Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Làng ngập

TS. Nguyễn Minh Hòa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Làng ngập không phải là tên gọi của làng mà nói về tình trạng làng xóm bị nước mưa trút xuống hay nước sông, nước biển tràn vào ứ đọng lại lâu ngày không thoát đi đâu được.

Làng Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) chìm trong biển nước. Nguồn: suckhoecongdongonline.vn

Những làng ngập như thế có thể gặp nhiều ở miền Trung dọc theo bờ biển, hứng chịu hậu quả vào mùa mưa bão, còn ở miền Bắc trước đây thì hầu như không có. Làng ở miền Bắc trước đây cho dù nằm ở châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình hay trung du thì những vị Thành Hoàng (người lập làng) bao giờ cũng chọn chỗ cao ráo để dân sinh sống. Làng nào cũng được bao quanh bằng lũy tre, sau vành đai tre là cánh đồng và hệ thống kênh mương, cho nên hiếm khi bị nước xâm lấn. Có lẽ ở miền Bắc chỉ có một lần duy nhất, cùng lúc hàng trăm làng bị ngập là do Nhà nước chủ động phá vỡ đê sông Hồng năm 1971 để cứu Hà Nội, còn lại, không mấy khi nước tù đọng lâu trong làng, bởi mưa to nước ngấm xuống đất, chảy tràn ra mương, ra đồng ruộng.

Mấy năm gần đây các làng ở các huyện ngoại thành Hà Nội, thậm chí ở cả vùng trung du cao ráo như Vĩnh Yên, Phú Thọ, vùng núi cao như Sa Pa, Tam Đảo cũng bị ngập sâu, rộng và kéo dài cả tuần lễ, cho dù mưa dứt đã lâu. Đầu tháng 9-2022 này, nhiều làng ngoại thành Hà Nội như Chương Mỹ, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Oai, Mỹ Đức bị ngập kéo theo là thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu, gia súc, và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, tạo nên một dư luận xã hội mạnh mẽ xem lại chuyện quy hoạch đô thị và nông thôn mới.

Cơ quan chức năng kể ra các nguyên nhân như mực nước sông lên quá nhanh ngoài tầm kiểm soát, các trạm bơm công suất nhỏ, lực lượng ứng trực mỏng,… nhưng nguyên nhân chính thì lại không được chỉ ra, hay nói đúng hơn, ai cũng thấy nhưng ngại đề cập đến.

Cơ quan chức năng kể ra các nguyên nhân như mực nước sông lên quá nhanh ngoài tầm kiểm soát, các trạm bơm công suất nhỏ, lực lượng ứng trực mỏng,… nhưng nguyên nhân chính thì lại không được chỉ ra, hay nói đúng hơn, ai cũng thấy nhưng ngại đề cập đến.

Cách đây vài năm, người viết cùng với một số cán bộ Trung tâm Hà Nội học và Phát triển thủ đô đi khảo sát mô hình làng Bắc bộ để so sánh về cấu trúc không gian so với làng Nam bộ. Đúng là làng Bắc bộ bây giờ khác xa với 30 năm về trước, nhất là sau khi phong trào nông thôn mới được phát động. Nó hiện đại, hoành tráng và giống như thành phố. Làng nào cũng có ít nhất một vài trục đường xuyên tâm làm bằng bê tông rộng 6-8 mét đủ cho hai xe hơi, xe tải tránh nhau. Nếu làng chạy dọc theo quốc lộ hay theo sông thì trục đường xuyên tâm (có thể là hai) kéo thẳng tắp từ đầu làng đến cuối làng, còn nếu làng hơi tròn, hay vuông thì sẽ có hai trục xuyên tâm chéo chữ thập. Từ những trục xuyên tâm này có hàng chục đường nhánh xương cá chạy về các thôn, và đi đến từng hộ gia đình. Một số đường trục còn được kéo dài chạy thẳng ra cánh đồng trồng lúa hay hoa màu. Tất cả những con đường bê tông đó tạo nên một hệ thống giao thông nông thôn rất hoành tráng.

Mạng lưới đường nông thôn này chia toàn bộ diện tích đất thổ cư và đất canh tác ra thành hàng ngàn mảnh nhỏ. Vô tình hệ thống này trở thành những con đê bê tông lớn, nhỏ không cho nước thoát ra ngoài mương và không còn đường gom về các ao, đầm và cuối cùng chảy ra sông. Chưa kể tình trạng đua nhau lấp ao, đầm để cất nhà, làm xưởng, làm cửa hàng dẫn đến việc những nơi chứa nước trước kia nay không còn nữa. Các con mương, sông đầy rác rến, bùn đất dày lên đến mức có thể đi bộ trên sông, không tiêu thoát được nước nữa. Cần nói thêm là có thể do các “kỹ sư làng” tự thiết kế và thi công cho nên rất nhiều cống thoát nước liên thông bị thu hẹp lòng cống, hay bỏ luôn cho tiết kiệm. Các con đường làng và bờ ruộng tuy bằng đất, cỏ mọc nhưng khả năng thẩm thấu nước qua lại tốt hơn là đường xi măng.

Những năm trước đây làng không to lớn nhưng nhiều màu xanh. Nhà nào dù to hay nhỏ cũng có mảnh vườn theo kiểu trước cau, sau chuối, và một mảnh vườn trồng các loại rau. Những mảnh vườn này chính là nơi hút nước mưa làm cho cây cối xanh tươi, khí hậu mát mẻ và nước ngầm dưới lòng đất luôn đầy. Nhưng rồi, những năm gần đây, không biết từ đâu, từ ai, nhà nào cũng đua nhau làm cổng bằng sắt to với hai cột sừng sững và có mái ngói vảy cá, còn sân láng xi măng bóng loáng hay lát gạch tàu đỏ ối không chừa ra chút đất nào, như thế cho nó sạch. Hiện tượng bê tông hóa bề mặt không chỉ ở thành phố mà nay lan đến nông thôn, có làng tỷ lệ bê tông hóa lên đến 60-70%. Vườn tược, cây trái, kể cả cây lâu năm bị phá bỏ để tận dụng đất xây dựng. Kiểu nhà truyền thống thuần Việt một gian hai chái, ba gian hai chái, có hàng hiên rộng không còn nữa. Tất cả đều đồng loạt nhao ra mặt đường làm nhà ống liền kề tạo ra dãy phố chạy dài liên tục không có khoảng ngắt. Nền nhà ai cũng tôn cao lên và đường làng trở thành cái mương trũng chứa nước mưa và nước thải.

Làng kiểu mới, to đẹp, đường làng như đường quốc lộ, chỗ nào cũng láng bê tông thấy bóng loáng nhưng mùa mưa nào cũng ngập, nắng thì gay gắt và nóng hơn, hiện tượng đảo nhiệt tưởng chỉ có ở thành thị, nay làng nào cũng bị, nhất là vào đầu mùa mưa. Bây giờ ai cũng thấy mình quá tay khi hiện đại hóa nông thôn theo kiểu bắt chước thành phố, nhưng chả biết phải sửa làm sao nữa, không lẽ lại bóc bê tông, hạ mặt đường. Lẽ ra, khi hiện đại hóa tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), chỉ nên học những cái hay của đô thị như văn hóa đô thị, nếp sống văn minh, trật tự đô thị và điều kiện sống văn minh như xây nhà vệ sinh tự hoại, xử lý rác thải tập trung, sử dụng nước sạch, đưa điện, truyền thông vào đời sống. Nhiều nơi mang cả những cái chỉ hợp với thành phố vào nông thôn thế là làm nảy sinh tình trạng “làng không ra làng, phố không ra phố”. Bỏ bớt bê tông, trả lại màu xanh cho đất đai, trả lại mặt nước cho ao hồ, khơi thông các dòng mương, các con sông thì làng sẽ không còn ngập nữa. Liệu có làm được không?

Tình trạng bê tông hóa cũng đang được tiến hành mạnh mẽ ở khu vực Nam bộ, những nơi không bao giờ bị ngập thì giờ lại ngập sâu và rộng như Biên Hòa, Bình Dương và cả Vũng Tàu. Xi măng là hữu ích, nhưng lạm dụng quá thành ra mang hại, giống như thuốc bổ, uống nhiều quá làm hại cơ thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới