Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng mới “tuần làm bốn ngày”

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một cuộc khảo sát vào tháng 11-2021 của Đại học Reading tiết lộ rằng 68% trong số khoảng 500 nhà tuyển dụng đã áp dụng “tuần làm việc bốn ngày” nói rằng cơ chế mới giúp tuyển dụng được nhân tài, trong khi 66% nói rằng cơ chế mới giúp giảm chi phí.

Tuần làm việc ngắn hơn sẽ giúp người Nhật có thời gian chăm sóc con cái và người già. Nhưng các nước châu Á cần gấp rút cải tổ luật lao động, chú trọng đến hiệu quả và hiệu suất công việc thời hậu dịch. Ảnh: Reuters

Đại dịch Covid-19 đã làm làn sóng bỏ việc “Great Resignation” bùng phát ở Mỹ. Mọi người rời bỏ công việc cũ, tìm kiếm sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống cá nhân, tiền lương cao hơn hay đơn giản chỉ là cách phản đối những điều kiện làm việc bất công.

Để giải tỏa những áp lực đó, nhiều công ty Mỹ đang bắt đầu áp dụng mô hình làm việc mới: tuần làm chỉ bốn ngày nhưng được hưởng lương đủ năm ngày. Các nhà kinh tế và xã hội học cho rằng đây sẽ làn sóng mới “càn quét” các công ty Mỹ trong tương lai. Nhưng thật ra, nước Mỹ đã chậm chân hơn châu Âu nhiều năm. Còn Nhật Bản thì thực hiện kiểu khác.

Great Resignation là tác nhân chính

Sau khi nhân viên bắt đầu nghỉ việc hàng loạt, từ tháng 8 năm ngoái, tổ chức phi lợi nhuận Healthwise ở Idaho, Mỹ đã tham vấn ý kiến của nhà kinh tế học nổi danh Juliet Schor. Ngay sau đó, Healthwise thực hiện mô hình làm việc mới.

Giống như nhiều công ty khác đang đối mặt với tình trạng kiệt quệ và căng thẳng kinh tế do dịch bệnh, Healthwise đã gặp khó khăn vào năm ngoái. Sáu tháng sau khi thực hiện chế độ làm việc mới, bà Schor nói rằng nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn đáng kể, doanh số của Healthwise tăng và khách hàng cũng hài lòng hơn.

Bà Schor là một nhà kinh tế học và nhà xã hội học nổi tiếng đang giảng dạy tại Boston College. Từ những năm 1980, bà chú tâm nghiên cứu các xu hướng trong thời gian làm việc, chủ nghĩa tiêu dùng, mối quan hệ giữa công việc và gia đình, phụ nữ và bất bình đẳng kinh tế, và biến đổi khí hậu.

“Các nhân viên của Healthwise đang dành những ngày thứ Sáu hàng tuần cho các sinh hoạt gia đình hoặc chăm sóc bản thân”, bà Schor phát biểu tại hội nghị về truyền thông và con người TED 2022 tại Vancouver hồi giữa tháng 4. Bà cũng kể chuyện một nữ nhân viên Healthwise giờ có thời gian để đi làm móng cuối tuần, mà không quá hớt hải vì con cái và chuyện gia đình.

Healthwise bắt đầu áp dụng chế độ tuần làm bốn ngày nhưng hưởng đủ lương từ tháng 8 năm ngoái sau khi nhân viên bỏ việc hàng loạt. CEO Adam Husney nói rằng tuần làm việc linh hoạt giúp tăng năng suất và làm nhân viên hạnh phúc hơn. Ảnh: Idaho Statesman

Healthwise là một trong số ngày càng nhiều công ty Mỹ khuyến khích nhân viên làm việc ít giờ hơn để giữ chân người lao động. Hơn 38 triệu công nhân bỏ việc trong năm 2021 và xu hướng này không có dấu hiệu chậm lại, khi kỷ lục gần 4,4 triệu người Mỹ bỏ việc trong tháng 2 vừa rồi.

Nhà tâm lý học tổ chức Anthony Klotz đã dùng cụm từ “Great Resignation” để nói về “Thời đại bỏ việc hàng loạt”. Klotz nói rằng đại dịch đã khiến người lao động đắn đo cân nhắc xem liệu công việc có đang phục vụ cho các mục tiêu trong cuộc sống của họ hay không hoặc mọi người đang mòn mỏi về công việc trong bối cảnh bất định, khó lường.

Schor cho biết nghiên cứu chỉ ra rằng một tuần làm việc ngắn hơn có thể giảm bớt căng thẳng về tinh thần, đồng thời cải thiện sự hài lòng và năng suất công việc và tạo ra những tài năng chất lượng cao hơn.

CEO Adam Husney của Healthwise nói với tờ Idaho Statesman rằng nhân viên của ông đã thấy “rất ít tiêu hao năng lượng” kể từ khi chuyển sang tuần làm việc bốn ngày. Husney đã duy trì khối lượng công việc như cũ trong một tuần. Thế là, nhân viên tự khắc phải biết cách tối đa hóa số giờ làm việc ít hơn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng công việc hoàn thành.

Schor cho biết các nhân viên của Healthwise tiết kiệm thời gian bằng cách nhắn tin cho đồng nghiệp của họ hơn là gọi điện thoại, do đó hạn chế những cuộc “nấu cháo điện thoại” dài lê thê.

“Họ dời các việc riêng tư, chẳng hạn như các cuộc hẹn với bác sĩ, sang ngày nghỉ. Và dĩ nhiên, tốc độ làm việc tại văn phòng tăng lên. Mọi người đã thích nghi và họ muốn được nghỉ nguyên một ngày thay vì cứ nhàn tản cho hết ngày”, Schor nói.

Iceland đã thử nghiệm tuần làm việc bốn ngày và 85% dân số hiện đang làm việc trong thời gian ngắn hơn hoặc đang tiến tới mục tiêu đó. Các bang ở Mỹ đang noi gương. Quốc hội bang California đang đề xuất một dự luật cho tuần làm bốn ngày dành cho người lao động không thuộc tổ chức công đoàn, làm việc theo giờ tại các công ty có 500 nhân viên trở lên.

“Hiện mọi người đang thảo luận về tương lai của công việc và những cơ hội song hành cùng nó. Nhưng chúng ta đang đối mặt với nguy cơ nhiều hơn là cơ hội. Chúng ta có một mệnh lệnh là phải đương đầu với những thách thức của thời điểm hiện tại, đại dịch làm tất cả kiệt sức và trầm cảm, bất bình đẳng xã hội và thu nhập”.

Mô hình “nhiều giờ”

Nhật Bản bắt đầu thực hiện mô hình bốn ngày làm việc, nhưng theo cách khác: làm nhiều giờ hơn để cuối tuần có thêm một ngày nghỉ.

Tháng 10-2015, Fast Retailing - hãng mẹ của thương hiệu thời trang nhanh Uniqlo - bắt đầu cho phép 20% nhân viên toàn thời gian được nghỉ ba ngày cuối tuần, nhưng phải làm việc nhiều giờ hơn. Ban đầu chỉ áp dụng với 10.000 nhân viên thuộc 840 cửa hàng Uniqlo trên toàn Nhật Bản. Sau đó, Fast Retailing áp dụng cho toàn hệ thống.

Nhưng thật ra, theo Nikkei Asia, một số doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã thực hiện cơ chế tạm làm bốn ngày để tiết kiệm năng lượng sau vụ tai nạn kép năm 2011 - sóng thần kéo theo động đất đã làm các nhà máy điện hạt nhân rò rỉ.

Năm 2016, chi nhánh Yahoo Japan nối gót Fast Retailing. Năm sau nữa thì đến chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart, và rồi năm kế đến hãng xe tải Sagawa… Năm 2021, các nhà làm luật và các doanh nghiệp xứ này bắt đầu chính thức đặt vấn đề: đưa cơ chế này vào luật. Mới nhất trong tháng này là Hitachi sẽ áp dụng thể thức mới cho 15.000 nhân viên của tập đoàn. Hai tập đoàn Panasonic và NEC cũng đang xem xét kế hoạch này.

Nhiều doanh nghiệp có tuần làm việc bốn ngày dành cho những nhân viên không thể cam kết làm việc nhiều giờ vì những lý do như phải chăm sóc con nhỏ hay người già. Trong những trường hợp như vậy, họ được trả lương thấp hơn những người khác làm việc đủ số giờ cần thiết. Nhưng các công ty đang định ra các quy tắc cho phép nhân viên làm việc linh hoạt hơn và đánh giá hiệu suất làm việc.

Nghiên cứu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản trong năm 2021 cho thấy 8,5% công ty ở nước này có hệ thống cho phép nhân viên làm việc từ bốn ngày trở xuống mỗi tuần. Nhưng với một đất nước ham việc và làm việc đến kiệt sức, chỉ có 10-20% nhân viên chọn mô hình này.

Có lẽ, nguyên nhân chính là luật lao động của Nhật Bản quy định tiền lương được xác định bằng số giờ làm việc. Khi dịch Covid-19 ập đến, nhiều người phải làm việc tại nhà. Thế nhưng, họ vẫn phải đến công ty để trình tờ chấm công cho công ty. Lương chỉ được trả khi có dấu triện cá nhân và của công ty.

Thực hiện cơ chế tuần làm bốn ngày nhưng hưởng lương năm ngày vẫn còn chông chênh ở Nhật Bản cho đến khi có điều luật sửa đổi và nước Nhật thật sự thực hiện chuyển đổi số.

Các nước châu Âu có ngày làm việc trung bình ngắn hơn, chẳng hạn như Pháp và Đức, có năng suất cao hơn so với các nơi có tuần làm việc dài hơn như ở Anh và Ý. Hồi tháng 2, Bỉ đã thông qua dự luật tuần làm việc bốn ngày và dự kiến sẽ thi hành cuối năm nay.
Các doanh nghiệp châu Âu cũng thoải mái hơn với ý tưởng mới. Tập đoàn đa quốc gia Unilever và hãng viễn thông Telefonica của Tây Ban Nha đã bắt đầu thực hiện tuần làm việc bốn ngày.
Khoảng 95% trong số 10.000 công nhân ở Úc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh và Mỹ cho biết họ muốn có sự linh hoạt về thời gian làm việc trong một cuộc khảo sát do Diễn đàn Tương lai có trụ sở tại Mỹ thực hiện vào tháng 11.

Nguồn: Business Insider, Nikkei Asia, The Atlantic

1 BÌNH LUẬN

  1. Về bản chất, có thể xem “tuần làm việc 4 ngày” là cách nói đại ngôn mà thôi, thay vì nói “tuần làm việc 4 ngày tại office”. Bởi lẽ, thay vì đến trụ sở như thường lệ, người lao động sẽ có quyền tự do quyết định nơi chốn/ thời gian/ khối lượng công việc cần hoàn thành. Thực tế này đã diễn ra phổ biến trong thời kỳ đại dịch Covid, nhất là đối với những ngành nghề có tính linh hoạt cao như dịch vụ IT/ thương mại điện tử… Thậm chí số giờ lao động có thể tăng lên do người lao động có nhiều cơ hội làm nhiều loại công việc hơn tùy vào năng lực và nhu cầu thu nhập. Thay đổi lớn nhất trong thời gian đến không phải là thời gian làm việc mà là thay đổi về cách thức quản trị công việc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới