Thứ Năm, 30/03/2023, 23:18
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Lao động nhập cư ở Hà Nội bị giảm thu nhập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lao động nhập cư ở Hà Nội bị giảm thu nhập

Một người nhập cư bán hàng rong ở Hà Nội. Ảnh: Thành Trung

(TBKTSG Online) – Người lao động tự do tại các chợ lao động ở Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng giảm thu nhập và thiếu việc làm so với một năm trước đây, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, theo khảo sát nhanh của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. 

Cuộc khảo sát diễn ra vào cuối tháng 2-2009 do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Tổ chức Oxfam (Anh) và Ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện, phỏng vấn 25 người lao động nhập cư chờ việc theo ngày (có 9 nữ) tại 5 chợ lao động chính ở Hà Nội trên tổng số 105 người được phỏng vấn (lao động làng nghề, công nhân khu công nghiệp…) cho thấy, khu vực phi chính thức này chịu nhiều tác động nhất của suy thoái kinh tế.

Cầu lao động đối với người nhập cư giảm rõ rệt, thể hiện ở số lượng việc làm giảm từ năm 2008 đến nay.

Cụ thể, nếu năm 2007 lao động tự do có việc làm trung bình 20 ngày/tháng, thì đến cuối 2008 đã giảm xuống chỉ còn khoảng 10 ngày/tháng và ước tính khối lượng công việc vào tháng 2-2009 giảm 30% so với tháng 2-2008.

Số ngày có việc làm trong ngành xây dựng, chủ yếu làm thợ xây, phụ hồ, giảm đến 70% – mức giảm cao nhất, các lao động giản đơn khác như khuân vác, chuyển đồ, thu dọn vệ sinh… cũng giảm 30% trong một năm qua.

Tình trạng này dẫn đến tiền tiết kiệm hàng tháng trung bình của người lao động tự do giảm 30-50% trong vòng một năm qua.

Báo cáo phân tích, tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập trong lực lượng lao động nhập cư ở thủ đô dẫn đến tiền gửi về nhà giảm ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu hàng ngày của gia đình họ và có nguy cơ ảnh hưởng đến việc học hành của con cái họ.

Nhóm nghiên cứu trích lời một phụ nữ quê ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội (Hà Tây cũ) đứng chờ việc ở một chợ lao động: “Tết năm 2008 giá gạo chỉ có 5.000-7.000 đồng/kg, nay đã tăng hơn 10.000 đồng/kg. Khó khăn nhất là thời gian sau Tết, không có tiền, ít việc… Bình thường, một tháng mua thịt khoảng ba đến bốn lần, nhưng ra Tết đến giờ không có việc mấy nên con cũng chưa được bữa thịt nào”.

Cuộc khảo sát tại năm chợ lao động lớn, gồm chợ Bưởi, Giảng Võ, cầu vượt Mỹ Đình, Phạm Ngọc Thạch và Long Biên chỉ ra, 70% người lao động là người đã có gia đình nhưng trình độ học vấn và tay nghề thấp, 30% là thanh niên trẻ chưa lập gia đình và tất cả di cư từ các vùng nông thôn nghèo. Tỷ lệ 70% ở trên đều là lao động trụ cột trong gia đình.

Cuộc điều tra, được Oxfam công bố mới đây, cho biết một số người làm nghề xây dựng tự do thậm chí không có việc từ sau Tết Nguyên đán 2009 đến nay nên phải về quê kiếm việc khác.

Theo nhóm nghiên cứu, nguồn cung lao động đã sụt giảm từ sau Tết, chẳng hạn ở chợ Bưởi và Giảng Võ chỉ có khoảng 60 người lao động, so với 80-100 người ở cùng thời điểm năm ngoái.

THÀNH TRUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới