Lao động trình độ cao thích làm việc ở nước ngoài
Chí Thịnh
Đại diện mạng việc làm JobStreet.com Việt Nam chia sẻ thông tin về thị trường tuyển dụng, cơ hội nghề nghiệp tại sự kiện Cafe nhân sự. Ảnh:JobStreet.com |
(TBKTSG Online) - JobStreet.com Việt Nam cho biết, Singapore là điểm đến ưa thích hàng đầu của lao động Việt Nam khi tham gia tuyển dụng, tìm việc làm ở nước ngoài.
Theo báo cáo mới nhất của mạng việc làm JobStreet.com Việt Nam cập nhật số liệu thị trường lao động năm 2016, các nhà tuyển dụng đang lo lắng trước tình hình dịch chuyển nhân sự từ Việt Nam ra nước ngoài. Hiện tại, các công ty, tập đoàn… đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm lâu năm.
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2015 số lượng lao động Việt Nam làm ngoài nước đã tăng 8% so với năm 2014.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của JobStreet.com thì Singapore đang là điểm đến hàng đầu của các nhân sự có trình độ, kinh nghiệm lâu năm… tại Việt Nam, chiếm tới 80%. Kế đến, hai thị trường thu hút nhân sự Việt Nam là Malaysia và Philppines với 12%.
Hiện tại, các nhà tuyển dụng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các lao động có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị (marketing) và bán hàng (sale). Theo JobStreet.com, đây là hai lĩnh vực có sự thiếu hụt trầm trọng về nhân sự.
Ở chiều ngược lại, những vị trí tuyển dụng đòi hỏi ứng viên có kinh nghiệm quản lý tại Việt Nam đang thu hút những nhân sự từ nước ngoài. Theo kết quả khảo sát Expat Explorer của Ngân hàng HSBC, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất tại khu vực châu Á cho lao động nước ngoài có mong muốn cải thiện tình hình tài chính cá nhân. Điều này xuất phát từ nguyên nhân là lương nhân sự cấp cao đối với người nước ngoài tại Việt Nam thường rất cao, có lúc gấp 50 lần mức lương trung bình của lao động Việt Nam (xét cùng vị trí công việc).
JobStreet.com cũng cho rằng lao động Việt Nam có mức lương trung bình thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực châu Á, và cả Đông Nam Á. Như mức lương của lao động mới tốt nghiệp và nhân viên (1-3 năm kinh nghiệm) đang có sự chênh lệch lớn với Singapore (khoảng 5-6 lần) và Malaysia (2-3 lần). Tuy nhiên, mức chênh lệch về lương giữa Việt Nam và các quốc gia khác lại giảm đáng kể ở các cấp bậc quản lý và quản lý cấp cao.
Ngoài ra, nếu như mức lương và đãi ngộ đang là những yếu tố hàng đầu thu hút người lao động Hongkong, Singpaore và Malaysia, thì lao động Việt Nam lại có sự quan tâm nhiều hơn đến cơ hội được đào tạo và phát triển nghề nghiệp.
Mời đọc thêm