Thứ năm, 8/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lập ủy ban giám sát tài chính quốc gia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lập ủy ban giám sát tài chính quốc gia

(TBKTSG Online) - Sau một thời gian chuẩn bị, Chính phủ vừa chính thức thành lập Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, trong bối cảnh việc chống lạm phát đang là mục tiêu hàng đầu của toàn bộ nền kinh tế.

"Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia có chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng trong điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia, bao gồm ngân hàng, tài chính và bảo hiểm; giúp Thủ tướng giám sát chung thị trường tài chính "- Quyết định số 34 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký đã ghi rõ về chức năng của ủy ban mới ra đời này.

Theo đó,Thủ tướng cũng sẽ chỉ định vị trí chủ tịch -người đứng đầu ủy ban này, dưới đó là 2 phó chủ tịch và các ban như nghiên cứu điều phối chính sách giám sát, giám sát các tập đoàn, trung tâm thông tin và giám sát tài chính quốc gia. Ủy ban có tư cách pháp nhân, trụ sở và con dấu riêng, hoạt động bằng ngân sách nhà nước lấy từ nguồn ngân sách hoạt động của Văn phòng Chính phủ.

Ủy ban mới được thành lập sẽ có 7 nhiệm vụ lớn, trong đó tập trung vào việc đề xuất với Thủ tướng ban hành các quy định điều phối, giám sát thị truờng tài chính quốc gia và phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng về chiến lược, định hướng phát triển thị trường tài chính, kiến nghị với các cơ quan nhà nước về cơ chế giám sát thị trường tài chính.

Ngoài ra, ủy ban này còn trực tiếp điều phối hoạt động giám sát chuyên ngành, giám sát chung thị trường tài chính theo chuẩn mực quốc tế; giám sát điều kiện cấp phép của các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoạt động trong các lĩnh vực: tài chính, chứng khoán, bảo hiểm; phân tích,dự báo, cảnh báo mức độ an toàn hệ thống tài chính và nguy cơ rủi ro với thị trường tài chính, thiết lập cơ sở dữ liệu về các lĩnh vực này.

Ủy ban cũng được giao nhiệm vụ kiến nghị với các cơ quan thanh tra, giám sát chuyên ngành xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tài chính. Cơ quan này cũng có quyền yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin tài chính định kỳ và đột xuất .

Trước đây, chỉ có Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia có chức năng tư vấn và dự báo cho Chính phủ về các chính sách tiền tệ. Sau khi đi vào hoạt động, Ủy ban giám sát tài chính có chức năng lớn hơn là giám sát, cảnh báo các hoạt động của nền tài chính đất nước, giúp cho hoạt động của ngành tài chính được liên thông hơn. Từ đó, Thủ tướng sẽ có những quyết sách hữu hiệu và đồng bộ hơn trong cách điều hành nền tài chính.

NGỌC LAN

                                     

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới