Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu sẽ chưa dừng lại

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong tuần này, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã chạy đua tăng lãi suất để bắt kịp với Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ). Nhưng làn sóng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ chưa kết thúc sớm ngay cả khi việc đẩy tăng chi phí vay có nguy cơ khiến các nền kinh tế lún sâu vào suy thoái.

Quyết định tăng lãi suất của Fed cùng cảnh báo của Chủ tịch Fed, Jerome Powell về khả năng tăng lãi suất tiếp đã khiến các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới phải chạy đua tăng chi phí vay để kiểm soát lạm phát và ổn định tiền tệ của họ. Ảnh: Local News 8

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ từ Mông Cổ cho đến Mỹ đã nâng chi phí đi vay chuẩn của họ trong những ngày qua để kiểm soát đợt tăng lạm phát mạnh nhất kể từ thập niên 1980. Điều đó đánh dấu một bước thay đổi lớn so với một năm trước khi họ dự đoán giá cả tăng đột biến trong thời đại dịch Covid-19 sẽ sớm biến mất.

Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) gây bất ngờ với mức tăng 100 điểm cơ bản, trong khi Fed tăng lãi suất chuẩn thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp. Indonesia cũng tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến và Việt Nam đã thực hiện đợt tăng lãi suất hiếm hoi.

Trong khi đó, Thụy Sĩ kết thúc thử nghiệm lãi suất âm. Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ lại cắt giảm lãi suất, Brazil và Na Uy cho biết họ có thể tạm dừng việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất cực thấp nhưng Bộ Tài chính nước này đã quyết định can thiệp ngoại hối để vực dậy đồng yen vốn đang suy giảm hơn 20% trong năm nay.

Chua Hak Bin, nhà kinh tế tại Ngân hàng đầu tư Maybank ở Singapore, cho biết: “Xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương còn lâu mới kết thúc. Lạm phát có thể đã lên đến đỉnh điểm khi giá cả hàng hóa giảm, nhưng áp lực chi phí tiền lương vẫn chưa giảm xuống. Điều này có thể khiến lạm phát dịch vụ và lạm phát cốt lõi kéo dài dai dẳng”. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng cao hơn thì nguy cơ kinh tế tăng trưởng trì trệ càng lớn.

“Cũng như các ngân hàng trung ương hiểu sai các yếu tố thúc đẩy lạm phát vào năm 2021, giờ đây, họ có thể đang đánh giá thấp tốc độ giảm của lạm phát khi nền kinh tế của họ tăng trưởng chậm lại”, Maurice Obsfeld, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson và là cựu nhà kinh tế trưởng tại tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nói.

Sau khi quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, các quan chức Fed phát tín hiệu rằng lãi suất có thể tăng thêm 125 điểm cơ bản nữa trước khi năm 2022 kết thúc. Điều này khiến các nhà phân tích ở các ngân hàng như Goldman Sachs và Bank of America dự báo Fed có thể tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 11 và sẽ đẩy chi phí
vay lên mức đỉnh trong năm 2023.

Bình luận về tác động của lãi suất cao đối với nền kinh tế, Chủ tịch Fed, Jerome Powell nói rằng Fed sẵn sàng chấp nhận suy thoái như cái giá phải trả cho việc kiểm soát lạm phát. Theo Bloomberg Economics, việc Fed tăng lãi suất lên mức 4,5% sẽ làm ảnh hưởng khoảng 1,7 triệu việc làm và nếu lãi suất tăng lên mức 5%, sẽ có đến 2 triệu việc làm bị mất.

Một ngày sau khi Fed tăng lãi suất, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng tăng chi phí vay thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 2,25% để kiểm soát lạm phát. Đây là lần thứ hai liên tiếp BoE tăng lãi suất ở mức mạnh như vậy. BoE dự báo lạm phát sẽ vẫn duy trì ở mức 10% trong vài tháng sau tháng 10. Các thị trường tài chính dự báo BoE sẽ tăng
lãi suất lên 3,75% vào cuối năm nay và đẩy lãi suất lên mức đỉnh 5% vào giữa năm 2023. Chỉ cách đây gần một năm, lãi suất của BoE ở mức thấp kỷ lục, 0,1%.

Cùng ngày, Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB) tăng lãi suất chính sách thêm 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất từ mức -0,25% lên mức 0,5%. Quyết định này đã kết thúc cuộc thử nghiệm kéo dài 7 năm rưỡi của nước này với lãi suất âm, khiến các tổ chức tài chính phản đối và làm dấy lên các lo ngại bong bóng tài sản. Chủ tịch SNB, Thomas Jordan cho biết lãi suất có thể tăng thêm nếu điều này là cần thiết để bảo đảm giá cả ổn định trong trung hạn.

Hôm 20-9, Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) gây bất ngờ khi nâng lãi suất thêm 100 điểm, cao hơn mức dự báo của thị trường sau khi lạm phát của nước này tăng 9% trong tháng 8, cao nhất trong 30 năm. Riksbank cho biết sẽ tiếp tục tăng chi phí vay để kiềm chế tốc độ tăng của giá cả và đưa lạm phát về mức mục tiêu. Riksbank dự kiến tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tháng 11 và đưa chi phí vay lên mức cao hơn nữa vào đầu năm 2023.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Na Uy tăng lãi suất chuẩn thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 2,25% vào hôm 22-9, và cho biết có thể sẽ có những các đợt tăng lãi suất nhỏ trong thời gian tới. Lãi suất chính sách của Na Uy hiện ở mức cao nhất kể từ năm 2011 và có thể tăng lên mức đỉnh 3% vào năm tới. Ngân hàng trung ương Na Uy nâng dự báo lạm phát cốt lõi trong năm 2023 lên 4,8%, vượt xa mức mục tiêu 2%.

Tại châu Á, hôm 20-9, Ngân hàng trung ương Mông Cổ tăng lãi suất thêm 200 điểm cơ bản, lên mức 12%, cao nhất trong 5 năm qua trong một nỗ lực kiểm soát tốc độ lạm phát tăng mạnh nhất kể từ năm 2017 và ngăn chặn dòng vốn tháo chạy khỏi đất nước.

Mông Cổ ghi nhận mức lạm phát 14,4% trong tháng 8, giảm so với mức 16,1% của tháng 6. Lạm phát ở Mông Cổ tăng nhanh chủ yếu do chi phí vận tải và nhập khẩu ngày càng tăng.

Hôm 22-9, Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) tăng lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản, đưa chi phí vay lên mức 4,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 của BSP trong năm nay. Giới chức trách Philippines đang tìm cách dập tắt áp lực lạm phát trong bối cảnh đồng pesdo lao dốc và Fed tăng mạnh lãi suất. Thống đốc BSP, Felipe Medalla cho biết BSP sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đưa lạm phát trở về mức mục tiêu.

Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) quyết định tăng lãi suất lớn hơn dự kiến để ngăn chặn lạm phát và ổn định đồng rupiah, đánh dấu một bước thay đổi lớn đối với các nhà hoạch định chính sách nước này, vốn vẫn chần chừ tăng chi phí vay cho đến tháng trước.

Lãi suất của Indonesia tăng thêm 50 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2018, lên mứ 4,25%. Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ tăng giá nhiên liệu khoảng 30% vào đầu tháng này, một động thái mà Thống đốc BI, Perry Warjiyo cho biết sẽ đẩy lạm phát lên đỉnh điểm, trên 6%, Ông nhấn mạnh BI sẽ thực hiện các
bước để đưa chỉ số giá tiêu dùng trở lại mục tiêu từ 2-4% vào nửa cuối năm 2023.

Theo Reuters, Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới