Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lan man… nhìn việc, nhìn người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lan man… nhìn việc, nhìn người

Đông Nguyễn(*)

Lan man... nhìn việc, nhìn người
minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Tôi thường xem các bộ phim truyền hình dài tập của Hồng Kông và chú ý tìm những câu nói hay để có thể áp dụng vào việc “đắc nhân tâm” đối với các nhân viên dưới quyền. Và, tôi thích nhất câu nói cửa miệng của các nhân sự cấp cao trong phim: “Tôi chỉ nhìn việc, chứ không nhìn người”.

Người Việt cũng như người ở nhiều nước châu Á khác, vốn rất xem trọng các mối quan hệ xã hội cộng sinh. Ở Việt Nam, một khi bạn đã tạo ra và củng cố được một chuỗi các mối quan hệ, mọi vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng, miễn là bạn biết “gõ đúng cửa”. Do đó, hầu hết cách hành xử của đại đa số người Việt trong cuộc sống và cả trong công việc đều hướng về lợi ích song phương, đa phương, miễn sao “được anh, được ả, được cả đôi đàng”. Điều này quả là một lợi thế, tuy nhiên, nhiều người đã quá lạm dụng “sự quen biết” mà không nghĩ (hoặc không cần phải nghĩ) đến những hậu quả có thể mang lại cho nền kinh tế và xã hội về lâu dài.

Rất thường gặp trong cuộc sống thường nhật là những mối quan hệ “bằng vai phải lứa”. Đừng tưởng quan niệm “môn đăng hộ đối” đã lỗi thời, cũng đừng khiên cưỡng nghĩ rằng chỉ cần có sức khỏe, trí tuệ và sự kiên tâm là có thể chinh phục được hầu hết các thách thức trong cuộc sống. Nếu bạn chỉ ở tầm “thường thường bậc trung”, bạn sẽ chẳng bao giờ tiếp cận được hay có cơ hội “kết bạn” với các “đại gia”, các viên chức chính phủ cấp cao, trừ phi bạn cho họ thấy được bạn và họ đang cùng nằm trong một “nhóm lợi ích” nào đó. Và như vậy, nhiều dự án đầu tư ngỡ sẽ rất thành công nhưng lại có những kết quả không khả quan, làm tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức và tiền của.

Trong công tác tuyển dụng, “nhìn người” là việc đầu tiên mà phần lớn các ông chủ người Việt (may mắn là không phải tất cả!) hay áp dụng trước khi quyết định “chọn mặt gửi vàng”. Là một trong số những ứng viên được đánh giá rất cao về kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, nhưng sau lần phỏng vấn cuối cùng, anh bạn tôi lại không được tuyển vào vị trí thích hợp tại một công ty có vốn nhà nước, đơn giản vì anh không đáp ứng được tiêu chí “người nhà” mà công ty này đã quy định. Đó là chưa kể ngoài yếu tố “quan hệ”, nhiều nơi vẫn xem xét hồ sơ tuyển dụng nhân sự dựa trên “chủ nghĩa lý lịch”.

Thomas, sếp cũ của tôi, thường hỏi tôi tại sao các đối tác Việt Nam của công ty thích được làm việc với anh ta hơn với tôi dù khả năng trao đổi bằng tiếng Anh và trình độ chuyên môn của họ (đôi khi) rất hạn chế. Nếu là bạn, bạn sẽ trả lời ra sao? Tôi chỉ có thể phân bua rằng bất cứ ai cũng muốn công việc được xúc tiến nhanh hơn khi có sự quyết định ngay tức thì của sếp, chứ tuyệt nhiên không thể biện giải rằng “khi làm việc cùng với người nước ngoài, hình ảnh và giá trị của nhân sự Việt Nam sẽ được tăng lên đáng kể”.

Để rồi sau đó, hầu hết những sai sót (nếu có) do bất đồng ngôn ngữ, quan điểm, kinh nghiệm… đều được quy lỗi cho thằng-người-Việt-là-tôi và tôi phải è cổ ra mà xử lý. Tôi bức bối một thì Thomas lại bực mình đến mười, nhưng cũng đành phải chịu “chống chèo” để nhanh chóng xong việc và… nhận tiền. Tôi không chắc chắn lắm nhưng có vẻ như cách “nhìn người” như thế đã gián tiếp bôi tro trát trấu vào hình ảnh “đã xấu, nay còn xấu hơn” của nhân sự người Việt trong mắt nhìn thoáng đạt của các chuyên gia quốc tế (?)


Cá nhân tôi đã trải qua một vài trở ngại khi xin việc hay làm việc tại các công ty Việt Nam, nơi mà hầu hết các mối tương quan trong công việc đều bị “soi” thường trực. Tiếc là những “soi xét” đó thường nghiêng về các khía cạnh chẳng ăn nhập gì đến hiệu quả công việc!

Và, nếu lỡ bạn có gặp tôi vận comlê đi… uống cà phê vỉa hè thì cũng đừng quá ngạc nhiên. Tôi chỉ muốn tô vẽ hình thức một chút để có thể “xứng tầm đẳng cấp” trong các mối quan hệ, nhằm che giấu đi những gì tôi thực sự khiếm khuyết bên trong. Hãy nhìn vẻ ngoài của tôi chứ đừng bận tâm đến việc tôi đang che đậy điều gì dưới lần áo ấy!

“Nhìn người” không phải điều xấu, nhưng thiết nghĩ, để tận dụng được nhiều tầng lợi ích khác nhau trong xã hội, vấn đề “việc và người” nên được nhìn nhận một cách tỉnh táo và công tâm hơn. Và đã đến lúc, người Việt chúng ta nên cân nhắc việc vận dụng câu nói “hãy nhìn việc, đừng nhìn người” vào môi trường công việc và các mối tương quan xã hội.

________

(*) BI Marketing Strategy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới