(KTSG Online) - Sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, một bạn trẻ ra trường cách đây một năm đang làm việc tại một công ty truyền thông trở lại văn phòng vào ngày mồng tám. Sau khi cúng khai trương, giám đốc ngỏ lời tân niên và trao lì xì đầu năm cho tất cả nhân viên của mình - 100% có mặt vào ngày đầu tiên làm việc.
Bạn trẻ này cho biết ai nấy đều hoan hỉ nhận “lộc” đầu năm dù số tiền không phải là lớn. Nó có ý nghĩa động viên tinh thần mong ước một năm may mắn, hanh thông trước mắt nhiều hơn.
Lì xì cho người lao động khi họ trở lại làm việc sau Tết chẳng phải là chuyện lạ ở Việt Nam. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí món lì xì này dường như còn phổ biến hơn với giá trị lớn hơn ở nhiều doanh nghiệp. Khác với bạn trẻ nói trên lì xì có ý nghĩa tượng trưng, sau Tết năm nay, có công nhân ở doanh nghiệp nhận lì xì lên đến một triệu đồng, con số cũng đáng kể so với thu nhập hàng tháng của họ.
Số tiền này, tạm gọi là tiền thưởng trở lại làm việc, không chỉ mang lời chúc may mắn đầu năm mà còn có thể xem là một yếu tố tài chính thúc đẩy công nhân trung thành với công ty của mình.
Giữa lúc Covid-19 vẫn là mối hiểm họa hiện hữu, một tin vui cũng đến. Báo chí đưa tin ở nhiều nơi - như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương – tỷ lệ số công nhân trở lại làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp khác từ 70% đến 100% ngay từ những ngày sau Tết.
Căn cứ trên các con số thống kê này, mối lo thiếu hụt công nhân sau đợt hồi hương hàng loạt vì e sợ Covid-19 trong quí cuối năm qua phần nào đó đã được cất đi. Một trong những lý do dẫn đến tin vui này là vì nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp chăm lo cho công nhân của mình nhằm giữ chân họ. Nâng lương, thưởng trong điều kiện cho phép; công khai, minh bạch chế độ lương, thưởng; cùng các biện pháp đãi ngộ khác, như giúp đỡ thuê chỗ ở, cải thiện hoặc trợ cấp nhiều hơn bữa ăn công nhân, nằm trong số những chính sách phổ biến và hiệu quả nhất được doanh nghiệp áp dụng.
Có lẽ đại dịch Covid-19 cũng đã chỉ ra cho nhiều chủ doanh nghiệp thấy rằng ích lợi, quyền lợi của công nhân tựu trung gắn liền và đan xen với ích lợi, quyền lợi của doanh nghiệp về lâu về dài. Gần đây, người ta nói nhiều đến chuyện máy móc thay thế lao động của con người. Tuy nhiên, trước mắt, một doanh nghiệp ở Việt Nam, hay bất kỳ ở đâu, cũng vẫn phụ thuộc vào đội ngũ nhân sự làm việc cho nó, dù quy mô có thể khác. Vì thế, giải quyết các mâu thuẫn về quyền lợi, nếu có, giữa công nhân và doanh nghiệp là tối cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp.
Sau Tết Nhâm Dần, tỷ lệ lao động trở lại công ty ở mức cao ngay trong những ngày làm việc đầu tiên có thể xem là một tín hiệu tích cực cho sản xuất kinh doanh ở Việt Nam. Theo một số doanh nghiệp, tín hiệu từ các khách hàng của họ cũng rất tích cực với các đơn hàng đặt trước đến quí 2 hay quí 3 năm nay, đặc biệt là ngành dệt may.
Như vậy, thị trường đã có, hợp đồng đã ký. Điều các doanh nghiệp phải thực hiện là tổ chức sản xuất để bảo đảm tiến độ giao hàng và chất lượng sản phẩm, trong đó, làm sao duy trì được đội ngũ công nhân có tay nghề cần thiết để ổn định sản xuất là một yêu cầu hàng đầu.
Thực ra, người lao động toàn thế giới nói chung cần việc làm. Người lao động Việt Nam, nhất là lao động từ các tỉnh, càng cần hơn. Nhiều người trong số họ phải tha hương đến các thành phố lớn vì nhu cầu lao động tại chỗ không lớn. Hình ảnh dòng người trên các xe gắn máy lũ lượt, chen chúc trên các quốc lộ quay trở lại TPHCM sau Tết cũng phần nào nói lên được điều này. Việc cần người, nhưng người cũng hết sức cần việc. Vấn đề là doanh nghiệp phải đáp ứng các nhu cầu thiết yếu tối thiểu của người lao động để họ có thể an tâm làm việc lâu dài.
Trong ngữ cảnh này, doanh nghiệp thêm chi phí trong mức cho phép để chăm lo cho đội ngũ của mình, thiết nghĩ, cũng là một khoản đầu tư khôn ngoan. “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Về lĩnh vực tiêu tiền lúc nào, ở đâu, chắc chắn các doanh nhân giỏi hơn chúng ta, nên không cần phải khuyên bảo họ gì!
‘Doanh nhân’ ở ta có nhiều loại. Và họ tiêu tiền theo những cách khác nhau. Nhưng chưa chắc là “Về lĩnh vực tiêu tiền lúc nào, ở đâu, chắc chắn các doanh nhân giỏi”. Có những ‘doanh nhân’ tiêu tiền bậy và sau đó thì vô khám!