Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng âm nhạc Việt, nhìn từ cơn sốt See tình

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – See tình khuấy đảo mạng xã hội các nước châu Á và một số nước phương Tây và được ví von See tình sẽ là ca khúc Việt sánh vai toàn cầu với Gangnam Style của Hàn Quốc. Thế nhưng, đó là giấc mơ xa vời.

Một miền Tây đầy màu sắc trong MV See tình của Hoàng Thùy Linh. Ảnh cắt từ clip

Cuối tháng 2 vừa qua, trên trang cá nhân, ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã đăng tin mừng “đứa con một tuổi”.

Một năm See tình

Không chỉ làm mưa làm gió trong nước, See tình đã khuấy động các trò chơi truyền hình, sân khấu ca nhạc, các buổi cổ động ở nhà thi đấu, trường học hay sân chơi ở các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Myanmar… Tết Trung thu 2022, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM đã đăng tải một clip ngắn về các em học sinh tiểu học ở Trung Quốc nhảy See tình. Trong một trận đấu bóng chuyền ở Hàn Quốc, hai nữ vận động viên “kình” nhau trên sân đấu bằng điệu nhảy trên nền nhạc See tình, khiến người hâm mộ và cả giám khảo thêm phấn khích…

Thành công của See tình được đúc kết là công thức sản xuất âm nhạc đơn giản, điệu nhảy không quá khó và ai cũng dễ dàng nhảy theo. See tình nổi tiếng hơn sau khi được phát hành thêm bản remix với đoạn drop của nhà sản xuất Cukak. Đó là công thức quen thuộc của loại nhạc nhảy điện tử (EDM) với giai điệu sôi nổi, thu hút và dễ tạo xu hướng hay viral. Một yếu tố khác góp phần cho thành công của See tình là việc các nền tảng xã hội cho phép phát những đoạn video chỉ dài khoảng 15-30 giây.

Chuyên trang đánh giá âm nhạc Pitchfork đã dành điểm cao nhất cho album Link, bao gồm ca khúc See tình, là 7,2. Điểm số này rất ấn tượng bởi các album có các bài nổi tiếng của các boyband và girlband của Hàn Quốc thường được Pitchfork đánh giá dưới 7,2 điểm.

“Với See tình, Hoàng Thùy Linh trở nên đặc biệt hơn khi chứa đựng nguồn cảm hứng từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Từ cách chơi chữ si tình, đến giai điệu disco-funk, đoạn điệp khúc mang màu sắc Kpop với những câu luyến láy, từ tượng thanh. Tuy nhiên, lắng nghe kỹ, bạn sẽ nghe thấy biến thể của từ “tình” – tình tình tình tang tang tính – giống như từ ngữ luyến láy trong các bài hát dân ca truyền thống của Việt Nam”, tác giả Joshua Minsoo Kim viết trên Pitchfork.

Ông Hoàng Lê, CEO của TechBeat Records, cho rằng See tình là sản phẩm âm nhạc có nội lực, đủ sức thể hiện tầm ảnh hưởng lớn ở phạm vi quốc tế và trong một thời gian dài. Bài hát có giai điệu mê hoặc, màu sắc vui tươi, tạo cảm giác rung động thuần khiết, yêu đời. “Bởi sự cuốn hút đó mà ca khúc dễ gây ấn tượng mạnh lần đầu nghe”, ông Lê nói.

Ông cũng nói sự lan tỏa rộng rãi của See tình một phần nhờ êkip sản xuất của Hoàng Thùy Linh đã khôn ngoan, bắt kịp trend của nền tảng mạng xã hội đang nổi. Bản phối có nhiều phân đoạn dành chỗ cho vũ đạo, đặc biệt là drop.

Vẫn chỉ là hiện tượng

Hơn chục năm qua, các ca sĩ của Việt Nam như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh, Đức Phúc… đã được mời biểu diễn ở Hàn Quốc nhưng độ phủ của các bài hát của họ không thể thoát khỏi bốn bức tường của khán phòng tổ chức giải. Nói cách khác, toàn bộ nền âm nhạc Việt co cụm vào các chiếc cúp tặng thêm hay giải thưởng hữu nghị.

See tình là hiện tượng mới nhất của các đợt sóng các bài nhạc, bài hát Việt làm mưa làm gió làm gió trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok và Douyin – phiên bản TikTok cho thị trường nội địa của Trung Quốc. Cả hai nền tảng này đã là bệ phóng cho các sản phẩm âm nhạc Việt Nam tiếp cận với đông đảo người nghe toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á.

Trước See tình, các tác phẩm như Ngẫu hứng (Hoaprox), Ngây thơ và Dạ vũ (Tăng Duy Tân ft Phong Max), Dễ đến dễ đi (Quang Hùng Master D) và Hai phút hơn (KAIZ Remix ft Pháo)… đã thẩm thấu vào tâm trí của người nghe nước ngoài.

Tuy vậy, các tác phẩm này lại không được sử dụng nhiều trong clip trên Douyin như Huynh đệ à remix, Về nhà ăn Tết remix hay Kẻ cắp gặp bà già remix – một bài hit khác của Hoàng Thùy Linh. Cho đến khi Cứ chill thôi lan tỏa trên nền tảng chia sẻ video ngắn Douyin với số lượt xem kỷ lục hơn 1 tỉ. Lúc đó, những lời khen có cánh của khán giả Trung Quốc bắt đầu làm mọi người ở Việt Nam chú ý.

Điệp khúc “Cứ chôn vùi lắng lo vào sớm mai, chút yên bình chắc đâu cần đúng sai” đã được khán giả quan tâm tìm hiểu. Họ bất ngờ: “Lời bài hát thật đẹp. Việt Nam có khí hậu ấm áp, nên mới có những bài hát giai điệu đẹp đến vậy”. Để rồi công chúng Trung Quốc cảm thán “nhạc Việt đã vượt qua Kpop, xâm chiếm hết TikTok”.

Có điều thú vị là người góp phần cho nhạc Việt gây điên đảo khán giả xứ Trung lại là một nữ vũ công từ TPHCM. Các động tác múa tay và phong cách thời trang của Bùi Thảo Ly trên tài khoản Douyin của cô khiến hàng loạt các ngôi sao hàng đầu của Trung Quốc như Triệu Lộ Tư, Trương Nguyệt, Lạc Mục Dương Tử, Lâm Tuấn Kiệt… bắt trend và làm theo. Và chính Bùi Thảo Ly lại không ngờ sức ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc của cô lại lớn đến như vậy. Cô gái trẻ trở thành KOL (người có sức ảnh hưởng công chúng) tại Việt Nam nhờ tài khoản Douyin của cô.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, “bài múa” rửa tay Ghen Cô Vy của vũ công Quang Đăng phủ sóng khắp các đài truyền Mỹ, Pháp và nhiều nước khác.

Cũng đầu năm 2020, đoạn điệp khúc của bài hát Dễ đến dễ đi của Quang Hùng Master D trở thành “hot trend” trên TikTok Thái Lan. Mạng xã hội của xứ chùa vàng có hơn 400.000 video có chứa nhạc nền của ca khúc này. Nữ ca sĩ hàng đầu Pimrype đã sản xuất MV và hát lại Dễ đến dễ đi bằng tiếng Thái và chỉ vài tiếng đã đạt Top 1 Trending YouTube ở xứ này.

Dễ đến dễ đi cũng tạo hit trên sân khấu ca nhạc Trung Quốc qua màn trình diễn “Đôi mắt em tựa ánh sao trời” của Cúc Tịnh Y – Hầu Minh Hạo. Ca khúc cũng được cư dân mạng dịch sang tiếng Hàn, Bahasa, Campuchia, Myanmar…

Chúng ta có quyền tự hào khi một bài hát tiếng Việt được dịch sang tiếng nước ngoài và trở thành tác phẩm tạo tiếng vang ở nước sở tại?

Chắc chắn, câu trả lời là “Có”. Bởi đó là sự thay đổi lớn lao so với thời của các bài hát nhạc Hoa lời Việt hay nhạc ngoại lời Việt của những năm 1990 trở về trước. Nhưng các tác phẩm tỏa sáng toàn cầu như See tình, Ghen Cô Vy hay Dễ đến dễ đi vẫn chỉ là hiện tượng ít ỏi, đếm đầu ngón tay – theo lời CEO Hoàng Lê của Techbeat Records. Ông nói các ca khúc Việt hiện chỉ là những clip viral 15-30 giây trên hai nền tảng TikTok và Douyin.

Mở rộng tầm ảnh hưởng

Việc mở rộng thị trường ra quốc tế đối với ngành âm nhạc Việt, theo ông Trần Thăng Long – đại diện Universal Music Vietnam (UMV) – càng lúc càng khả thi hơn trong bối cảnh ranh giới về địa lý và ngôn ngữ giờ đây được xóa nhòa. “Giờ các nghệ sĩ trẻ chỉ cần tập trung vào sáng tác âm nhạc và phát triển có cá tính. Cơ hội vẫn luôn chờ họ”, đại diện UMV nói.

Ớ góc nhìn của mình, ông Hoàng Lê cho rằng Việt Nam chưa hình thành công nghiệp âm nhạc đúng nghĩa, cho dù các mảng dịch vụ sản xuất, phát hành và quảng bá từ online đến offline phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây. “Chúng ta chưa có thống kê về tổng giá trị ngành âm nhạc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư và chiến lược phát triển cho doanh nghiệp khi họ muốn tham gia vào thị trường”, ông Hoàng Lê nói.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, giảng viên ngành quan hệ quốc tế, nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Fulbright Vietnam nói với Kinh tế Sài Gòn rằng: “Bởi các sản phẩm văn hóa Việt Nam hiện nay vẫn khá manh mún, không thể tạo tính trào lưu hay có tính đặc sắc riêng. Hoàng Thùy Linh hay Bùi Thảo Ly chỉ là những hiện tượng mang tính giai đoạn, ngắn ngủi. Do đó, việc gắn văn hóa và bản sắc với các sản phẩm văn hóa trong nước hướng ra nước ngoài là quan trọng”.

Vị tiến sĩ này cũng cho rằng một chiến lược đầu tư cho âm nhạc Việt là ngoài tầm với các doanh nghiệp trong nước. “Nếu nhìn sang ngành giải trí Hàn Quốc, chúng ta thấy họ có kế hoạch hết sức bài bản về xuất khẩu văn hóa, cũng như kết hợp văn hóa và thương mại. Đã có những tác phẩm tốt, nhưng việc gắn với thành công thương mại ở Việt Nam như Hàn Quốc thì vẫn chưa thấy rõ”, ông nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới