Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lao động vượt biên

Nguyễn Khắc Giang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Đại dịch tạm thời đi qua, các đường biên bắt đầu mở cửa trở lại, ở nông thôn đã nhiều người khấp khởi kiếm đường “ly hương” mưu sinh.

Sáu tháng đầu năm có hơn 51.000 người đi “xuất khẩu lao động”, gần tương đương với mức trước đại dịch và nhiều hơn cả năm ngoái cộng lại. Nguồn: baochinhphu.vn

Hôm trước gọi điện về quê tôi, một làng thuần nông ở miền Trung, mấy người em họ nói sẽ sang Đài Loan làm việc sau vài tháng nữa. Chi phí cho các trung tâm môi giới là khoảng trên dưới 100 triệu đồng tùy điểm đến. Ở trong làng, cả thanh niên chưa vợ lẫn người có gia đình – nếu có đủ tiền – đều cố gắng thử vận may. Trên cả nước, theo baochinhphu.vn, trong sáu tháng đầu năm có hơn 51.000 người đi “xuất khẩu lao động”, gần tương đương với mức trước đại dịch và nhiều hơn cả năm ngoái cộng lại.

Đó là con số chính thức. Nhiều người không đủ tiền, kiên nhẫn, hay thông tin để làm việc với các kênh môi giới chính thức đã tìm kiếm cơ hội qua mạng xã hội. Họ tìm đường vượt biên sang châu Âu và Anh quốc, bất chấp những rủi ro như bi kịch của 39 người Việt thiệt mạng trong thùng container cách đây ba năm. Những ai không thể xoay xở đủ tiền thì hướng về phía biên giới các nước láng giềng với những hứa hẹn về “việc nhẹ lương cao”.

Kết quả dễ đoán trước, bởi miếng pho mát ngon chỉ có trong bẫy chuột. Những hứa hẹn trên là chiêu trò lừa đảo của những kẻ buôn người thời hiện đại. Nạn nhân không chỉ trở thành nô lệ lao động, mà còn bị buộc phải chi trả hàng trăm triệu đồng – hoặc tìm kiếm nạn nhân khác – để được tự do. Có người không còn cơ hội làm lại: họ bỏ mạng dưới tay kẻ thủ ác nơi đất khách quê người.

“Đi nước ngoài” không phải vì không thể sống nổi ở quê nhà, mà vì nó đại diện cho ước vọng thoát nghèo và đổi đời.

Đổ lỗi cho nạn nhân vì thiếu hiểu biết là điều dễ dàng. Trong thời đại mà ai cũng có điện thoại thông minh và máy tính xách tay nối mạng Internet, sao lại rơi vào những cạm bẫy hiển nhiên như thế?

Nhưng nếu bỏ đôi kính thành kiến đô thị ra, thì có lẽ chúng ta sẽ thấy nhiều vấn đề khó giải quyết hơn là nhận thức. Điểm chung của những vụ buôn người hay lừa đảo là chúng thường chỉ xảy ra ở nông thôn và miền núi, hoặc những nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Thú dữ luôn biết lựa chọn chính xác con mồi tiềm năng của mình.

Internet phủ sóng gần như khắp mọi nơi, nhưng điều này không tương đương với bình đẳng về tiếp cận thông tin. Vấn đề của thời đại không phải là thiếu, mà là có quá nhiều thông tin, khiến cho năng lực chọn lọc, kiểm chứng, và xử lý thông tin trở thành kỹ năng sống cần thiết. Ở các đô thị lớn với chất lượng giáo dục tốt hơn, học sinh được đào tạo bài bản hơn về tin học và Internet, từ đó trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về môi trường mạng. Trong khi đó, thiếu giáo viên vẫn luôn là vấn đề nan giải ở nông thôn và miền núi, chưa nói tới những môn vẫn được coi là xa xỉ như tin học hay tiếng Anh.

Bất bình đẳng thông tin, ngoài ra, còn phản ánh thực trạng bất bình đẳng giáo dục. Bất bình đẳng giáo dục sẽ dẫn tới bất bình đẳng về cơ hội, đặc biệt là cơ hội việc làm và có thu nhập ổn định. Số ít những người vượt khó và có cơ hội học tập cao hơn thường lựa chọn ở lại thành phố sau khi ra trường. Những người còn lại, trong giai đoạn tiền Covid-19, hướng về các trung tâm công nghiệp lớn như là cánh cửa thoát ly khỏi nông thôn. Dù thuộc nhóm nào, ở lại không phải là một lựa chọn.

Đợt bùng phát chủng Delta trong đại dịch Covid-19 vào giữa năm ngoái cướp đi nhiều thứ từ lao động nhập cư. Hai trong số đó là hy vọng đổi đời và tấm lưới an sinh-xã hội mỏng manh ở các trung tâm công nghiệp. Ở giai đoạn giao thời hậu Covid này, khi giá cả mọi thứ đều leo thang, mức lương không đổi, cuộc sống ngày càng khó khăn, những lời mời gọi “việc nhẹ lương cao” lại trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Tôi không cho rằng tất cả những người ly hương không nhận thức được rủi ro của những chuyến vượt biên đổi đời. Nhưng nếu lựa chọn thứ hai, bắt xe vào Đồng Nai hay Bình Dương tìm việc, cũng hàm chứa rủi ro với mức thu nhập không như mong đợi, thì tại sao không thử vận may để “liều ăn nhiều”?

Những người em họ của tôi chỉ muốn đi Đài Loan một vài năm, tích góp chút vốn liếng, rồi trở về nhà xây dựng cuộc sống mới. Với tình hình hiện tại, mục tiêu này sẽ khó hơn nhiều nếu bám trụ lại những khu công nghiệp vẫn đang nhộn nhịp tuyển người hậu Covid.

Bởi thế, không mấy khó hiểu khi lao động nông thôn vẫn tìm mọi cách đi nước ngoài, dù cho các doanh nghiệp trong nước đang khốn đốn vì không tuyển đủ người làm việc. “Đi nước ngoài” không phải vì không thể sống nổi ở quê nhà, mà vì nó đại diện cho ước vọng thoát nghèo và đổi đời.

Tăng cường giám sát và nhận thức ở địa phương có thể giúp giảm bớt tình trạng buôn người và lừa đảo xuất khẩu lao động, nhưng gốc rễ vấn đề nằm ở bất bình đẳng cơ hội. Khi có những lựa chọn tương đương ở trong nước, tôi tin rằng không nhiều người muốn mạo hiểm lênh đênh trên biển hay vượt rừng núi và giao mạng sống vào tay những kẻ buôn người, để đổi lấy ảo vọng làm giàu nơi đất khách. Đáng tiếc, đây vẫn là bài toán nằm im hàng chục năm nhưng chưa có lời giải đáp nào thỏa đáng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới