(KTSG) - TPHCM đang từng bước quay lại trạng thái bình thường, dù là “bình thường mới”. Tâm bão Covid-19 có lẽ đã đi qua, dù còn nhiều ngổn ngang và bất trắc, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Nhưng khi tái khởi động, vấn đề lớn nhất của thành phố có lẽ là nhân lực.
Hàng trăm ngàn lao động đã về quê kể từ khi dịch bùng phát, và ngay khi thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa, hàng chục ngàn người đã có mặt tại các cửa ngõ để được hồi hương. Khảo sát từ Bộ Công an cho biết hơn 2,1 triệu người, chiếm 60% tổng số lao động nhập cư ở TPHCM và Long An, Bình Dương, Đồng Nai, có nguyện vọng về quê. Nếu tất cả nguyện vọng đều được đáp ứng, khó có thể tưởng tượng thành phố sẽ vận hành như thế nào trong “bình thường mới”. Hiện tại, chỉ số sử dụng lao động của TPHCM chỉ bằng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố không khác gì cỗ máy không có động cơ.
Trên truyền thông nhiều ngày qua, các doanh nghiệp - cả trong nước và nước ngoài - lên tiếng lo ngại về nguy cơ thiếu hụt lao động khi mở cửa trở lại. Nhưng không mấy ai chỉ rõ vì sao người lao động không muốn quay lại làm việc.
Nhìn vào thực tế bốn tháng phong tỏa vừa qua, lựa chọn của họ không quá khó hiểu. Họ, động cơ của hòn ngọc viễn Đông, phải chen chúc sống trong những gian nhà trọ chật hẹp, nóng bức, không đủ điều kiện vệ sinh trong hàng tháng trời. Thu nhập không có, tiền nhà trọ vẫn phải nộp, lương thực khan hiếm và nếu có thì cũng với mức giá trên trời. Những ai mang theo cả gia đình vào thành phố, cuộc sống còn cực khổ hơn gấp bội. Họ buộc phải chờ đợi vào các khoản hỗ trợ của chính quyền, mà như lãnh đạo thành phố thừa nhận, không phải lúc nào cũng kịp thời và đầy đủ. Nhiều người lao động - cả ở trong khu vực chính thức và phi chính thức - cho rằng họ không nhận được các gói hỗ trợ, mà phải sống nhờ sự đùm bọc của bạn bè và láng giềng. Hơn cả, họ chính là những người gặp rủi ro về sức khỏe cao nhất.
Ở trong hoàn cảnh như vậy, điều người ta muốn là trở về nhà. Về quê cũng có rủi ro, nhưng ít nhất họ đối diện với chúng cùng gia đình. Ở lại, phần lớn họ phải chống chọi một mình trong trò chơi sinh tử với Covid-19. Trong số các doanh nghiệp quan ngại về thiếu lao động, có bao nhiêu đã hỗ trợ lao động của mình trong thời gian phong tỏa? Ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn, tôi e con số này là không nhiều.
Khi động cơ được bảo dưỡng tốt, đầu tàu sẽ vận hành trơn tru. Khi đầu tàu vận hành trơn tru, những toa tàu khác cũng sẽ đủ sức để đi đúng hướng trong chặng đường hồi phục nhiều khó khăn thời hậu Covid-19.
TPHCM mùa dịch làm tôi liên tưởng đến hình ảnh con tàu Titanic. Trong phim, những người thợ máy đảm bảo cho con tàu hoạt động sống ở dưới tầng thấp nhất, chỉ quẩn quanh với dầu mỡ và muội than, trong không gian nóng ẩm và chật hẹp. Họ không biết đến những dạ tiệc xa hoa, được ngắm hoàng hôn trên boong tàu, hay phiêu lưu như Jack và Rose, và đến khi con tàu va vào tảng băng trôi, họ là những người cuối cùng được giải cứu. Cũng như những thợ máy Titanic, hình ảnh phồn hoa của TPHCM ít khi có khuôn mặt của người lao động, những người bằng sức lực của mình góp phần tạo nên một thành phố không bao giờ ngủ. Đến khi thành phố buộc phải “ngủ đông” vì Covid-19, họ là đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất.
Câu chuyện “đảm bảo nguồn cung lao động”, bởi thế, không phải đơn giản là chuyện mời gọi và giải quyết vấn đề di chuyển là xong. Không thể tiếp tục đối xử với người lao động như một đầu vào tư bản hay hàng hóa, khi cần thì mua, khi không còn nhu cầu thì bỏ mặc. Nhiều năm qua, TPHCM nói riêng và cả nước nói chung được hưởng lợi nhiều từ nguồn lao động giá rẻ. Nhưng những thành quả không được tái phân bổ đủ nhiều để đảm bảo phúc lợi tối thiểu cho người lao động: từ chính sách về nhà ở, điều kiện làm việc, y tế, cho đến giáo dục cho con em của họ. Khi khủng hoảng diễn ra, sức chống chịu của họ gần như bằng 0. Thử hỏi bạn sẽ chịu đựng được bao lâu nếu phải “phong tỏa” trong một căn phòng trọ rộng 10 mét vuông với 10 người hàng tháng trời? Đó thực sự là một cuộc tra tấn cả về thể chất lẫn tinh thần!
Người lao động không thể không nhớ tới năm tháng đó khi quyết định có trở lại thành phố hay không. Khi bão đi qua, họ phải tiếp tục những lựa chọn mưu sinh. Ở TPHCM, trung tâm kinh tế cả nước, sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng họ cũng phải cân nhắc trước những rủi ro - và nếu thành phố và doanh nghiệp chưa có gì bảo đảm người lao động sẽ được đối xử tốt hơn đợt phong tỏa vừa qua - thì quay lại làm việc không phải là lựa chọn dễ dàng.
Bởi vậy, trước khi nói về thiếu hụt nguồn cung lao động, thành phố cần phải nói đến chính sách phúc lợi sẽ thay đổi như thế nào để giúp người lao động thực sự yên tâm đóng góp cho thành phố. Không thể chỉ hứa là sẽ “chăm lo chu đáo”, “không bỏ ai lại phía sau”, nhưng không đề cập tới các giải pháp cụ thể. Muốn người lao động “cứu” doanh nghiệp, phải cho họ thấy tấm lưới an sinh đỡ lấy họ trong bất trắc.
Tất nhiên, làm gì cũng cần có tiền, và một chính sách phúc lợi bao trùm hơn thì không hề rẻ. Đây lại là chuyện không phải thành phố muốn là được. Hồi đầu tháng 8, khi TPHCM đề nghị trung ương hỗ trợ 28.000 tỉ đồng, Bộ Tài chính phản hồi rằng thành phố cần “chủ động sắp xếp ngân sách địa phương và huy động nguồn lực xã hội”.
Dẫu là địa phương đóng góp gần 30% ngân sách cho cả nước, TPHCM là địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách thấp nhất, chỉ 18% trong tổng số thu phân chia với trung ương trên địa bàn. Chuyện ngân sách của thành phố được thảo luận nhiều trong vài năm qua, nhưng sau cú sốc Covid-19, vấn đề trở nên cấp bách hơn. Để đảm bảo phát triển một cách bền vững và an toàn, thành phố cần có mạng lưới an sinh tốt hơn. Vì mục tiêu đó, thành phố cần được giữ lại nhiều hơn phần thu ngân sách, để phần thu đó được dùng cho mục đích phát triển chính sách an sinh xã hội.
Phúc lợi cho người lao động ở TPHCM cũng là phúc lợi cho cả nước, bởi một phần thu nhập của họ được gửi về cho gia đình, gián tiếp góp phần kích thích phát triển kinh tế địa phương. Khi động cơ được bảo dưỡng tốt, đầu tàu sẽ vận hành trơn tru. Khi đầu tàu vận hành trơn tru, những toa tàu khác cũng sẽ đủ sức để đi đúng hướng trong chặng đường hồi phục nhiều khó khăn thời hậu Covid-19.
Với những doanh nghiệp mới đóng cửa một hai tháng mà đã sa thải toàn bộ công nhân, không có chăm lo gì, lại còn đứng trước nguy cơ phá sản thì liệu ta có cần cứu? Khủng hoảng tạo ra cơ hội thay đổi, trong hoàn cảnh thiếu lao động hiện nay hãy hỗ trợ cho các doanh nghiệp hiệu quả phát triển và hãy để cho các doanh nghiệp tận thu từ lao động phải tự thay đổi.