Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp: chỉ như cưỡi ngựa xem hoa

TS. Võ Duy Nghi (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Liên kết, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng, giữa nghiên cứu và ứng dụng. Trong nền kinh tế thị trường, trường đại học được xem như là một doanh nghiệp, “sản phẩm” là sinh viên phải được thị trường lao động chấp nhận chứ trường đại học không thể đào tạo theo những gì mình có…

Sinh viên tìm việc tại một hội chợ việc làm tổ chức ở TPHCM. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, mối quan hệ liên kết, hợp tác này vô cùng lỏng lẻo. Hệ quả là sinh viên được đào tạo ra không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng không hưởng được lợi ích gì nhiều từ những nghiên cứu của trường đại học.

Mang nặng tính hình thức, gây lãng phí nguồn lực

Một thực trạng có thể nhận thấy là sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp chỉ mang tính hình thức, đến hẹn lại lên. Hàng năm các trường đại học tổ chức các cuộc hội thảo rầm rộ, mời một số doanh nghiệp có tên tuổi tham gia với mục đích chủ yếu là quảng bá về nhà trường để thu hút sinh viên theo học. Doanh nghiệp cũng muốn thông qua các cuộc hội thảo, hội chợ việc làm để giới thiệu, quảng bá công ty. Còn trong thực tế, các cam kết, thỏa thuận chủ yếu là nằm trên giấy. Một số doanh nghiệp chỉ tuyển một số ít sinh viên xuất sắc hoặc thu xếp cho sinh viên thực tập là chính.

Kinh nghiệm từ các nước có nền giáo dục tiên tiến cho thấy các chương trình đào tạo của các trường đại học thường xuyên được thay đổi, cập nhật cho phù hợp với nhu cầu của xã hội. Doanh nghiệp chính là nơi cung cấp nguồn thông tin đáng tin cậy để các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo của mình. Trong khi đó, không ít trường đại học ở Việt Nam thiếu hợp tác với doanh nghiệp, dẫn đến các chương trình đào tạo thường xa rời thực tiễn. Vì vậy sinh viên ra trường không thể bắt tay vào công việc được ngay mà phải mất vài năm để quen việc và đào tạo lại, gây ra lãng phí nguồn lực xã hội vô cùng lớn.

Một vấn đề mà các trường đại học, đặc biệt các trường đại học công lập, còn xem nhẹ đó là việc sử dụng đội ngũ giảng viên, cố vấn (mentor) là những lãnh đạo doanh nghiệp.

Một số đề tài nghiên cứu của các trường đại học thường mang tính học thuật, xa rời thực tiễn, không thể thương mại hóa được. Rất nhiều đề tài của các trường đại học đến từ đơn đặt hàng của cơ quan quản lý nhà nước, theo kế hoạch được giao, làm xong cất vào ngăn kéo, rất lãng phí.

Trong khi các doanh nghiệp rất cần các trường đại học, các viện nghiên cứu hỗ trợ cho họ những giải pháp kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng suất lao động, cải tiến hệ thống quản lý, tái cấu trúc doanh nghiệp… thì các trường đại học lại ít quan tâm hoặc không đủ khả năng để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay chỉ có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn mới có bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ nguồn nhân lực và tài chính để tự nghiên cứu. Các trường đại học đáng ra phải là bà đỡ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này.

Một trong những rào cản lớn nhất tác động đến sự liên kết, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là vấn đề tài chính. Các doanh nghiệp muốn đặt hàng các trường đại học những vấn đề doanh nghiệp quan tâm thì cần có nguồn lực tài chính để tài trợ hoặc thuê trường đại học nghiên cứu. Tuy nhiên, đây cũng chính là nghịch lý vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có bộ phận R&D thì cũng sẽ không có nguồn lực tài chính để hợp tác với các trường đại học.

Cần đi sâu vào thực chất, hướng đến lợi ích chung

Để liên kết, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp hiệu quả, cần chú ý đi sâu vào thực chất trong hai lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Đó là mối quan hệ dựa trên lợi ích chung, hai bên cùng có lợi thay vì mỗi bên theo đuổi mục tiêu riêng của mình, phục vụ mục tiêu quảng bá thương hiệu đơn lẻ.

Trước hết các trường đại học cần cụ thể hóa các chương trình hợp tác bằng các hợp đồng kinh tế thay vì các biên bản ghi nhớ (MOU), biên bản làm việc (MOM) như lâu nay vẫn làm. Thực ra các biên bản ghi nhớ, biên bản làm việc chỉ là những định hướng, không có những ràng buộc cụ thể. Doanh nghiệp và nhà trường sau khi ký biên bản ghi nhớ, biên bản làm việc cần cụ thể hóa bằng hợp đồng kinh tế cụ thể về đào tạo, nghiên cứu theo nhu cầu và khả năng của hai bên để sự liên kết, hợp tác mang tính ràng buộc pháp lý cao hơn.

Để hợp tác hiệu quả, các đề tài nghiên cứu của trường đại học phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, có sự tham gia của doanh nghiệp để sản phẩm nghiên cứu có thể thương mại hóa hoặc áp dụng được ngay.

Nhà trường cần hợp tác với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội. Chính doanh nghiệp chứ không ai khác mới tư vấn cho trường đại học biết được nhu cầu nguồn nhân lực của mình để sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay, không mất nhiều thời gian để đào tạo và đào tạo lại, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Như đã nói ở trên, sự hợp tác cũng phải ràng buộc bằng những hợp đồng kinh tế cụ thể, chứ không phải gửi các bảng câu hỏi khảo sát, thăm dò ý kiến doanh nghiệp như cách các trường hiện nay vẫn làm khi xây dựng chương trình đào tạo mới.

Một vấn đề mà các trường đại học, đặc biệt các trường đại học công lập, còn xem nhẹ đó là việc sử dụng đội ngũ giảng viên, cố vấn (mentor) là những lãnh đạo doanh nghiệp. Chính những giảng viên, cố vấn xuất thân từ lãnh đạo doanh nghiệp là những người có kinh nghiệm, vốn sống, là những chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực mình đang kinh doanh sẽ giúp cho sinh viên định hướng nghề nghiệp, có thêm kỹ năng thực chiến, biến những kiến thức hàn lâm thành dễ hiểu, dễ vận dụng sau khi ra trường.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, để hợp tác hiệu quả, các đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, có sự tham gia của doanh nghiệp để sản phẩm nghiên cứu có thể thương mại hóa hoặc áp dụng được ngay.

Về mặt quản lý nhà nước, để thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, thiết nghĩ Chính phủ nên xây dựng một nguồn quỹ hỗ trợ cho trường đại học và doanh nghiệp có tham gia liên kết thông qua các dự án được duyệt để trường đại học và doanh nghiệp có nguồn lực tài chính triển khai dự án. Xét cho cùng nếu trường đại học và doanh nghiệp liên kết thành công, hiệu quả, thì sẽ giảm được lãng phí nguồn lực xã hội do các đề tài nghiên cứu vô thưởng vô phạt gây ra hoặc giảm được chi phí đào tạo lại nguồn nhân lực do không đáp ứng được nhu cầu xã hội.

(*) Viện Quản trị và Công nghệ FSB – trường Đại học FPT

1 BÌNH LUẬN

  1. Rất đồng ý với tác giả bài viết. Lâu nay các trường đại học chỉ làm hình thức, chủ yếu quảng bá thương hiệu và liên hệ cho sinh viên thực tập là chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới