Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Liên kết ngành lúa gạo: Nông dân gia công cho doanh nghiệp có được hay không?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Doanh nghiệp và nông dân là hai chủ thể chính trong mối liên kết sản xuất ngành hàng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng do những bất đồng về lợi ích khiến sự gắn kết liên tục bị phá vỡ. Tuy nhiên, trong ngành sản xuất cá tra, doanh nghiệp và nông dân lại có mối hợp tác khá bền vững. Vậy, ngành lúa gạo học theo cách làm của ngành cá tra có được không?

Liên kết sản xuất ngành nông nghiệp vẫn liên tục bị phá vỡ. Ảnh: Trung Chánh

Lợi ích của doanh nghiệp và nông dân không hài hòa

Kể câu chuyện với KTSG Online về mối liên kết sản lúa gạo, ông Nguyễn Văn Lành, ngụ xã Tân Hoà, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết, cách đây khoảng 5 năm, ông và nông dân ở địa phương có hợp đồng liên kết với một doanh nghiệp để thực hiện mô hình cánh đồng lớn, nhưng kết quả chỉ triển khai được một vụ duy nhất rồi “đường ai nấy đi”.

Theo ông, thoả thuận được đưa ra là trước thời điểm lúa thu hoạch sẽ “ấn định” giá mua bán dựa trên mức giá bình quân của thị trường (xác định ở một vài nơi). “Thế nhưng, giá doanh nghiệp đưa ra thấp hơn thương lái bên ngoài đang thu mua, cho nên, hai bên không tìm được "tiếng nói chung"”, ông cho biết và thông tin, vụ hợp tác năm đó nông dân vẫn giao lúa cho doanh nghiệp, nhưng sau đó hai bên đã ngưng triển khai.

Hoặc cũng có hình thức liên kết khác theo kiểu doanh nghiệp ký giá cố định (giá chết) với nông dân. Thế nhưng, đến thời điểm lúa thu hoạch đúng lúc giá thị trường tăng cao, vượt giá doanh nghiệp ký kết, thì nông dân “bẻ kèo” bán ra bên ngoài hoặc có lúc giá thị trường xuống thấp (dưới giá doanh nghiệp ký kết), thì doanh nghiệp lại cố tình kéo dài thời gian thu hoạch lúa cho nông dân.

Kết quả của những kiểu hợp tác như nêu trên đã thất bại và điều này cho thấy lợi ích của hai chủ thể chính trong mối liên kết là đối kháng nhau, tức doanh nghiệp muốn thu được lợi ích cao nhất, trong khi nông dân cũng muốn bán lúa được giá hơn…

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc hợp tác xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, nông dân cũng có lúc “lên xuống” (thay đổi hoặc phá vỡ hợp đồng - PV), nhưng doanh nghiệp là “đầu tàu” mà chỉ xem lợi ích của họ là chính nên cũng không bền vững. “Doanh nghiệp thường thực hiện là nhằm: thứ nhất, hưởng chính sách, thứ hai là lợi nhuận của họ. Do đó, thời gian qua, hợp tác xã đã làm với rất nhiều đơn vị, nhưng doanh nghiệp lại không chia sẻ”, ông cho biết.

Thực tế, trong đề cương nhiệm vụ xây dựng đề án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, chỉ có 12,1% tổng sản lượng lúa của nông dân vùng ĐBSCL được doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thu mua trực tiếp. Đây là một con số rất khiêm tốn, đã phần nào phản ánh đúng thực trạng về mối liên kết.

Sản xuất lúa gia công cho doanh nghiệp?

Trong khi mối liên kết của ngành hàng lúa gạo diễn ra “ì ạch”, thì có khoảng 80% diện tích sản xuất cá tra ở ĐBSCL được liên kết với doanh nghiệp và nhiều năm qua vẫn diễn ra khá bền vững. Vậy hướng đi của ngành hàng này ra sao?

Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Tuấn Nhiêu, một hộ nuôi cá tra quy mô lớn ở tỉnh Vĩnh Long và huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết, đối với hình thức nuôi gia công, công ty chế biến thuỷ sản sẽ đầu tư thức ăn cho hộ nuôi với tỷ lệ cung cấp 1,5-1,52 kg thức ăn sẽ nhận lại 1 kg cá. “Trong khi đó, hộ nuôi sẽ chịu phần ao nuôi, chi phí con giống, thuốc thú y, điện nước, nhân công…”, ông cho biết.

Theo ông Nhiêu, với hình thức nuôi như nêu trên, lợi nhuận doanh nghiệp chế biến thuỷ sản cho người nuôi được hưởng khoảng 2.000-2.500 đồng/kg cá nguyên liệu được sản xuất ra. “Nếu nông dân nuôi đạt, tức tỷ lệ sử dụng thức ăn để sản xuất ra 1 kg cá nguyên liệu thấp hơn so với định mức doanh nghiệp thuỷ sản quy định (1,5-1,52) hoặc với định mức thức ăn quy định mà nông dân nuôi được nhiều hơn (đầu tấn cao hơn- PV), thì được hưởng thêm”, ông nói.

Từ thành công của ngành hàng cá tra theo hướng đi như trên, câu hỏi được đặt ra, đó là áp dụng hình thức sản xuất gia công cho doanh nghiệp đối với ngành hàng lúa gạo có được không?

Ông Đời của Hợp tác xã Bình Thành cho rằng, rất khó cho ngành hàng lúa gạo khi áp dụng như hình thức của ngành hàng cá tra. Bởi, cá tra diện tích nhỏ, số hộ tham gia ít nên rất dễ tìm “tiếng nói chung”, trong khi lúa gạo diện tích và số lượng người tham gia rất lớn. “Chỗ tôi có 1.200 héc ta, nhưng có đến hơn 1.800 hộ tham gia”, ông dẫn chứng.

Ông Đời đề xuất hướng triển khai với ngành hàng lúa gạo, đó là doanh nghiệp thuê đất của nông dân rồi giao lại cho hợp tác xã triển khai sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò cung cấp vật tư đầu vào và thu lại một lượng sản phẩm nhất định.

“Ví dụ, doanh nghiệp giao cho hợp tác xã 100 triệu đồng chi phí vật tư đầu vào với điều kiện hợp tác xã phải giao lại cho doanh nghiệp 10 tấn lúa”, ông dẫn chứng và cho rằng, trường hợp nông dân sản xuất vượt sản lượng lúa định mức giao cho doanh nghiệp, thì giá bán sẽ được thoả thuận.

Theo ông Đời, cụ thể về định mức đầu tư cũng như sản phẩm doanh nghiệp được nhận lại là bao nhiêu, thì cần phải có sự nghiên cứu của đơn vị chức năng để có được con số hài hoà lợi ích giữa các bên.

Trả lời câu hỏi của KTSG Online về khả năng đưa mô hình của ngành hàng cá tra áp dụng vào ngành lúa gạo, một vị chuyên gia ở ĐBSCL cho rằng, sẽ không thành công vì đặc điểm của ngành hàng cá tra có diện tích ít (chỉ khoảng 5.000 héc ta nuôi thương phẩm) với mức độ tập trung rất cao, tỷ suất lợi nhuận trên diện tích lớn và giữa doanh nghiệp với nông dân không có trung gian nên hai bên dễ nhìn thấy lợi ích của nhau, sẵn sàng cộng sinh để tồn tại và phát triển.

Trong khi đó, ngành lúa gạo có mức độ phân mảnh rất cao, số hộ tham gia lớn trong khi lợi ích đối kháng, tỷ suất lợi nhuận trên diện thấp nên sẽ không thể triển khai áp dụng được như ngành hàng cá tra. “Cá tra một cái hầm như vậy có khi lời 10-20 tỉ đồng, lỗ thì làm lại được vì tỷ suất lợi nhuận trên diện tích rất cao, trong khi lúa lợi nhuận rất thấp, rủi ro thường trực nên sẽ rất khó”, vị này cho biết.

1 BÌNH LUẬN

  1. Hợp tác khâu cung ứng đầu vào với khâu sản xuất của người nông dân với khâu chế biến và phân phối, sau đó phân chia lợi nhuận thông qua góp vốn, bao gồm cả đất và tài sản trên đất sẽ bền vững hơn, thay vì làm gia công là một hình thức mua đứt bán đoạn mà đặc điểm SX nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro vế thời tiết ngay chính khâu của nông dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới