(KTSG) - Nhà thơ Lê Giang sinh ra ở Cà Mau cách TPHCM ngót nghét ba trăm cây số. Nhưng bà đã thành “dân Sài Gòn” từ lâu. Cách đây chừng hơn 10 năm, bà viết: “Tôi chính thức làm công dân của đất Sài Gòn nam thanh nữ tú đến nay đã được 29 năm”(1).
Không hẹn mà gặp, những gì Lê Giang nghĩ có lẽ trùng khớp trong một chừng mực nào đó với ý tưởng trong bài Sài Gòn là món lẩu ngon, Kinh tế Sài Gòn số phát hành ngày 21-4 (phần một của bài viết này), cho rằng: “Dù bạn có sinh ra tại Sài Gòn hay không, hoặc đã sống ở thành phố này bao lâu, một khi bạn đã quyết định chọn nó làm nơi lập nghiệp, bạn đã là người Sài Gòn rồi đó!”
Gần nửa thế kỷ qua từ ngày đất nước thống nhất, dân số chính thức của Sài Gòn đã tăng gấp ba, từ chừng ba triệu lên khoảng chín triệu, chưa kể có đến từ hai đến ba triệu người hiện là “dân Sài Gòn không chính thức” (sống ở đây nhưng chưa có hộ khẩu TPHCM). Về mặt dân số thực tế, Sài Gòn - TPHCM có thể được xem là một đại đô thị (hay siêu đô thị, megacity) ở Việt Nam theo định nghĩa do Liên Hiệp quốc đề ra, sánh vai về mặt này (dân số) với 37 đại đô thị khác khắp thế giới - như Tokyo, New York, Paris, Berlin hay Bangkok, thành phố gần Sài Gòn nhất.
Trong số các thị dân làm nên đại đô thị Sài Gòn, một phần đáng kể là những người đến từ phương xa. Tuy có nhiều khác biệt, những “công dân Sài Gòn” này chia sẻ một điểm chung: Họ xem Sài Gòn là một cái lẩu đa văn hóa mà trong đó ai cũng có thể thưởng thức món mình ưng ý nhất.
Nguyên liệu cho “món lẩu Sài Gòn”
Thị dân nào cũng mong muốn thành phố mình đang sống là một “thành phố đáng sống” (liveable city). Dù người ta vẫn còn chưa đồng ý với nhau về các tiêu chuẩn nhằm định nghĩa thế nào là “thành phố đáng sống”, vẫn có thể đưa ra một số tiêu chí chung.
Lấy ví dụ, hàng năm, The Economist Intelligence Unit, thuộc tập đoàn báo chí Anh Quốc The Economist, công bố danh sách The Global Liveability Index (tạm dịch, Chỉ số đáng sống toàn cầu) xếp hạng các thành phố trên thế giới theo các tiêu chí do The Economist Intelligence Unit đưa ra. Các tác giả chọn năm nhóm tiêu chí với trọng số (tầm quan trọng) khác nhau, gồm mức độ ổn định (an toàn) với trọng số 25%; chăm sóc sức khỏe (20%); văn hóa và môi trường (25%); giáo dục (10%); và cơ sở hạ tầng (20%)(2).
Bây giờ, hãy xét một số điểm cụ thể của Sài Gòn căn cứ trên các nhóm tiêu chí vừa nêu để thử xem Sài Gòn có phải là một “thành phố đáng sống” hay không.
Trước hết, sự an toàn đối với thị dân. Các tiêu chí trong nhóm này xét đến mức độ tội phạm nhẹ, mức độ tội phạm hình sự, nguy cơ khủng bố, xung đột quân sự và bất ổn - mâu thuẫn xã hội. Đối chiếu với tình hình ở TPHCM, có thể thấy các nguy cơ khủng bố, xung đột quân sự và bất ổn xã hội là thấp so với nhiều thành phố khác trên thế giới. Trước năm 1975, một số nơi ở Sài Gòn là “cứ địa” của các băng đảng xã hội đen. Hiện tượng này hiện nay không còn nữa. Tuy nhiên, không dễ trả lời câu hỏi liệu tình hình tội phạm ở Sài Gòn hiện nay có tốt hơn so với năm năm hay mười năm trước hay không vì thiếu dữ liệu tin cậy để đối chiếu.
Cứ vài năm lại thấy các báo cáo của ngành công an nhận định tình hình tội phạm đã cải thiện qua số vụ hình sự giảm xuống, tỷ lệ phá án tốt hơn năm trước… Tuy nhiên, có năm các tỷ lệ đó lại tăng lên. Thành thử, các cuộc điều tra độc lập về vấn đề này rất cần được thực hiện để đưa ra một bức tranh chính xác hơn về mức độ an toàn của thị dân TPHCM. Dĩ nhiên, hiện giờ Sài Gòn không thể sánh được với một số thành phố khác ở Việt Nam về mức độ an toàn cho dân cư, như Hội An chẳng hạn. Nhưng một khi đã có cái nhìn chính xác về vấn đề này, hướng đi sắp tới sẽ rõ ràng hơn rất nhiều.
Thế nào là thành phố đáng sống? Trước hết phải an toàn, kế đến là sức khỏe người dân. Có rất nhiều con số có thể dùng để so sánh. Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam, không dễ tìm các con số cụ thể đó. Ở đây, tạm lấy hai chỉ số được xem là cơ bản, gồm tỷ lệ bác sĩ và tỷ lệ nhân viên điều dưỡng trên 1.000 dân. Thống kê năm 2016 cho thấy TPHCM có 1,6 bác sĩ trên 1.000 dân, cao gấp đôi con số trung bình toàn quốc (0,8)(3). Cùng năm, thành phố này cũng có 3,3 điều dưỡng trên 1.000 dân, cao gấp ba lần trung bình tại Việt Nam (1,1). Đến năm 2020, hai tỷ lệ nêu trên ở Sài Gòn lần lượt tăng lên mức 2 và 3,5(4).
Như vậy, xét về lĩnh vực y tế, hiếm có thành phố nào ở Việt Nam sánh được với TPHCM. Tại Sài Gòn, bệnh viện hiện đại với điều dưỡng viên tay nghề cao và bác sĩ nhiều kinh nghiệm thuộc loại nhất nước, cũng như thuốc men mới nhất trong khu vực và cả trên thế giới - trong một số trường hợp - đều sẵn sàng phục vụ bệnh nhân. Tuy nhiên, xin nói ngay, đó chỉ là đối với người có tiền, còn người nghèo ở đây chắc cũng không hơn gì bao nhiêu, nếu có, so với các nơi khác. Đây cũng là một vấn đề đặt ra trên con đường Sài Gòn trở thành một thành phố đáng sống.
Thứ ba, các tiêu chí liên quan đến văn hóa và môi trường. The Economist Intelligence Unit rất cụ thể. Này nhé, họ xét thành phố có khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm dễ chịu hay không; có nhiều cơ sở phục vụ văn hóa, thể thao hay không; có dịch vụ ăn uống và sản phẩm tiêu dùng cũng như các loại hình dịch vụ khác tốt hay không; và có các rào cản về tôn giáo và xã hội hay không. Về các tiêu chí này, chắc TPHCM không thua sút ai trong cả Việt Nam.
Ở đây, các nhà tổ chức lại đưa ra một tiêu chí có thể là khá bất ngờ với nhiều người Việt. Đó là mức độ tham nhũng. Thật khó nói vấn đề này ở Sài Gòn tốt hơn hay xấu hơn so với các địa phương khác. Thôi thì đi con đường vòng vậy. Hàng năm người ta đều công bố Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xếp hạng các tỉnh, thành tại Việt Nam. Trong số các bộ tiêu chí phức tạp hình thành bảng xếp hạng này có vài tiêu chí liên quan đến vấn đề nhũng nhiễu doanh nghiệp. Qua các năm, chỉ số PCI của TPHCM thường được xếp vào loại khá tuy không phải là nơi tốt nhất, nên có thể xem chỉ số nói trên của The Economist Intelligence Unit tại Sài Gòn cũng không quá xấu.
Kế đến, giáo dục. Đáng chú ý, dù chỉ là một nội dung duy nhất, giáo dục được gán cho trọng số giá trị đến 10%, nghĩa là một phần 10 tổng số điểm của một thành phố đáng sống. Một lần nữa, có lẽ TPHCM được điểm cao trong lĩnh vực này ở Việt Nam nếu nhìn vào số sinh viên từ các nơi khác đến. Môi trường học tập cũng như cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ở thành phố này đều rất tốt, nếu không phải là tốt nhất, trên toàn cõi Việt Nam.
Cuối cùng là cơ sở hạ tầng. Theo The Economist Intelligence Unit, đứng đầu trong nhóm này là giao thông, gồm chất lượng đường sá và chất lượng giao thông công cộng. Các quan chức ở TPHCM thường nói với nhà đầu tư rằng cơ sở hạ tầng giao thông là một ưu điểm của thành phố mình.
Tuy nhiên, với người Sài Gòn, khó thuyết phục họ rằng chất lượng giao thông đã tốt hơn khi nạn kẹt xe, nước ngập, ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn ngày càng trầm trọng, chưa thấy có lối ra. Tương tự, cũng khó có thể cho rằng người dân Sài Gòn nói chung (không phải là người giàu) có nhiều lựa chọn về nhà ở bởi vì giá đất và giá xây dựng cao ngút trời so với thu nhập của họ. Đây cũng là một điểm trừ cho nồi lẩu Sài Gòn.
Cái gì tiêu biểu nhất cho người Sài Gòn?
Nhà thơ Lê Giang nhớ lại đám tang của đạo diễn sân khấu Ngô Y Linh (1929-1978) ở Sài Gòn mấy chục năm trước. Bà kể rằng khi đoàn lễ tang đi qua, người đi đường đều giở nón cúi chào, nhường lối đi, dù không mấy ai trong số họ biết rõ vị đạo diễn này. Xin thưa, đó cũng là một trong những phong cách của dân Sài Gòn, dân miền Nam.
Vậy thì trong số đó, cái gì tiểu biểu nhất? Hà Nội cũng có nhiều ưu điểm như Sài Gòn. Nhưng theo người viết, đặc trưng cho Sài Gòn là sự dung nạp dễ dàng của đa số dân Sài Gòn với cái mới, cái lạ, với người mới. Chính nhờ sự dung nạp này, cái mới phát triển, trong khi người mới an tâm góp sức xây dựng nơi mình sống tốt hơn. Chính trong các đỉnh dịch vừa qua, tính cộng đồng ở TPHCM được thể hiện rất cao.
Đến đây, xin ghi lại ý tưởng từ một trang mạng nước ngoài thay lời kết: “Một thành phố tổ chức tốt là nơi cung cấp cho toàn thể cư dân (không phải chỉ số ít đặc quyền) cơ hội sống với tất cả các yếu tố thiết yếu của một cộng đồng đáng sống. Đó là nơi tạo động lực để người dân hạnh phúc, khỏe mạnh và cộng đồng trở nên thịnh vượng - nơi ai nấy đều muốn sống trong đó(5)”.
Dù chỉ làm được một phần như vậy, lẩu Sài Gòn vẫn còn hấp dẫn.
------------
(1) Không gian tiệm nước - Sài Gòn tạp văn, nhiều tác giả, Nhà xuất bản Thời đại, 2011, trang 73
(2) https://pages.eiu.com/rs/753-RIQ-438/images/global-liveability-index-2021-free-report.pdf
(3) https://medinet.hochiminhcity.gov.vn/tin-tuc-su-kien/viet-nam-van-nam-trong-cac-nuoc-co-so-bac-si-va-dieu-duong-tren-1000-dan-o-muc-c1780-36945.aspx
(4) https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-dat-muc-tieu-20-bac-si-10-000-dan-1491865821
(5) https://theconversation.com/how-do-we-create-liveable-cities-first-we-must-work-out-the-key-ingredients-50898