Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lên đường du xuân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lên đường du xuân

Khánh Nghi

Lên đường du xuân
Làng hoa, vườn quýt hồng ở Ðồng Tháp là một trong những điểm đến trong những ngày tết. Ảnh: Khánh Nghi

(SGTT) – Với nhiều người, tết là dịp gia đình đoàn tụ, nên ai dù có đi làm ăn xa mấy cũng thu xếp để trở về nhà trong những ngày cuối năm. Nhưng với nhiều, tết là dịp được “xả hơi” sau những ngày làm việc vất vả. Nhiều gia đình thành thị đang làm cho cái tết trở nên “dễ thở” hơn, bằng cách kết hợp giữa cách đón tết truyền thống với cách vui tết hiện đại để mọi thành viên trong gia đình đều có tết. Trong đó, xu hướng kết hợp vui tết ở nhà vài ngày rồi đi du lịch đang được nhiều người ưa thích.

Tết chung, tết riêng

Từ nhiều năm nay, cứ mùng 2 tết là gia đình chị Tạ Thị Cẩm Vinh, Giám đốc phụ trách du lịch nước ngoài của Công ty Bến Thành Tourist, lại ra nước ngoài đón xuân. Sau một năm bận bịu với công việc, chị dành những ngày cuối năm để chuẩn bị tết cho ông bà rồi cùng đại gia đình vui tết trong ngày mùng 1, từ mùng 2 cho đến sát ngày đi làm trở lại là thời điểm chị dành cho gia đình nhỏ với ba cậu con trai.

“Với cách này, chúng tôi vừa đón tết với cha mẹ, vừa có thời gian riêng cùng con nhỏ. Nhà tôi thường ra nước ngoài chơi tết bởi muốn tách hoàn toàn ra khỏi công việc, dành hết thời gian cho con”, chị Cẩm Vinh nói. Tết này, cả gia đình chị sẽ đi du lịch Ðài Loan. Ông bà đã quen với kiểu đón tết của con cháu nên cũng rất vui vẻ.

Kiểu kết hợp tết chung, tết riêng như chị Vinh là xu hướng được nhiều gia đình ở những thành phố lớn như TPHCM lựa chọn. Nhiều người muốn kết hợp ngày tết để nghỉ ngơi, du lịch nhưng vẫn giữ phong tục tết, vẫn có thời gian để chúc tết ông bà, cha mẹ, người thân và san sẻ niềm vui với những người xung quanh.

Ngày tết của gia đình bà Hoàng Thị Phong Thu, một doanh nghiệp lữ hành của TPHCM bắt đầu từ 27 tháng Chạp. Sáng đó, cả nhà đi thăm mộ ông bà rồi về nhà gói bánh chưng, vui chơi cùng con cháu. Những phong tục tết như đón giao thừa, đi hái lộc đầu năm… vẫn được gia đình gìn giữ và thực hiện một cách linh hoạt hơn để trẻ con được thoải mái với tết, còn người lớn có thời gian nghỉ ngơi và tổ chức tết cho nhân viên trong công ty của gia đình.

Bà kể, năm nào cô con gái lớn cũng mời toàn thể gia đình và bạn của hai cháu ngoại về nhà gói bánh chưng. Mọi người thay nhau gói bánh, nấu bánh và chuyện trò cả một ngày trời. Ðến khi bánh chín, cánh đàn ông còn thêm khoản khiêng bánh, ép bánh và nhâm nhi vài chén với nhau. Nồi bánh chưng rất to nhưng mỗi lần nấu xong mỗi nhà chỉ được 1 -2 cặp để đem về.

“Con rể tôi là người nước ngoài. Hai cháu ngoại học ở trường quốc tế, nơi có nhiều bạn có bố hoặc mẹ là người nước ngoài nên ngoài tết riêng của gia đình, chúng tôi tổ chức cho các cháu cùng vui để biết tết cổ truyền của Việt Nam”, bà Thu nói.

Theo bà, để có đủ thời gian cho tết, gia đình bà đã đi du lịch trước đó và sau vài ngày chung vui với nhau. “Không dễ có một dịp đặc biệt như ngày tết nên chúng tôi muốn tận hưởng và năm nào cũng phải có chuyến du lịch với nhau để thư giãn sau một năm làm việc”, bà nói.

Thị trường lớn của du lịch

Xu hướng đón tết theo kiểu mới của người dân đã giúp các công ty du lịch có thêm cơ hội kinh doanh và Tết Nguyên đán đã trở thành mùa làm ăn lớn thứ hai của các công ty du lịch, sau hè.

Ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị từ nhiều công ty du lịch tại TPHCM cho thấy, tết 2018, lượng khách đi du lịch qua tour của lữ hành tăng khoảng 10%, cao nhất lên đến 30%. Du khách khởi hành liên tục từ ngày 23 tháng Chạp đến sau tết.

Thậm chí, những ngày tưởng chừng như có ít người ra khỏi nhà như 30 tháng Chạp và mùng 1 tết thì người Việt Nam vẫn lên đường đi du lịch. Một số công ty lớn như Saigontourist, Vietravel còn thuê bao máy bay đưa khách du lịch đi Nhật Bản, Trung Quốc vào Tết Mậu Tuất.

Ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, cho biết sức mua du lịch tết tăng trưởng đều đặn mỗi năm và còn nhiều dư địa để phát triển. Tết này, các chương trình du lịch phía Bắc cũng hấp dẫn du khách từ TPHCM, đặc biệt có tour đến những điểm du lịch gần như Ðồng Tháp để ngắm làng hoa, vườn quýt hồng.

“Tết năm ngoái, chúng tôi không đầu tư nhiều cho loại tour trước tết, nay thực sự bất ngờ với sự hưởng ứng của khách hàng. Ước tính, chúng tôi có hơn 700 khách đi tour này và dự định sẽ kéo dài tour đến ra Giêng”, ông Dũng cho biết.

Ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty du lịch Viking, cũng có nhận định tương tự về sức mua và cho rằng vẫn còn có thể khai thác thị trường tốt hơn. Du lịch tết đã trở thành thói quen của nhiều người, khách lên kế hoạch cho chuyến đi sớm hơn và không ngại đi xa trong những ngày này.

“Từ giữa năm, nhiều người đã dự định kế hoạch du lịch tết và đặt hàng công ty du lịch. Ðiều này giúp chúng tôi dễ dàng chuẩn bị dịch vụ cũng như tính toán được giá tốt”, ông nói và cho biết thêm trong dịp Tết Mậu Tuất này, công ty có những đoàn đi châu Âu, Úc trong tám ngày.

Cho đến thời điểm một tuần trước tết, doanh nghiệp đã bán từ 90-95% số chỗ chuẩn bị, hiện chỉ còn một số chỗ đi Ðông Nam Á và những tour trong nước đi gần, đi bằng đường bộ. Chẳng hạn, Công ty Thế Hệ Trẻ vẫn đang bán tour Ðồng Tháp, Saigontourist và Fiditour cho biết một số tour đường bộ như tour Phan Thiết vẫn còn. Trong khi đó, Vietravel còn một số chỗ của tour Ðông Nam Á, Phan Thiết, Ðà Lạt, Phú Quốc và miền Trung.

Mời xem thêm

Lồng tết cổ truyền vào tour du lịch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới