Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng ồ ạt ‘xin’ nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém

Dũng Nguyễn

-

(KTSG Online) – Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém lại một lần nữa gây ra sự chú ý của giới kinh doanh khi xuất hiện làn sóng các ngân hàng thương mại chủ động đề xuất phương án nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém.

Một trong những điểm khá đặc biệt của làn sóng này, đó là sự kết hợp không theo hình thức “hôn nhân” giữa hai tổ chức tín dụng, mà là theo mô hình “mẹ bồng con”, nghĩa là các bên tách ra để tập trung giải quyết khoản lỗ và độc lập tài chính rồi mới tính đến chuyện sáp nhập.

Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng loạt các thông tin đề xuất xử lý ngân hàng yếu kém được công bố. Chẳng hạn như mới đây, cổ đông ngân hàng HDBank đã thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại cổ phần bị kiểm soát đặc biệt.

HDBank dự kiến sẽ góp vốn vào ngân hàng yếu kém để tham gia xử lý. Ảnh minh họa: DNCC

Đây cũng là trường hợp thứ ba kể từ đầu năm, chính thức công bố với các cổ đông về việc tham gia xử lý ngân hàng yếu kém, trước đó là MB và Vietcombank. Không chỉ vậy, cũng tại đại hội cổ đông thường niên, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần thuộc tốp đầu thị trường có trụ sở ở Hà Nội cũng đã đề cập đến việc nghiên cứu tham gia nhận chuyển giao bắt buộc, nhưng cũng cho biết thêm là còn quá sớm để nhắc đến.

Với HDBank, ngân hàng này không giấu tham vọng muốn sáp nhập để phình to hơn. Thương vụ sáp nhập với PGBank vào năm 2018 cũng đã từng được cơ quan quản lý cũng đã chấp thuận về mặt nguyên tắc, nhưng sau đó hai nhà băng đã không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng. Trước đó nữa, HDBank đã nhận sáp nhập Ngân hàng Đại Á vào năm 2013.

Chưa rõ cái tên ngân hàng yếu kém mục tiêu của HDBank, nhưng trước đó thị trường cũng đã từng đồn đoán về việc sáp nhập với Ngân hàng Đông Á, khi ngân hàng này lần đầu tiên tổ chức họp đại hội cổ đông sau khi bị kiểm soát đặc biệt vào năm 2015.

Ngân hàng Đông Á

Theo thông tin từ phía cơ quan quản lý hồi tháng 5, lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để xử lý ba “ngân hàng 0 đồng” bao gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) và ngân hàng kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á.

Trong đó, hai trên ba ngân hàng mua lại bắt buộc là OceanBank và CBBank đã có phương án xử lý. Cũng hồi tháng 5 vừa qua, MB đã ký với Oceanbank thỏa thuận hợp tác chiến lược dù Vietinbank là ngân hàng tham gia hỗ trợ nguồn lực trước đó, còn Vietcombank đã được chỉ định tham gia hỗ trợ nguồn lực cho CBBank trước đó vào năm 2015.

Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) là một trong ba ngân hàng bị mua bắt buộc. Ảnh minh hoạ: cbbank.vn

Như vậy, hướng đi cho các ngân hàng yếu kém đang dần trở nên rõ ràng hơn sau khoảng thời gian trầm lắng. Trong giai đoạn 2011-2015, thị trường đã giảm khoảng 19 tổ chức tín dụng yếu kém thông qua phương án hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể và thu hồi giấy phép. Tuy nhiên, từ 2016 đến nay thì lại khá “vắng vẻ”.

Ở thời điểm 2018-2019, việc sáp nhập các ngân hàng này được kỳ vọng sẽ do khối ngoại dẫn dắt. Có không ít các thông tin các định chế tài chính lẫn nhiều nhà đầu tư quốc tế tiếp cận đến các nhà băng, nhưng cuối cùng cũng “chìm” xuống.

Còn đến giai đoạn hiện nay, cơ quan quản lý cũng đã công bố đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 hồi tháng sáu. Trong đó, một nội dung cơ bản trong đó là khuyến khích các tín dụng sáp nhập các đơn vị yếu kém, đồng thời đặt mục tiêu đến cuối thời hạn phải xử lý dứt điểm.

Các nhà băng tập trung vào tăng vốn để cải thiện CAR trong giai đoạn 2016-2020 thay vì mua bán sáp nhập. Nguồn: MBS

Có nhiều lý do để giải thích cho việc tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém chậm trễ, dù rằng có nhiều đơn vị “dạm hỏi”. Một trong số đó là việc xử lý cần “tiền tươi thóc thật”, hạn mức sở hữu cổ phần tại các nhà băng là không đủ hấp dẫn. Ngoài ra, trong giai đoạn đó các ngân hàng cũng tập trung nguồn vốn để gia tăng nội lực, xử lý khối nợ xấu nội tại khổng lồ trong giai đoạn trước, hơn là đi “gồng gánh” thêm một ngân hàng yếu kém.

Nhưng đến ngày nay tình hình thị trường đã thay đổi đáng kể. Chuyên gia phân tích ngân hàng của một công ty chứng khoán ngoại, đánh giá sự thay đổi lớn nhất của hệ thống là ngân hàng đã hoàn chỉnh hơn về khả năng kiểm soát rủi ro. Nhu cầu thị trường bùng nổ ngày nay cũng mang đến những khoản lãi lớn ở các nhà băng, cho phép tái đầu tư mở rộng thị trường và một cách thức nhanh nhất chính là hoạt động M&A.

Nhìn ở góc độ cần “tiền tươi thóc thật”, việc HDBank tham gia vào tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém lần này lại có mới đáng chú ý, khi nhà băng này chấp nhận rót thêm tiền, dù điều này hẳn nhiên gây áp lực không nhỏ đối với ngân hàng này.

Theo kế hoạch công bố với cổ đông, HDBank dự kiến góp vốn điều lệ với giá trị không quá 9.000 tỉ đồng tại thời điểm chuyển giao bắt buộc. Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể sẽ tiếp tục góp vốn theo lộ trình tái cơ cấu. Trong khi đó, lãnh đạo MB hay Vietcombank tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4, cho biết sẽ không phải bỏ tiền ra mua ngân hàng chuyển giao bắt buộc.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng HDBank, quận 1, TP.HCM chiều 16-6 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Với yêu cầu hỗ trợ vốn ban đầu của ngân hàng mục tiêu, lợi ích ròng kỳ vọng từ việc HDBank tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng có thể sẽ đến chậm hơn so với trường hợp của Vietcombank và MB”, báo cáo của Công ty chứng khoán SSI nhận định.

Còn chia sẻ trước đó về phương án xử lý, lãnh đạo MB cho biết ngân hàng chuyển giao bắt buộc sẽ được vay khoản tiền với lãi suất ưu đãi trong thời gian tái cơ cấu. Ở đây cần lưu ý một diễn biến liên quan khác là trong tháng 8 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 08 quy định về việc cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đối với các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt.

Sau khi giải quyết khoản lỗ, MB có thể tiếp tục tính toán triển khai sáp nhập vào ngân hàng để gia tăng quy mô, nếu không thì có thể bán đi như một khoản đầu tư. Tương tự, HDBank cũng có thể tính toán bán lại phần vốn, tức xem như một thương vụ đầu tư thay vì buộc phải sáp nhập để chịu ảnh hưởng bởi những con số chung.

Đây cũng là điểm mới trong đợt xử lý ngân hàng yếu kém, đặc biệt là lợi ích về mặt sổ sách để không bị ảnh hưởng như trường hợp Sacombank nhận về Ngân hàng Phương Nam.

Chẳng hạn, ở trường hợp của HDBank, ngân hàng sẽ không hợp nhất báo cáo tài chính với ngân hàng mục tiêu, trừ khi kế hoạch tái cơ cấu thành công. Ngoài ra, khoản vốn góp không cần phải trích lập dự phòng cũng như được loại ra khi tính hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR), một tiêu chí an toàn rất quan trọng của các nhà băng. Bên cạnh đó, các chính sách như phân phối lợi nhuận, chia cổ tức hay các quỹ sẽ không phụ thuộc vào việc chuyển giao bắt buộc trong thời gian thực hiện.

Số phận các ngân hàng yếu kém sắp được quyết định trong thời gian tới. Ảnh: VNEconomy.vn

Về khía cạnh kinh doanh, việc sáp nhập cũng được đánh giá là mang đến cơ hội tăng trưởng mới. Lãnh đạo ngân hàng MB trước đó cho biết việc sáp nhập là tự nguyện, trong bối cảnh có thể mở ra không gian tăng trưởng cao hơn gấp nhiều lần.

Một “củ cà rốt” hấp dẫn khác đối với các ngân hàng là khả năng mở rộng hạn mức tín dụng, câu chuyện đang rất nóng hiện nay khi các nhà băng gần như đang phải “xếp hàng” chờ cấp thêm. Nếu sở hữu một “ngân hàng con”, các ngân hàng mẹ dễ dàng đẩy các khoản vay sang, từ đó tạo giá trị cộng hưởng chung cho cả hai, tức đều được cho vay thêm.

“Quan sát các đề xuất gần đây liên quan đến việc hỗ trợ các ngân hàng yếu kém, chúng tôi tiếp tục cho rằng cần phải có những ưu đãi đủ lớn để các ngân hàng khỏe có những động lực tham gia vào kế hoạch tái cơ cấu”, báo cáo SSI đánh giá.

Ngân hàng Xây dựng (CBBank)

Khối phân tích của SSI giữ thái độ lạc quan các giao dịch tiềm năng ở trên, dù hiện nay chưa có đề án sáp nhập cụ thể. Tuy nhiên, việc xử lý cũng được các nhà băng ước tính là tốn nhiều thời gian, như những con số hai ngân hàng MB và Vietcombank đưa ra là khoảng 7-10 năm.

Theo lãnh đạo Vietcombank trước đó, thời gian hoàn tất phương án sẽ phụ thuộc thực tế vào tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng yếu kém, điều kiện thị trường và sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý. Dù vậy, Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu hoàn tất thương vụ trong năm nay.

1 BÌNH LUẬN

  1. Về nguyên tắc, nhận chuyển giao là phải nhận sòng phẳng “cả gói” (nhân lực / nợ nần/ cơ sở vật chất…). Nếu không, sẽ khó có chuyện giải quyết những tồn tại vốn dĩ quá nhiêu khê, sớm ngày nào hay ngày ấy. Những ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu là sản phẩm “ngoài luồng” của câu chuyện “ngân hàng 0 đồng”, lâu nay do ngân hàng nhà nước chủ trì. Tuy nhiên, đó chỉ là giai đoạn quá độ, bây giờ ngân hàng nhà nước cần nhanh chóng trả lại cuộc chơi này cho thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây