Lao đao vì nợ đọng xây dựng cơ bản
Anh Quân
(TBKTSG) - Nợ đọng xây dựng cơ bản trong ngành giao thông ngày càng gia tăng do các dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ. Việc nợ đọng tràn lan theo dây chuyền đã khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội...
Nợ đọng triền miên
Khi được hỏi về số nợ đọng xây dựng cơ bản của đơn vị mình, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), ngao ngán nói: “Khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản ở toàn tổng công ty đã lên khoảng 500 tỉ đồng. Việc nợ đọng triền miên đã kéo theo rất nhiều hệ lụy, trong đó nan giải nhất là vấn đề công ăn việc làm, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội đối với người lao động”.
Mỗi năm phải xứ lý ít nhất 30% nợ đọng xây dựng cơ bản Trước tình trạng nợ đọng kéo dài, Chính phủ đã ra chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xử lý số nợ này bằng cả vốn ngân sách địa phương và các nguồn khác để hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Không những vậy từ năm 2013, các địa phương phải ưu tiên vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Hàng năm trước ngày 20-5 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản. |
Cùng chung cảnh ngộ với Cienco 4, ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), cho biết tổng công ty hiện có tới 20 dự án đang bị nợ đọng với số tiền lên đến trên 700 tỉ đồng. Nhiều dự án đã đưa vào khai thác hai, ba năm nay như đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, cầu Vĩnh Tuy, đường Hồ Chí Minh... nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán hết nợ cho nhà thầu.
Mặc dù doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị thanh toán, nhưng tình hình vẫn không có chuyển biến. Do bị chủ đầu tư nợ tiền thanh toán nên doanh nghiệp không có vốn để thi công các công trình tiếp theo. Bên cạnh đó, do không có tiền nên doanh nghiệp phải nợ lương, nợ bảo hiểm và cả nợ thuế với Nhà nước.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các đơn vị xây lắp gửi về công đoàn Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tính đến hết tháng 9-2012, các doanh nghiệp xây lắp nợ lương người lao động 204,6 tỉ đồng, nợ các loại bảo hiểm trên 223,7 tỉ đồng. Trong chín tháng có đến 7.000 lao động của ngành thiếu việc làm.
Những con số trên đủ nói lên rằng số nợ đọng xây dựng của ngành giao thông là rất lớn. Hiện nay, ngành GTVT có sáu tổng công ty xây lắp đường bộ và một tổng công ty xây lắp đường thủy. Tính đến hết tháng 9-2012, các đơn vị này đều bị nợ đọng trung bình 500 tỉ đồng trở lên. Trong đó, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) bị các chủ đầu tư nợ trên 800 tỉ đồng, Tổng công ty Đường thủy 500 tỉ đồng, Tổng công ty Thăng Long trên 800 tỉ đồng...
Con số 7.000 người thiếu việc làm mà công đoàn ngành giao thông vận tải công bố đã cho thấy tình hình khó khăn của các công ty xây lắp. Nhiều doanh nghiệp phải cho nhân viên nghỉ việc luân phiên. Đơn cử như trường hợp của Công ty Nạo vét và Xây dựng đường thủy 1 có 247 lao động, thì chỉ có 20 người đi làm đều đặn, còn lại là nghỉ không lương và nghỉ luân phiên.
Ông Vũ Hải Thanh, Tổng giám đốc Cienco 8, chia sẻ: một cái vòng luẩn quẩn về nợ đang kéo theo những hệ lụy trầm trọng, chính quyền địa phương - chủ đầu tư các dự án xây dựng cơ bản có vốn từ ngân sách nhà nước - nợ tiền doanh nghiệp, đến lượt doanh nghiệp nợ lương người lao động, nợ ngân hàng, nợ các doanh nghiệp khác.
Xoay xở bằng cách nào?
Hầu hết các doanh nghiệp xây lắp ngành giao thông sống chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho các công trình. Khi kinh tế khó khăn, Chính phủ cắt giảm đầu tư công, các doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh lao đao.
Ông Lê Ngọc Hoa cho biết hiện nay Cienco 4 có 26 đơn vị thành viên, với hơn 7.500 lao động. Để tạo công ăn việc làm cho người lao động cầm cự trong bối cảnh khó khăn, tổng công ty phải san sẻ việc cho các công ty con. Đối với những đơn vị chưa được thanh toán tiền công trình thì tổng công ty phải ứng trước vốn để trả lương và thanh toán bảo hiểm xã hội. Trong chín tháng đầu năm 2012, Cienco 4 đã cho các công ty thành viên vay hơn 10 tỉ đồng để đóng bảo hiểm xã hội.
Cùng với việc xin bố trí vốn để thanh toán khối lượng nợ đọng, ông Vũ Hải Thanh cho rằng, Bộ GTVT nên làm việc với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á cho phép những đơn vị xây lắp trong nước tham gia đấu thầu những dự án sử dụng vốn ODA của các nhà tài trợ để tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Có thể thấy rằng nguyên dân dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài là do sự đầu tư dàn trải, trong khi số vốn quá ít. Nếu áp dụng theo nguyên tắc vốn đến đâu thi công đến đó thì tình trạng nợ đọng đã không như hiện nay. Tuy nhiên, để chạy theo tiến độ, thành tích, nhiều chủ đầu tư vẫn ép nhà thầu thi công dù không có vốn. Do vậy khi công trình hoàn thành việc không có tiền để thanh toán cho nhà thầu là điều tất yếu.
Để giảm bớt tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, Bộ GTVT đã xin ứng trước vốn năm 2013 để trả nợ và thi công các dự án bị đình hoãn.