Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lấy ý kiến về đề án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long  (ĐBSCL) cho ý kiến để hoàn thiện đề án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao ở vùng này. Đây sẽ là cơ sở để đơn vị này hoàn thiện các nội dung và giải pháp tổ chức thực hiện đề án.

Bộ Nông nghiệp lấy ý kiến để triển khai thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao. Ảnh: Trung Chánh

Nội dung nêu trên được ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết khi trao đổi với KTSG Online.

Theo đó, việc triển khai xây dựng đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất lúa gạo của vùng theo hướng hiện đại, đáp ứng mục tiêu là nâng cao giá trị gia tăng chuỗi lúa gạo và thu nhập của người dân.

Đồng thời, việc triển khai đề án cũng nhằm bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng cao với biến đổi khí hậu.

Đề án nêu trên đặt ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt trên 500.000 héc ta, tương ứng khoảng 1 triệu héc ta gieo trồng mỗi năm và sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (khoảng 3,8 triệu tấn gạo).

Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%; giảm lượng lúa giống còn 80 kg/héc ta, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học 30%, giảm 30% lượng nước tưới; tỷ lệ diện tích ứng dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và tương đương được công nhận đạt 80%.

Tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 20%; diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 50%; năng lực sấy lúa và kho lúa đáp ứng 90% nhu cầu; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch 8%; rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 80% diện tích thu hoạch; giảm phát thải khí nhà kính trên 10%; lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu gạo Việt Nam đạt 760.000 tấn (chiếm 20% sản lượng gạo trong vùng đề án).

Còn mục tiêu đến năm 2030 là diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt 1 triệu héc ta, tương ứng khoảng 2 triệu héc ta gieo trồng mỗi năm và sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo).

Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%; giảm lượng lúa giống còn 80 kg/héc ta, giảm lượng phân bón hóa học 30%, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học 40%, giảm trên 30% lượng nước tưới; tỷ lệ diện tích đạt GAP và tương đương là 100%, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 50%; diện tích áp dụng cơ giới hoá đồng bộ đạt 80%; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 7%; giảm phát thải khí nhà kính trên 20%.

Rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và tái sử dụng, chế biến đạt 100% diện tích thu hoạch; lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu gạo Việt Nam đạt 2,3 triệu tấn, tương đương chiếm 30% sản lượng gạo trong vùng đề án.

Về tiêu chí xây dựng vùng lúa chất lượng cao, thì vùng sản xuất là vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa nước ổn định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và vùng đặc thù một vụ lúa ổn định có luân canh với thủy sản hoặc cây trồng cạn.

Diện tích thực hiện mô hình phải có hệ thống đê bao hoàn chỉnh, an toàn và chủ động hoàn toàn về thủy lợi, bao gồm cả việc tưới và thoát nước. Vị trí địa lý thuận tiện cho việc tổ chức sản xuất và thu mua.

Có hạ tầng giao thông tốt phục vụ được cho công tác cơ giới hóa các khâu trong sản xuất lúa, từ làm đất đến thu hoạch, bảo quản, tồn trữ, vận chuyển; phải có tối thiểu một hình thức liên kết với doanh nghiệp.

Đối với tiêu chí sản xuất lúa chất lượng cao, thì bộ giống lúa xuất khẩu được căn cứ vào khả năng thích nghi cao nhất của giống lúa trong điều kiện tự nhiên, đất đai, thời tiết, khí tượng thủy văn tại địa phương, đáp ứng và phù hợp với việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa. Ưu tiên sử dụng giống lúa thơm, giống lúa chất lượng cao được thị trường tiêu thụ trong nước chấp nhận và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bộ giống lúa xuất khẩu được theo dõi chặt chẽ trong nhiều năm, đánh giá năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, phải có thêm sự tham khảo với các doanh nghiệp tiêu thụ lúa, gạo trong nước và xuất khẩu để đảm bảo sản xuất thích ứng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Tổ chức sản xuất giống hoặc đặt hàng các tổ chức, doanh nghiệp đủ năng lực sản xuất và cung ứng giống lúa cấp xác nhận; sử dụng giống lúa đã được công nhận chính thức lưu hành, có chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu của thị trường; sử dụng hạt giống cấp xác nhận; sản xuất theo GAP như: 1 phải 5 giảm, VietGAP, GlobalGAP, SRP (sản xuất lúa bền vững) và tương đương, lúa hữu cơ…

Cơ giới hóa đồng bộ trong cả quy trình canh tác lúa; lúa được sấy và lúa gạo được bảo quản đúng quy cách; gạo đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu tối đa (MRL) theo quy định quốc tế hoặc nước nhập khẩu.

Đối với tiêu chí doanh nghiệp tham liên kết- tiêu thụ, thì phải có hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm dài hạn từ 2 năm trở lên với hợp tác xã; doanh nghiệp được quyền liên kết với tư nhân thu mua lúa và các doanh nghiệp khác để vận hành chuỗi giá trị hiệu quả; doanh nghiệp phải đảm bảo sấy toàn bộ lượng lúa thu hoạch trong vùng liên kết; doanh nghiệp có năng lực để tổ chức và giám sát quá trình sản xuất ở vùng hợp đồng liên kết.

Ngoài ra, đề án cũng đưa ra các tiêu chí về tăng trưởng xanh và tiêu chí hợp tác xã tham gia…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới