Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lao động tự do

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lao động tự do

Nguyễn Minh Hải

(TBKTSG) – Một buổi chiều cuối tuần, nghe tiếng nhạc lạ tai, tôi nhìn thấy trước nhà một người đàn ông đạp xe bán cá viên chiên. Mua vài xâu, tôi tranh thủ hỏi chuyện thì được biết, anh quê ở Đồng Tháp, lên thành phố đã nhiều năm, được một người đồng hương giao một chiếc xe đạp, bộ đồ nghề và một mớ xâu cá viên để đi bán dạo.

Anh nói, nếu bán hết số cá viên này thì anh được trả 200.000 đồng, bất kể lời lãi ra sao; hôm nào gặp may thì bán hết trước nửa đêm để về khu nhà trọ, nơi có hàng chục anh chị em làm cùng nghề này. Bình quân mỗi ngày anh mất khoảng mười hai giờ để rong ruổi trên các nẻo đường. Anh bán thuê, chẳng cần vốn liếng gì, chỉ bỏ công và được làm một công việc khá tự do!

Tôi nhớ trong một cuộc hội thảo về lao động, một vị lãnh đạo đơn vị nọ nói, ông thấy có một số thanh niên từ chối đi làm công nhân, lương 3-4 triệu đồng/tháng, có ngày nghỉ, được đóng bảo hiểm, lễ Tết còn có thưởng… để đi bán bánh, bán trái cây dạo, cũng kiếm được ngần ấy thu nhập, có khi cao hơn một chút. Ông lý giải, vì họ muốn được làm lao động tự do, khỏi bị ràng buộc về kỷ luật, nội quy, giờ giấc…

Suy cho cùng, ai chẳng mong muốn được tự do, có tự do. Nhưng hình như đâu đó còn có “căn tính nông dân” trong không ít người lao động từ các tỉnh về thành phố. Do họ sống và làm việc lâu trong môi trường nông nghiệp vốn tự do và thoải mái, muốn làm việc lúc nào cũng được, chứ không phải tuân theo kỷ luật nghiêm ngặt, theo dây chuyền, theo sự sắp xếp… như làm công nhân ở thành thị. “Căn tính nông dân” bản thân nó không xấu nhưng có lẽ không phù hợp lắm với đời sống đô thị, với hoạt động công nghiệp.

Và rõ ràng, anh bán cá viên chiên, bán bánh cam… lỡ hôm nào đau chân không đạp xe được, hay bị cảm sốt, trời mưa… không bán được thì bữa đó không có lương. Lúc ốm đau thì không có bảo hiểm; đến lúc không đi làm được nữa thì chẳng có lương hưu. Tức là cái lợi trước mắt cũng không nhiều nhưng cái hại về lâu dài thì đã rõ… Nói cách khác, để đổi lấy tự do, người lao động tự do phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi so với những người lao động ở các lĩnh vực khác.

Có người đã nêu ý tưởng đóng bảo hiểm cho người lao động tự do. Ý tưởng đó hay và nhân văn nhưng xem ra vô cùng khó thực hiện. Bảo hiểm y tế đã khó, bảo hiểm xã hội thì quả là… hái sao trên trời! Vì đã có tư tưởng tự do rồi thì mấy ai lại ràng buộc mình cho cái khoản bảo hiểm kia chứ, tốn tiền trước mắt mà không biết bao giờ được hưởng. Rồi còn thu, đóng, chi trả ra sao… cũng không đơn giản.

Cho nên để chuẩn bị cho một “công cuộc” công nghiệp hóa, và thay đổi cơ cấu tỷ lệ lao động nông thôn, có lẽ sự chuẩn bị cho những thói quen lao động và kỷ luật là hết sức quan trọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới