Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lát cắt nhiều màu sắc về các khu dự trữ sinh quyển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lát cắt nhiều màu sắc về các khu dự trữ sinh quyển

Nội dung: Đào Huyền - Trình bày: Thu Trang

Lát cắt nhiều màu sắc về các khu dự trữ sinh quyển
 

(KTSG Online) - 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam hiện là nơi sinh sống của 2,3 triệu người, với tổng diện tích 4,1 triệu héc-ta, tương đương 12,1% diện tích của cả nước.

 

Kể từ khi tham gia mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2000) đến nay Việt Nam đã có 9 Khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. 9 khu dự trữ sinh quyển này hiện là nơi cư trú của 2,3 triệu người, với tổng diện tích 4,1 triệu héc-ta, chiếm khoảng 12,1% diện tích của cả nước. Đây cũng là những khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và có giá trị. Tuy nhiên, một số nơi vẫn bị đe dọa xâm lấn hoặc bị tác động kinh tế làm mất đi sự đa dạng sinh học. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để phát triển kinh tế từ nguồn tài nguyên giá trị của các khu dự trữ sinh quyển mà vẫn bảo tồn được hiện trạng và đa dạng sinh học ở những khu vực này.

Hưởng ứng thông điệp Ngày Đất ngập nước thế giới (22-2) và Ngày Nước thế giới (22-3) về hành động bảo vệ nguồn nước, bảo vệ các khu dự trữ và đa dạng sinh học, KTSG Online mở diễn đàn ‘Ứng xử với các khu dự trữ sinh quyển trong phát triển kinh tế’ để quý độc giả, chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, đóng góp ý kiến. Bài viết dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan về hiện trạng 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận tại Việt Nam, những hướng phát triển và bảo tồn...

Tổng diện tích hơn 26.000 ha, gồm hai vùng lõi, hai vùng đệm và hai vùng chuyển tiếp. Về mặt hành chính, quần đảo thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.

Đặc điểm: Quần đảo Cát Bà có rừng nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rặng san hô, thảm rong - cỏ biển, hệ thống hang động, tùng áng, là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học.

Hướng phát triển bảo tồn: Nơi đây hiện có hạ tầng du lịch khá phát triển và không ngừng được đầu tư để trở thành địa điểm du lịch mang tầm vóc quốc tế trong tương lai.

Tổng diện tích hơn 105.558 ha, gồm một vùng lõi, một vùng đệm và một vùng chuyển tiếp. Đây là vùng châu thổ sông Hồng trải dài trên 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới này chứa đựng những hoạt động kiến tạo địa chất và đa dạng sinh học có giá trị nổi bật toàn cầu với các kiểu sinh cảnh chủ yếu như: bãi bùn, bãi cát ngập triều, trảng cỏ, sậy, rừng ngập mặn cùng các cồn cát phi lao.

Tiềm năng phát triển và bảo tồn: Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái, đồng quê và nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên vùng lõi trong khu dự trữ sinh quyển này vẫn thường xuyên chịu sức ép của việc khai thác và đánh bắt thuỷ sản quá mức.

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 1,3 triệu ha. Có 3 vùng lõi gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tạo nên sự liên tục về môi trường sống và các sinh cảnh, duy trì hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học.

Hướng phát triển và bảo tồn: Phát triển du lịch, kinh tế cộng đồng, nông lâm nghiệp và nghiên cứu khoa học, bảo tồn các nguồn gen động thực vật và đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc tại chỗ.

Cù lao Chàm là một cụm đảo, về mặt hành chính trực thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đây là địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản. Các rặng san hô ở khu vực biển cù lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ.

Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm hiện nay phát triển kinh tế du lịch được UNESCO đánh giá cao bởi áp dụng mô hình kinh tế xanh và cacbon thấp, hạn chế rác thải, bảo tồn hệ động thực vật, san hô và nguồn thủy sản.

Là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên được UNESCO công nhận. Diện tích 275.439 ha, nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng.

Đặc điểm: Với địa hình đồi núi trập trùng khu vực này có nhiều đỉnh núi cao, hồ nước rộng, thác nước mạnh. Phong cảnh đẹp, khí hậu trong lành. Hướng phát triển mạnh về nông nghiệp hoa quả ôn đới và du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học đặc biệt là rừng thông ba lá.

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai nằm trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Lâm Ðồng, Bình Phước, Bình Dương và Đăk Nông, với tổng diện tích 966.563 ha, gồm một vùng lõi, một vùng đệm và một vùng chuyển tiếp.

Đặc điểm: Đây là khu vực có diện tích rừng mưa ẩm nhiệt đới với rất nhiều loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng, đặc biệt là loài Tê giác một sừng. Các hệ sinh thái tự nhiên rừng đầu nguồn ở đây rất quan trọng với chức năng điều tiết nước cho lưu vực sông Đồng Nai.

Hướng phát triển và bảo tồn: Phát triển kinh tế du lịch, lâm sản và thủy sản, nghiên cứu khoa học và bảo tồn gen các loài vật quý hiếm, trong đó có Tê giác Java.

Tổng diện tích 75.740 ha, gồm một vùng lõi, một vùng đệm và một vùng chuyển tiếp nằm trên vùng châu thổ rộng lớn giữa sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, trong số này nổi bật là đàn khỉ đuôi dài cùng nhiều loài chim, cò.

Vợi sự đa dạng sinh học, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ phát triển trong việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái. Trong thời gian tới, khu vực này đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị biển và du lịch hiện đại.

Rừng ngập mặn Cần Giờ hiện nay có vai trò như "lá phổi" đồng thời là "quả thận" có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các thành phố công nghiệp trong thượng nguồn sông Ðồng Nai - Sài Gòn đổ ra biển Ðông.

Có diện tích 371.506 ha với 3 vùng: Vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Vùng lõi được chia làm 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và dãy phòng hộ ven Biển Tây. Nơi đây có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng tràm trên đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển... mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao.

Hướng phát triển và bảo tồn: Phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản và nghiên cứu khoa học và biến đổi khí hậu.

Với diện tích hơn 1,1 triệu ha,  đây là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2  của Việt Nam. Có thể thấy ở đây hệ sinh thái từ rừng tràm trên đất ngập nước, rừng trên núi đá – núi đá vôi đến hệ sinh thái biển mà trong đó tiêu biểu là thảm cỏ biển gắn liền với loài động vật quý hiếm là bò biển... Khu dự trữ sinh quyển ven biển và đảo Kiên Giang hiện nay đẩy mạnh phát triển du lịch, kinh tế biển, đặc biệt vùng lõi đảo Phú quốc tập định hướng phát triển đô thị du lịch hiện đại.

7 tiêu chí để trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới

Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Biosphere Reserves) là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Theo định nghĩa của UNESCO, Khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.

7 tiêu chí để trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới (Theo quy định của Điều 4, Khung Pháp lý của Mạng lưới toàn cầu các Khu DTSQ thế giới được thông qua tại Đại hội đồng UNESCO năm 1995) là:

– Khu vực đề cử có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những khu vực phát triển có các mức độ tác động khác nhau (gradiation) của con người.
– Khu vực đề cử có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao.
– Khu dự trữ sinh quyển đó có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững ở cấp độ vùng.
– Khu dự trữ sinh quyển có diện tích thích hợp để đáp ứng được ba chức năng của khu dự trữ sinh quyển.
– Khu vực đó có đủ những phân vùng thích hợp để thực hiện 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển thông qua: (a) vùng lõi có diện tích đủ lớn, được thiết lập bởi pháp luật, hoặc một vùng được dành riêng cho việc bảo tồn lâu dài; (b) vùng đệm được xác định rõ ràng, bao quanh hoặc kết nối với (các) vùng lõi, nơi dành cho các hoạt động hài hòa với bảo tồn; (c) vùng chuyển tiếp dành cho việc khuyến khích và tạo ra các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững.
– Có bố trí các cơ cấu quản lý để huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan, giữa chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và khối tư nhân để thiết kế và thực hiện các chức năng của khu dự trữ sinh quyển.
– Cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận, bao gồm: (a) các cơ chế quản lý các hoạt động và khai thác của con người tại vùng đệm; (b) có một chính sách hoặc kế hoạch quản lý cho toàn khu dự trữ sinh quyển; (c) có một cơ chế hoặc đội ngũ quản lý được thành lập để thực hiện chính sách hoặc kế hoạch đó; (d) có các chương trình nghiên cứu, quan trắc, giáo dục và đào tạo.

 

Khu dự trữ sinh quyển được tổ chức thành 3 vùng:

– Vùng lõi: nhằm bảo tồn lâu dài đa dạng loài, các cảnh quan, hệ sinh thái.

– Vùng đệm: nằm bao quanh hoặc tiếp giáp vùng lõi. Ở đây, có thể tiến hành các hoạt động kinh tế, nghiên cứu, giáo dục và giải trí nhưng không ảnh hưởng đến vùng lõi.

– Vùng chuyển tiếp: nằm ở ngoài cùng. Tại đây, các hoạt động kinh tế vẫn duy trì bình thường trên cơ sở phát triển bền vững nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên mà khu dự trữ sinh quyển đem lại.

Nguồn: Tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới