Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lên sàn UPCoM, nhiều công ty chưa chuẩn bị

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lên sàn UPCoM, nhiều công ty chưa chuẩn bị

Thanh Thương

Có sàn giao dịch UPCoM thì việc giao dịch cổ phiếu OTC sẽ được quản lý thống nhất và sẽ kết thúc các chợ OTC tự phát như hiện nay. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Theo quy định của Ủy ban chứng khoán nhà nước về lộ trình lên giao dịch tại sàn UPCoM (sàn giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết), cho đến ngày 30-9, 186 công ty đại chúng mà sổ cổ đông do các công ty chứng khoán đang quản lý sẽ phải chọn lên sàn UPCoM hoặc sàn niêm yết. Tuy nhiên, nhiều công ty chưa chuẩn bị gì cho việc này.

>> Giao dịch trên UPCoM như thế nào?

Quy định nói trên có nêu rõ là cổ phiếu muốn được thanh toán hay chuyển nhượng thì phải qua trung tâm lưu ký, và cổ phiếu phải được giao dịch trên sàn niêm yết (HOSE – sàn chứng khoán TPHCM; HASTC – sàn chứng khoán Hà Nội) hoặc sàn UPCoM.

Trước đó, việc lên sàn niêm yết của công ty đại chúng là do sự tự nguyện của các công ty. Nay để dễ hơn trong việc quản lý, tránh rủi ro cho nhà đầu tư trước việc mua bán cổ phiếu trên thị trường tự do bên ngoài sàn giao dịch, Ủy ban chứng khoán đã quy định chặt chẽ về việc này. Như vậy, cho đến hết tháng 12 năm nay, cổ phiếu của gần 1.000 công ty đại chúng sẽ phải lên sàn, và những giao dịch cổ phiếu không thanh toán qua trung tâm lưu ký xem như không hợp lệ.

Trước mắt, 22 công ty đại chúng đã đăng ký giao dịch tại UPCoM sẽ bắt đầu khởi động từ ngày 24-6. Sau đó, 186 công ty đại chúng có sổ cổ đông do công ty chứng khoán quản lý sẽ đăng ký lên sàn này hoặc sàn niêm yết. Trong số này có những công ty đại chúng mà cổ phiếu của công ty đang được giao dịch thường xuyên trên thị trường cổ phiếu tự do, như Thép Đình Vũ, May Việt Tiến, Vinacafe, tập đoàn Mai Linh, Ngân hàng Eximbank, Ngân hàng Quân Đội, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Doanh nghiệp ngoài quốc doanh…

Tuy nhiên, một số ý kiến từ các công ty đại chúng cho rằng họ chưa chuẩn bị gì cho việc lên sàn trong thời gian tới, dù đã nghe qua những quy định này.

Theo ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến, thực sự là hội đồng quản trị công ty này chưa có kế hoạch cụ thể cho việc lên sàn. Ông Tiến cho rằng, nếu lên sàn niêm yết (sàn HOSE hoặc sàn HASTC) thì vào lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp cho Việt Tiến. Còn lên sàn UPCoM, ông Tiến nói do  Ủy ban chứng khoán nhà nước đã đưa ra quy định nên Việt Tiến chắc sẽ phải lên sàn này.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, nếu giả sử việc lên sàn UPCoM chưa có quy định thì công ty cũng chưa muốn lên sàn do chưa cảm thấy đây là nhu cầu cấp bách. Việt Tiến đang muốn ổn định sản xuất kinh doanh để trong tương lai xa hơn sẽ niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM.

Còn ông Đỗ Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty thép Đình Vũ cho biết do cổ phiếu của công ty này không đủ điều kiện lên sàn niêm yết nên để cổ phiếu của công ty có tính thanh khoản cao hơn, ông cho rằng việc lên sàn UPCoM là cần thiết. Tuy vậy, doanh nghiệp ông cũng chưa tiến hành làm thủ tục hồ sơ cho việc lên sàn UPCoM trong thời gian tới, mà đang chờ ý kiến từ phía hội đồng quản trị.

Ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Rồng Việt – đang quản lý sổ cổ đông cho Ngân hàng Eximbank và Công ty bảo hiểm Nhà Rồng – cho biết hiện nay hai doanh nghiệp này cũng chưa có kế hoạch cụ thể cho việc lên sàn UPCoM. Theo ông, do các công ty còn do dự, chần chừ trước quy định mới nên chưa thể quyết định. Nhưng ông Tuấn cho rằng khi UPCoM vận hành tốt được một thời gian thì các doanh nghiệp sẽ đăng ký nhiều.

Thực tế hiện nay, đối với việc giao dịch cổ phiếu ở thị trường tự do, chỉ một số ít công ty có cổ phiếu mà tính thanh khoản tốt, được giao dịch thường xuyên, ví dụ cổ phiếu của các ngân hàng chưa niêm yết. “Cho nên việc ra đời sàn UPCom sắp tới cũng tạo điều kiện để nhiều cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết được giao dịch thuận lợi, dễ mua dễ bán”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng việc lên sàn, dù là UPCoM hay sàn niêm yết, thì cũng là cách để doanh nghiệp tự quảng bá cho thương hiệu của mình và giúp cho cổ phiếu của họ có tính minh bạch hơn, thu hút được sự quan tâm của cổ đông nhiều hơn.

Một nhà đầu tư hiện đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty công nghệ máy tính Tiên Phong (Công ty chứng khoán Vietcombank hiện đang quản lý sổ cổ đông) cho biết anh đang rất nóng lòng chờ cổ phiếu này lên sàn, dù sàn gì cũng được, để có thể dễ dàng mua bán, chuyển nhượng. Còn như hiện nay, anh đành chịu thua vì cổ phiếu này hầu như không có nhiều giao dịch trên thị trường tự do.

Công văn số 1044/UBCK-QLPH mà Ủy ban chứng khoán nhà nước gửi các công ty đại chúng chưa niêm yết đã quy định cụ thể về  việc lộ trình đăng ký, lưu ký cổ phiếu.

Theo đó, các công ty đại chúng phải tiến hành đăng ký, lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký chứng khoán theo 3 giai đoạn:

– giai đoạn 1 là từ ngày 1 đến ngày 15-6 dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết đã đăng ký tham gia giai đoạn đầu của thị trường;

– giai đoạn 2 từ 15-6 đến 30-9 dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết có công ty chứng khoán quản lý sổ cổ đông và các công ty đại chúng tự nguyện;

– giai đoạn 3 từ 30-9 đến 31-12 gồm các công ty đại chúng còn lại.

Sau khi đăng ký, lưu ký tập trung, các công ty sẽ phải chọn một trong hai phương án lên sàn UPCoM hoặc niêm yết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới