Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làng lưới Thơm Rơm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làng lưới Thơm Rơm

Làng lưới nằm cạnh quốc lộ 91, gần đầu cầu Thơm Rơm, xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: PSL

(TBKTSG Online) – Nằm cặp hai bên quốc lộ 91, bên này cầu Thơm Rơm về hướng đi thành phố Long Xuyên (An Giang) là một làng nghề chuyên về lưới ăn nên làm ra từ hai chục năm nay. Đó là địa phận thuộc ba ấp Tân Lợi 1, 2 và 3 (xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ).  

Khoảng thập niên 1980, khoảng 150 hộ dân từ huyện Phú Vang (hồi ấy thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, nay là Thừa Thiên – Huế) dắt díu nhau vào đây tìm đất sống. Hồi ấy, kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn, lại thêm cảnh đất lạ quê người, nhiều gia đình phải lục tục trở về quê cũ, một số tản đi nơi khác tìm cơ hội. Số còn lại giăng câu, làm mướn, mua ve chai… kiếm cơm qua ngày  

Thời ấy, thuốc trừ sâu và nước thải công nghiệp chưa tiêu diệt nguồn lợi thủy sản vùng sông nước mênh mông này. Đồng bằng sông Cửu Long vẫn được người xứ khác gọi là vùng đất “làm chơi, ăn thiệt”, còn cá tôm thì nhiều “vô thiên lủng”. Vào mùa nước nổi, người dân nơi đây phải mua lưới để bắt cá từ mấy cơ sở sản xuất ở Sài Gòn, thậm chí mua cả các loại lưới của Thái Lan.

Vốn sinh trưởng ở một huyện kề cận thành phố Huế, nơi sông ngòi không nhiều và nguồn thủy sản cũng không dồi dào như ở ĐBSCL, nhưng một số bà con đã thành thạo nghề đan lưới. Thế là, trong khi những người đàn ông bươn chải lo toan kiếm sống bên ngoài, phụ nữ và trẻ em ở “xóm Huế” đã có thể vừa trông coi nhà cửa vừa kiếm được tiền.  

Một hộ làm, thấy “có ăn” nên những nhà khác làm theo. Sau một thời gian, nhiều người bản xứ đến làm công đã học được nghề và một số người “học lóm” cũng mở ra cơ sở sản xuất lưới. Vậy là hình thành làng nghề đông đúc, nhộn nhịp như ngày nay suốt một đoạn dọc theo quốc lộ 91, được gọi là “làng lưới Thơm Rơm”, hoặc “làng lưới Huế”.  

Ông Nguyễn Văn Xô (58 tuổi, ở ấp Tân Lợi 1) gia công lưới từ năm 1980, cho biết: Hiện nay làng có 30 hộ sản xuất, trong đó 11 hộ người Huế. Làng chuyên gia công lưới cá, tôm từ 1,5 phân đến 1 tấc. Nhờ lưới sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu là nhạy, dễ dính cá; thích nghi địa thế kinh, mương, sông, lạch và giá bán thấp nên sản phẩm làm ra bán rất chạy.  

Nhà ông Xô có 30 lao động chia từng nhóm theo công việc: đan tay, đan lưới, dệt máy, kết lưới bắt viền, cột phao kéo chì, dập chì. Lưới có nhiều loại: loại lưới mắt nhỏ dùng bắt cá linh, cá rô; lưới mắt lớn hoặc lưới ba màn bắt cá mè vinh và các loại cá lớn. Nhờ làm nghề này mà ông Xô có của ăn của để và chu cấp cho ba người con học đại học.                

Hầu như mọi người từ các cụ già đến trẻ em đều tham gia sản xuất lưới, nhất là phụ nữ. Ảnh: PSL

Trước đây, dập chì là công đoạn “chua” nhất của nghề làm lưới. Người thợ phải dùng răng mình cắn “nạp” chì vào viền lưới, không thể gắn bằng tay vì rất chậm. Để hoàn tất công đoạn này, họ phải ngậm miếng chì cắt nhỏ rồi dùng răng gắn chúng vào viền lưới. Chỉ có hàm răng và kinh nghiệm mới giúp người thợ hoàn thành tốt công đoạn này.  

Lương của thợ dập chì rất cao nhưng ít ai chịu làm vì làm lâu ngày sẽ bị nhiễm chì nặng, thậm chí đã có người ngộ độc chì đến hộc máu, suýt chết. Dù vậy cũng có một số ít người “thí mạng” làm cái ghề “ngậm tử thần”, ê ẩm cả hàm răng, đến nỗi ăn cơm là cả một cực hình! Chẳng qua vì quá nghèo túng, họ buộc phải “bán mạng” để kiếm chén cơm manh áo cho gia đình!  

Ông Lê Lý, chủ một cơ sở sản xuất lưới cho biết, bà con làm lưới thoát được việc ngậm chì là nhờ công lao lớn của anh Phan Văn Dũng, một nông dân thứ thiệt đã nghĩ ra cách chế tạo chiếc máy dập chì. Chiếc máy này không dùng động cơ mà “vận hành” bằng… đôi chân của người thợ dập chì. Phía trên là bộ phận đưa lưới vào để dây chì quấn vào. Đây là bộ phận quan trọng nhất của máy dập chì, nếu làm không đúng thì lưới bị kẹt hoặc chì không vào được.  

Chiếc máy vừa giúp người lao động không còn phải ngậm chì vào miệng, lại tăng năng suất rất đáng kể. Cách dập chì bằng máy con làm tăng chất lượng lưới thành phẩm nhưng giá thành giảm. Hiện nay giá một tấm lưới “ra lò” thấp hơn 1/3 giá lưới thời còn phải dập chì bằng miệng.  

Làng lưới Thơm Rơm sản xuất theo đơn đặt hàng hoặc bỏ sỉ cho đại lý hầu như khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Chiếc máy dập chì của anh “kỹ sư hai lúa” Phan Văn Dũng, ban đầu có giá hai chỉ vàng, nay chỉ còn khoảng 550.000 đồng/chiếc cũng được các nhà sản xuất lưới khắp nơi đặt mua, bán ra tận miền Trung nữa.                

Hàng năm, mùa vụ làm ăn rôm rả nhất của làng lưới Thơm Rơm là vào mùa nước nổi, bắt đầu từ đầu tháng 7 đến tháng 11 dương lịch. Anh Kha, phó trưởng ấp Tân Lợi cho biết, vào mùa, làng lưới thu hút 800 – 900 lao động, từ các cụ già cho đến trẻ con cỡ năm, sáu tuổi đều tham gia được. Nhà nhà rộn ràng, người làm không ngưng tay. Nhà nào cũng giăng kín những mành lưới, treo khắp từ ngoài hàng ba dẫn vô tới trong nhà, đẹp như bức tranh của no ấm.  

PHƯƠNG KIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới