Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liên kết để tránh bị nhà bán lẻ ngoại chèn ép

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liên kết để tránh bị nhà bán lẻ ngoại chèn ép

Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Một trong những giải pháp nhằm tránh hoặc hạn chế việc các nhà bán lẻ nước ngoài chèn ép đòi chiết khấu cao dẫn đến thua thiệt là doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cần phải liên kết, chia sẻ thông tin để có hành động thống nhất cũng như tự xây dựng kênh phân phối riêng, đừng quá phụ thuộc vào một kênh bán hàng.

Liên kết để tránh bị nhà bán lẻ ngoại chèn ép
Ông Trương Phú Chiến chia sẻ ý kiến về việc đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại tại hội thảo. Ảnh: Quốc Hùng

Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo Giải pháp cho thị trường bán lẻ hàng Việt phát triển bền vững do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức hôm nay, 3-6.

Có nhiều biện pháp để đối phó với nhà bán lẻ, nhưng tại hội thảo này, các chuyên gia trong ngành bán lẻ và các doanh nghiệp cho rằng hành động của một nhóm doanh nghiệp thủy sản thuộc Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) đồng loạt lên tiếng sẽ ngưng cung cấp hàng hóa cho hệ thống siêu thị nếu quản lý chuỗi kinh doanh này tiếp tục đòi tăng chiết khấu cao không hợp lý trong thời gian gần đây đã cho thấy một cách làm tương đối hiệu quả.

Hành động của các nhà cung cấp thủy hải sản quyết tâm không "nuông chiều" theo yêu cầu của nhà phân phối đã khiến nhà bán lẻ này phải xem xét lại và đi đến quyết định ngồi lại với các nhà cung cấp để đàm phán. Và kết quả, theo một doanh nghiệp thủy sản cung cấp hàng hóa cho siêu thị, là hiện nay nhà bán lẻ đã chấp nhận không tăng mức chiết khấu trong năm 2016 này, thậm chí còn giảm chút ít.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng bên cạnh việc doanh nghiệp cần phải xem xét lại chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của mình, thì sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng hiệp hội, ngành nghề sẽ tạo thành sức mạnh để không bị nhà bán lẻ ngoại chèn ép. 

"Sau khi thực hiện liên kết đàm phán với nhà phân phối thì không những mức chiết khấu cho nhà phân phối giảm mà quan trọng hơn, người tiêu dùng trong nước cũng được tiếp cận sản phẩm với mức giá thành hợp lý nhất", ông Hưng nhận định.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food, cho rằng tổng chiết khấu của doanh nghiệp Việt Nam với hệ thống phân phối thuần Việt thường ở mức 10% trong khi ở kênh phân phối có vốn nước ngoài là 10 – 30%. Thế nhưng, các doanh nghiệp, nhà cung cấp vẫn phải xếp hàng để được đưa hàng vào kênh phân phối ngoại. Chính vì việc "xếp hàng" này cho thấy hệ thống phân phối hàng hóa của nước ta còn quá ít.

"Trong khi đó, kênh siêu thị là kênh rất quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không còn cách nào khác phải chờ xếp hàng để đưa hàng vào và như vậy thì hệ thống phân phối mới có quyền lực", bà Lâm nói.

Bên cạnh việc đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh thêm kênh bán hàng truyền thống. Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Hệ thống kênh phân phối ngoại ngày càng phát triển mạnh và họ có tiềm lực, kinh nghiệm trong đàm phán, trong khi doanh nghiệp trong nước nhỏ lại quá rời rạc. "Một doanh nghiệp nhỏ đi đàm phán với doanh nghiệp khổng lồ thì không có cơ sở nào để đàm phán nên luôn phải chấp nhận điều kiện của nhà phân phối đặt ra", bà Lâm nói và cho rằng việc mạnh ai nấy làm, không có thông tin, thiếu liên kết, dẫn đến cuối cùng là doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp thua thiệt. Và đây là điểm yếu cốt lõi lâu nay của doanh nghiệp trong nước.

Bà Lâm đề xuất các hiệp hội, ngành nghề cần hợp lực, liên kết với nhau mà hành động, đừng để nhà phân phối lấy doanh nghiệp này đối chiếu doanh nghiệp kia nhằm đòi tăng chiết khấu và các chi phí bất hợp lý khác. 

Một vướng mắc khác khiến cho việc phụ thuộc vào kênh phân phối hiện nay, theo bà Lâm, là do cách làm của doanh nghiệp khiến cho mặt bằng chiết khấu bị đẩy lên cao. Đó là thay vì làm marketing thì nhà sản xuất lại đổ vào chiết khấu cho kênh siêu thị như là hình thức để quảng bá thương hiệu.

Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Bibica, cho rằng việc đưa hàng hóa vào kênh phân phối hiện đại hiện nay chỉ mang tính làm thương hiệu, đáp ứng đa dạng nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng chứ thực chất không mang lại lợi nhuận, thậm chí còn thua lỗ vì nhà bán lẻ đòi chiết khấu cao cùng nhiều chi phí khác. Theo ông Chiến, bên cạnh việc đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại, nhà sản xuất cần phải xây dựng và phát triển kênh phân phối truyền thống, vì đây vẫn là kênh bán hàng chiếm đa số hiện nay. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp bớt phụ thuộc vào kênh phân phối hiện đại khi họ có những yêu cầu không hợp lý.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op và hiện là Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cũng cho rằng doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng và mở rộng kênh bán hàng truyền thống, không quá lệ thuộc vào một kênh phân phối. Theo ông Hòa, hiện nay kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 25% thị trường bán lẻ và dự kiến đến năm 2020 chỉ chiếm khoảng 40%. Do đó, kênh bán lẻ truyền thống hiện đang chiếm tỷ trọng lớn, và doanh nghiệp, nhà sản xuất cần xây dựng và phát triển kênh này để mở rộng thị trường.

Mời đọc thêm:

>>> Nhà sản xuất trong nước lo ngại nhà bán lẻ ngoại

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới