Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng người nhập cư gây căng thẳng chi phí nhà ở phương Tây

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lượng người nhập cư tăng bùng nổ ở các nước phương Tây sau đại dịch Covid-19 đẩy tăng giá thuê nhà và hỗ trợ giá nhà ở, khiến cuộc chiến chống lạm phát cam go hơn.

Một dự án nhà ở tại Sydney. Dòng người nhập cư tăng nhanh sau đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu nhà ở các thành phố lớn của Úc tăng mạnh, đẩy chi phí nhà ở tăng bất chấp lãi suất cao. Ảnh: APP

Làn sóng di cư đến các nước giàu đang gây thêm áp lực tăng giá nhà ở, gây bất bình cho người thuê nhà và người mua nhà, đồng thời khiến các ngân hàng trung ương khó kiểm soát lạm phát hơn.

Từ châu Âu đến châu Á và Bắc Mỹ, dòng người nhập cư đang tăng kỷ lục khi họ tìm kiếm cơ hội mưu sinh ở những thị trường lao động chặt chẽ. Nhiều người trong số họ đã đổ bộ vào các thành phố, nơi đang thiếu nhà ở. Điều này đẩy giá thuê nhà lên cao và giữ cho giá nhà không giảm nhiều như dự kiến mặc dù chi phí vay thế chấp đã tăng mạnh, đặc biệt là ở châu Âu, Canada và Úc.

Dân số tăng, khiến giá nhà khó giảm dù lãi suất cao

Tại Canada, nơi tiếp nhận kỷ lục 437.000 người di cư vào năm ngoái, giá bất động sản bắt đầu tăng trở lại vào tháng 2 sau 10 tháng giảm liên tiếp. Tại Anh, lạm phát hàng năm về chi phí thuê nhà trong tháng 5 đạt mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thống kê năm 2016 và đã tăng trong 21 tháng qua.

Tại Mỹ, tốc độ tăng tiền thuê nhà đang chậm lại, nhưng giá nhà đã bắt đầu tăng trở lại sau khi giảm trong năm qua. Theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà môi giới quốc gia, giá bán nhà hiện tại trung bình của Mỹ chạm đáy ở mức 361.200 đô la vào tháng 1 và đã tăng lên hàng tháng kể từ đó.

Chi phí thuê nhà và nhà ở tiếp tục là nguyên nhân gây lạm phát ở Mỹ, chiếm 70% trong mức tăng 0,2% của chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng trong tháng 6.

Nhiều yếu tố, bao gồm cả việc thiếu đầu tư cho dự án mới và việc một số chủ nhà không muốn bán, khiến chi phí nhà ở tăng cao ở Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế nhận định dòng người người nhập cư hợp pháp lẫn bất hợp pháp cũng là một phần khiến chi phí nhà ở tăng. Dân số của Mỹ tăng thêm 1,26 triệu người hồi năm ngoái, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2019, nhưng trong số đó, có đến 1 triệu người là dân nhập cư.

Một báo cáo gần đây của ngân hàng Goldman Sachs chỉ ra dòng người nhập cư tăng nhanh là nguyên nhân chính khiến giá nhà ở các nền kinh tế phát triển có dấu hiệu neo ở mức giá cao hơn dự kiến sau sự sụt giảm do lãi suất tăng.

“Sự phục hồi hoạt động nhập cư sau đại dịch dường như đang thúc đẩy tăng trưởng dân số, khiến nhu cầu nhà ở tăng lên và kìm hãm tốc độ giảm giá nhà. Giá nhà tăng mạnh nhất ở Úc và Canada, nơi nhập cư và tăng trưởng dân số phục hồi mạnh mẽ nhất”, hai nhà kinh tế Joseph Briggs và Giovanni Pierdomenico của Goldman Sachs viết trong một báo cáo.

Đối với nhiều người, tình trạng chi phí nhà ở cao dai dẳng đang gia tăng áp lực, đặc biệt là khi mà có quá nhiều chi phí khác cũng đang tăng.

Vì chi phí nhà ở vẫn cao dai dẳng, đặc biệt là tiền thuê nhà, chiếm tỷ trọng lớn trong thước đo lạm phát của các ngân hàng trung ương, họ lập luận cần phải tăng lãi suất hơn nữa.

Các ngân hàng trung ương ở Úc và Canada gây bất ngờ với những quyết định tăng lãi suất trong thời gian gần đây.

Năm ngoái, số người di cư đến những nước giàu cao hơn 5 triệu so với số người rời khỏi những nước này. Con số này tăng 80% so với mức trước đại dịch. Đức, Canada, Nhật Bản và nhiều nước khác đang sửa đổi các quy định nhập cư để thu hút nhiều lao động nước ngoài hơn trong nỗ lực giải quyết vấn đề thiếu nhân lực trong nước.

Úc: Nguồn cung nhà ở căng thẳng vì dân nhập cư đổ xô đến

Các nhà kinh tế ước tính, có khoảng 85% người di cư trở thành người thuê nhà sau khi đến một quốc gia. Điều này có nghĩa là áp lực mà họ gây ra đối với chi phí nhà ở là mạnh nhất trên thị trường cho thuê.

Ở Úc, quốc gia 26 triệu dân và gần như đóng cửa biên giới hoàn toàn trong đại dịch Covid-19, số người đã di cư đến đây cao hơn 400.000 người so với số người rời đi trong 12 tháng tính đến tháng 6. Con số này cao gần gấp đôi mức trung bình trước đại dịch. Các quan chức Úc dự báo đất nước sẽ tiếp nhận thêm thêm 315.000 người nhập cư trong 12 tháng tính đến tháng 6-2024.

Dòng người nhập cư tăng mạnh khiến Philip Lowe, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), cảnh báo về lạm phát khi những cư dân mới tìm thuê và mua nhà ở.

Giá thuê nhà trung bình trên khắp các thành phố lớn của Úc đã tăng 11,5% trong 12 tháng tính đến tháng 6 và tăng hơn 25% so với mức trước đại dịch, theo nhà cung cấp phân tích bất động sản CoreLogic. Giá nhà của Úc gần đây bắt đầu tăng trở lại trên cơ sở hàng tháng sau khi giảm 9,1% trong 7 tháng tính đến tháng 2.

“Dân số của Úc sẽ tăng 2% trong năm nay, nhưng chúng ta có thêm 2% nhà ở mới không? Rõ ràng là không”, Lowe nói hồi tháng 5.

Các nhà môi giới bất động sản ở Úc dự báo nhu cầu bất động sản sẽ tăng hơn nữa khi du học sinh đổ xô đến Úc sau khi hoàn tất chương trình học phổ thông trung học ở các nước Bắc bán cầu.

“Tôi thực sự không biết họ sẽ tìm nhà ở đâu”, Diana Vescio, người làm việc trong lĩnh vực bất động sản ở Sydney, nói.

Vescio cho biết, một số chủ nhà đã tăng giá thuê để bù lại tổn thất trong đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Bà cho biết nhiều người đang chật vật trả nợ vay thế chấp với chi phí đã tăng lên.

Nhiều nhà kinh tế đã dự báo giá nhà ở Úc sẽ giảm 20% khi RBA bắt đầu chương trình tăng lãi suất mạnh mẽ vào tháng 5 -2022.

Nhưng thực tế, Sydney, điểm dừng chân của nhiều người di cư, chứng kiến giá nhà tăng 6,7% từ mức thấp gần đây, tương đương với mức tăng 45.000 đô la trong giá trị nhà ở trung bình.

Giá nhà trung bình ở Sydney có khả năng tăng 6-9% trong 12 tháng tính đến tháng 6 -2024, do ít người rao bán nhà và dân số thành phố tăng lên, theo Công ty bất động sản Domain Group. Công ty này dự đoán làn sóng nhập cư sẽ thúc đẩy nhu cầu thêm 300.000 ngôi nhà trên khắp nước Úc.

Dòng người nhập cư gây căng thẳng đối với nguồn cung nhà ở có thể có thể khiến RBA tiếp tục tăng lãi suất sau khi đã tăng 4 điểm phần trăm kể từ tháng 5-2022, lên mức cao nhất trong hơn 11 năm.

Nhà kinh tế học Paul Bloxham của ngân hàngHSBC, nói: “Nguồn cung nhà ở thắt chặt có thể gây ra lạm phát, dẫn đến các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn”.

Đức, Anh: Hoạt động xây dựng nhà ở không đạt mục tiêu

Đức cũng đang chứng kiến giá thuê nhà tăng trong dòng người di cư đến nước này tăng và hoạt động xây dựng nhà ở trong nước chậm lại.

Hơn 1,1 triệu người tị nạn từ Ukraine đã khiến lượng dân nhập cư ròng của Đức lên mức cao kỷ lục 1,5 triệu trong năm 2022.

Trong khi đó, số lượng nhà xây dựng mới chưa đến 75% của mục tiêu 400.000 căn hộ mới mà chính phủ đặt ra hàng năm để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở.

Theo dữ liệu từ nền tảng bất động sản ImmoScout24, tiền thuê nhà hàng năm ở Đức tăng tốc trong quí đầu tiên của năm 2023, với mức tăng trưởng hàng quí đạt mức kỷ lục ở Berlin và Stuttgart. Nhiều nhà kinh tế cho rằng giải pháp tốt nhất là xây dựng nhiều hơn. Tại Anh, nguồn cung nhà ở mới đạt đỉnh vào năm 2020 và kể từ đó không đạt được mục tiêu của chính phủ là xây dựng 300.000 ngôi nhà mới mỗi năm, một phần do sự gián đoạn trong đại dịch.

Hồi tháng 5, chính phủ Úc cho biết họ sẽ sớm áp dụng các biện pháp giảm thuế để tăng nguồn cung nhà cho thuê, đồng thời tăng các khoản thanh toán hỗ trợ tiền thuê nhà cho các nhóm thu nhập thấp.

Nhưng hoạt động xây dựng nhà ở mới có thể mất nhiều năm, một phần là do các quy định chặt chẽ về quy hoạch.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới