Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lấy lại sức hút, startup công nghệ sinh học ‘đua’ lên sàn chứng khoán Mỹ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chỉ trong chưa đầy hai tháng đầu năm, 6 công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ sinh học tiến hành thành công các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán ở Mỹ. Nổi bật trong số này là các startup hoạt động trong lĩnh vực giảm cân và điều trị ung thư.

CG Oncology, công ty đang thử nghiệm liệu pháp điều trị ung thư bàng quang ở giai đoạn cuối, huy động được khoảng 400 triệu đô la Mỹ trong đợt IPO để niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq ở New York vào tháng trước. Ảnh: WSJ

Tốc độ huy động vốn nhanh kỷ lục

Sự khởi đầu tích cực trong năm 2024 là dấu hiệu lạc quan đối với ngành công nghệ sinh học sau hai năm chứng kiến các quyết định sa thải, bế tắc trong nghiên cứu khoa học và lãi suất tăng. Chỉ chưa đến 20 công ty công nghệ sinh học niêm yết cổ phiếu lần đầu trong năm 2022 và 2023.

Lĩnh vực công nghệ sinh học thu hút hơn 6 tỉ đô la Mỹ vốn tài trợ kể từ đầu năm đến giữa tháng 2. Các nhà phân tích của ngân hàng Jefferies cho biết, đây là tốc độ huy động vốn nhanh kỷ lục, vượt qua nguồn vốn huy động hàng quí của lĩnh vực này được ghi nhận kể từ quí 2-2021.

Theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu PitchBook, riêng các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót 3,2 tỉ đô la Mỹ vào công nghệ sinh học trong năm nay tính đến giữa tháng 2, so với khoảng 3 tỉ đô la trong cùng kỳ năm 2023.

“Thị trường đã lành mạnh trở lại và đó không chỉ là xu hướng nhất thời”, Jordan Saxe, người đứng đầu bộ phận niêm yết cổ phiếu của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Sàn giao dịch Nasdaq (Mỹ), nói.

Nằm trong số các startup hút vốn đầu tư trong năm nay là các công ty đang tham gia những phân khúc nóng nhất trong nghiên cứu công nghệ sinh học, chẳng hạn như điều trị ung thư, giảm cân và điều trị giảm đau không dùng nhóm chất opioid, có thể gây nghiện.

Peter Maag, CEO của Kyverna Therapeutics có trụ sở ở bang California (Mỹ), cho biết công ty ông đã huy động được hơn 337 triệu đô la Mỹ trong đợt IPO gần đây. Theo ông, số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho hoạt động phát triển các loại thuốc điều trị bệnh tự miễn (những bệnh lý xảy ra do hệ miễn dịch cơ thể mất đi khả năng nhận biết và phân biệt các kháng nguyên của cơ thể với các tác nhân gây hại bên ngoài). Kyverna sử dụng công nghệ trị liệu tế bào, được gọi là CAR-T, vốn đã chứng minh thành công trong điều trị một số bệnh ung thư.

Lãi suất cao, thị trường vốn không ổn định và việc Phố Wall ít chấp nhận rủi ro hơn khiến lĩnh vực công nghệ sinh học rơi vào tình trạng trì trệ trong suốt hai năm qua. Các startup của lĩnh vực này buộc phải dừng nỗ lực tìm kiếm nguồn tài trợ mới hoặc kế hoạch IPO. Theo PitchBook, chỉ có 17 công ty công nghệ sinh học được hỗ trợ vốn mạo hiểm tiến hành IPO vào năm 2022 và 18 công ty khác vào năm 2023. Các con số này giảm đáng kể so với 88 công ty công ty công nghệ sinh học niêm yết lần đầu vào năm 2021 và 66 công ty vào năm 2020. Các công ty công nghệ sinh học cũng cắt giảm chi tiêu, dẫn đến một loạt vụ sa thải nhân viên. Một số công ty trong lĩnh vực này đóng cửa do cạn vốn.

Bức tranh bắt đầu thay đổi vào cuối năm ngoái, khi các hãng dược phẩm lớn thực hiện một loạt thương vụ thâu tóm và giới đầu tư dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay. Ngoài ra, nhu cầu bị dồn nén cũng giúp lĩnh vực công nghệ sinh học phục hồi nhanh hơn.

Thuốc điều trị ung thư, béo phì thu hút chú ý

“Lĩnh vực công nghệ sinh học đang chứng kiến tốc độ niêm yết cổ phiếu, chắc chắn giúp nguồn vốn huy động từ thị trường IPO vượt qua năm ngoái”, Christiana Bardon, đối tác quản lý của Công ty đầu tư công nghệ sinh học MPM BioImpact, nhận định.

Khẩu vị của nhà đầu tư cũng thay đổi so với các giai đoạn trước. Giờ đây, họ ưu tiên tìm kiếm các công ty công nghệ sinh học đang đạt được tiến bộ trong hoạt động phát triển các phương pháp điều trị. Đó là những công ty có ứng cử viên thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm trên người ở giai đoạn cuối và sẽ sớm có kết quả nghiên cứu.

CG Oncology, có trụ sở ở California, đang thử nghiệm liệu pháp điều trị ung thư bàng quang ở giai đoạn cuối. Công ty này đã huy động được khoảng 400 triệu đô la Mỹ, cao hơn kỳ vọng, trong đợt IPO vào tháng trước. ArriVent BioPharma, một công ty công nghệ sinh học phát triển thuốc trị ung thư phổi đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, huy động được khoảng 180 triệu đô la trong đợt IPO ngay sau đó.

Những công ty công nghệ sinh học hoạt động ở những phân khúc sôi động cũng đang thu hút sự quan tâm. BioAge Labs, công ty đang phát triển thuốc điều trị bệnh béo phì và thuốc trị rối loạn chuyển hóa, huy động thành công 170 triệu đô la trong vòng gọi vốn mới nhất.

Latigo Biotherapeutics niêm yết cổ phiếu lần đầu vào giữa tháng 2 sau khi huy động được 135 triệu đô la để phát triển các loại thuốc giảm đau không chứa opioid.

Nancy Stagliano, Chủ tịch hội đồng quản trị của Latigo, cho biết công ty được hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu tích cực ở giai đoạn cuối đối với một loại thuốc giảm đau không chứa opioid riêng biệt của hãng công nghệ sinh học Vertex Pharmaceuticals (Mỹ).

“Khi chúng tôi mới thành lập công ty, vẫn còn rất nhiều rủi ro xung quanh mục tiêu phát triển thuốc giảm đau không chứa opioid. Giờ đây, theo thời gian và với sự tiến bộ của chương trình nghiên cứu của Vertex, rủi ro đó đã giảm bớt”, Stagliano nói.

Michael Yee, nhà phân tích của Jefferies, cho biết, nếu dòng tiền đổ vào công nghệ sinh học tiếp tục duy trì tốc độ như hiện nay, nguồn vốn tài trợ tiếp theo trong thời gian còn lại của quí này có thể vượt qua con số 11 tỉ đô la mà lĩnh vực này huy động được trong quí đầu tiên của năm 2021.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cảnh báo những dấu hiệu cải thiện ban đầu này có thể không có nghĩa là công nghệ sinh học hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Tâm lý lạc quan có thể thay đổi do triển vọng Fed giảm lãi suất có thể chậm hơn dự kiến trong năm nay.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới