không phải là những cappuccino, café crème, Greek coffee… như khi cô lan man Đi uống cà phê (**) xuyên châu Âu, mà lần này cà phê nằm ẩn ở một góc của cuốn sách, chỉ những độc giả tinh tế mới có thể nhận ra.

Từ ba năm nay không viết blog, không tham gia những mạng xã hội sôi động, không trả lời phỏng vấn báo chí, sự gắn kết của Giáng Uyên đối với độc giả đơn thuần là những trang viết giản dị, đôi chỗ hài hước, đôi chỗ nhiều trăn trở. Giống những gì nhà báo Trần Trọng Thức từng nhận xét: “Thật thú vị nhận ra đằng sau ngôn từ giàu chất văn học, các bài viết của Uyên còn chứa đựng nhiều nhận xét sâu sắc, nét đẹp tế nhị mà dưới mắt người khác tưởng chừng như bình thường”, những trang viết trong Bánh mì thơm, cà phê đắng đầy cảm nhận tinh tế, làm người đọc thấy như đang cùng với tác giả thưởng thức những món ngon đặc sắc ở lục địa xa xôi…

________________________________________________________________

(*) Đọc Bánh mì thơm, cà phê đắng, Nhà xuất bản Trẻ, giá 41.000 đồng/cuốn.

(**) Bài viết trong Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới