Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng đóng cửa chi nhánh ngân hàng ở châu Âu đang tăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làn sóng đóng cửa chi nhánh ngân hàng ở châu Âu đang tăng

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Áp lực cắt giảm chi phí và thói quen giao dịch của khách hàng thay đổi do tác động của đại dịch Covid-19 đang khiến một loạt chi nhánh ngân hàng ở châu Âu phải đóng cửa.

Hàng loạt ngân hàng ở châu Âu cắt giảm chi nhánh

Pháp là nước có tỷ lệ chi nhánh ngân hàng trên bình quân đầu người cao nhất châu Âu. Tại trung tâm thị trấn Saint-Lô, miền bắc nước Pháp, chi nhánh của nhiều ngân hàng ở Pháp từ BNP Paribas, Société Générale  Crédit du Nord cho đến Crédit Agricole, Crédit Lyonnais, CIC, BPCE, La Banque Postale nằm san sát trên một tuyến phố dài chưa đến 2km. Saint-Lô là nơi có mạng lưới chi nhánh ngân hàng dày đặc nhất nước Pháp, quy tụ 55 chi nhánh ngân hàng quốc gia và các chi nhánh gửi tiết kiệm địa phương, theo Cục Thống kê Pháp (Insee).

Trung bình có 28,8 chi nhánh ngân hàng trên mỗi 10.000 dân ở thị trấn này, cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ trung bình 1,14 chi nhánh ngân hàng/10.000 dân ở Anh.

Làn sóng đóng cửa chi nhánh ngân hàng ở châu Âu đang tăng
Tuần trước, Santander, ngân hàng bán lẻ lớn nhất eurozone, cho biết sẽ đóng cửa gần 1/3 trong số 3.100 chi nhánh ở Tây Ban Nha và cắt giảm 4.000 việc làm. Ảnh: Getty

“Tôi không hiểu tại sao có nhiều chi nhánh ngân hàng như vậy. Tôi chỉ ghé đến ngân hàng khoảng 5 lần mỗi năm, nhiều nhất là 10 lần nhưng tôi muốn chi nhánh ngân hàng của tôi lúc nào cũng mở cửa. Điều đó rất quan trọng”, Annie Larose, một phụ nữ 58 tuổi sống gần một chi nhánh ngân hàng của Crédit Agricole ở Saint-Lô, nói.

Đại dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng và gia tăng sức ép cắt giảm chi phí, khiến các ngân hàng ở châu Âu đang đối mặt áp lực thay đổi.

“Mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng đang thay đổi theo hướng số hóa. Rõ ràng, chúng tôi cần điều chỉnh mạng lưới chi nhánh”, Jose Garcia Cantera, Giám đốc tài chính của Santander, (Tây Ban Nha), ngân hàng bán lẻ lớn nhất khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone), cho hay.

Ông nói tiếp: “Liệu các chi nhánh ngân hàng còn cần thiết trong tương lai? Chắc chắn là còn nhưng chúng sẽ không giao dịch giống như trước. Mọi người giờ đây có thể thực hiện tất cả các giao dịch tại nhà”.

Tuần trước, Ngân hàng Santander cho biết sẽ đóng cửa gần 1/3 trong số 3.100 chi nhánh ở Tây Ban Nha và cắt giảm 4.000 việc làm khi cuộc khủng hoảng Covid-19 tăng tốc sự chuyển dịch hoạt động kinh doanh lên không gian trực tuyến. Năm ngoái, Santander cũng đã đóng cửa bớt 140 chi nhánh ở Anh.

Hồi tháng 9, Ngân hàng Handelsbanken (Thụy Điển), một trong những ngân hàng ủng hộ mạnh mẽ nhất việc duy trì mạng lưới chi nhánh, thông báo kế hoạch đóng cửa 50% số chi nhánh ở trong nước.
Các ngân hàng lớn nhất ở Đức và Tây Ban Nha cũng đã công bố kê hoách cắt giảm chi nhánh kể từ khi đại dịch Covid-19 ập tới châu Âu. HSBC, ngân hàng lớn nhất Anh, có ý định thu hẹp thêm mạng lưới chi nhánh vào năm sau.

Các ngân hàng ở Pháp dự kiến cũng sẽ đi theo xu hướng này. Ngân hàng Société Générale đã đóng cửa 390 trong số 2.186 chi nhánh vào cuối năm 2015. Vào cuối tháng này, Société Générale sẽ công bố kế hoạch sáp nhập với các chi nhánh của Ngân hàng Credit du Nord, đơn vị thành viên của Société Générale. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm nhiều chi nhánh của Société Générale đóng cửa.

Đến thời của ngân hàng trực tuyến

Ronit Ghose, nhà phân tích ở Ngân hàng Citigroup, nói: “Các ngân hàng ở Pháp, Tây Ban Nha và Ý vấp phải vấn đề thế hệ rất lớn. Các khách hàng ở độ tuổi từ 55-75 đang mang lại lợi nhuận lớn nhất cho mảng bán lẻ của các ngân hàng ở những nước này. Bạn không thể thay đổi nhanh khi nền tảng khách hàng của bạn chưa thay đổi”

Song, làn sóng phong tỏa rộng khắp để kiểm soát lây lan của dịch bệnh Covid-19 khiến ngay cả những khách hàng lưỡng lự nhất cũng phải chuyển sang giao dịch trực tuyến.

Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy nhiều khách hàng ở châu Âu chuyển sang giao dịch ngân hàng trực tuyến. Ảnh: buddyloans

Trước đại dịch, Jose Garcia Cantera, Giám đốc tài chính Ngân hàng Santander, phàn nàn: “Chúng tôi có thể nhận được 16 lượt truy cập ứng dụng ngân hàng của chúng tôi mỗi tháng trên mỗi khách hàng nhưng phần lớn không tạo ra giá trị”. Các khách hàng của Santander sẵn sàng sử dụng ứng dụng ngân hàng để chuyển tiền hay kiểm tra số dư tài khoản nhưng vẫn chưa thấy thoải mái để thực hiện các giao dịch lớn từ xa.

Tuy nhiên, đến quí 3-2020, 80% doanh thu của Santander ở Anh được tạo ra từ các dịch vụ trực tuyến. Trung bình mỗi tuần trong tháng 9, NatWest, một ngân hàng thương mại và bán lẻ ở Anh, xử lý 9.000 cuộc gọi video của khách hàng để thực hiện các giao dịch. Con số này hồi tháng 1 chỉ là 100 cuộc gọi video.

“Khi chúng tôi thực hiện cuộc thăm dò ý kiến cách đây ba năm, có rất ít người tiêu dùng hào hứng với các cuộc gọi video. Giờ đây, mọi người gọi video suốt ngày. Ngay cả các ông bà lão cũng đang làm điều này. Đó là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi đối với dịch vụ cho vay thế chấp bất động sản, dịch vụ cho vay doanh nghiệp nhỏ và ngay cả dịch vụ tư vấn đầu tư”, Zubin Taraporevala, đối tác cao cấp của McKinsey, nhận định.

Áp lực cắt giảm chi phí

Đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng áp lực cắt giảm chi phí đối với các ngân hàng. Dù mức dự phòng cho các khoản nợ xấu của các ngân hàng ở châu Âu giảm trong quí 3, chu kỳ kéo dài của các mức lãi suất thấp kỷ lục tiếp tục gây sức ép cho biên lợi nhuận của họ.

Một lãnh đạo cấp cao ở một ngân hàng châu Âu đang đóng cửa bớt số chi nhánh, cho hay: “Các bài toán kinh tế để duy trì một mạng lưới chi nhánh lớn ở những khu vực không có lượng khách ghé vào cao đang rất khó khăn, vì vậy, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chúng ta không chứng kiến có thêm nhiều chi nhánh đóng cửa”.

Triển vọng kinh doanh ảm đạm cũng khiến nhiều ngân hàng tập trung vào các kế hoạch sáp nhập để đóng cửa bớt các chi nhánh nằm gần nhau của họ. Sau khi đạt được thỏa thuận sáp nhập trị giá 17 tỉ euro để tạo ra ngân hàng nội địa lớn nhất Tây Ban Nha trong thời gian gần đây, hai ngân hàng CaixaBank và Bankia có thể đóng cửa đến 1.800 chi nhánh trong ba năm tới. Thỏa thuận này gây sức ép cho các ngân hàng đối thủ khác ở Tây Nha Ba, buộc họ cũng phải cân nhắc kế hoạch sáp nhập, khiến số chi nhánh ngân hàng càng giảm hơn nữa.

Ronit Ghose, nhà phân tích ở Ngân hàng Citigroup, nói: “Vấn đề lớn là làm sao bạn có thể kiếm tiền với mức lãi suất âm hoặc zero? Câu trả lời không thể đối với các ngân hàng của một số nước châu Âu. Các ngân hàng ở Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan cũng kinh doanh với mức lãi suất thấp tương tự hoặc thấp hơn nhưng họ vẫn kiếm được lợi nhuận vì có cấu trúc chi phí gọn nhẹ hơn nhiều”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới