Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong xúc tiến thương mại và xuất khẩu là giải pháp quan trọng để quy tụ và tối ưu nguồn lực các địa phương, thúc đẩy vùng phát triển xứng tầm và bền vững cho khu vực này.
Đó là ý kiến được Bộ Công thương nêu ra tại hội nghị “Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL” diễn ra vào hôm nay, 6-9, ở thành phố Cần Thơ. Sự kiện được thực hiện với sự phối hợp của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, Sở Công thương thành phố Cần Thơ và Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương).
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, ĐBSCL đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước. “Đây là vùng quan trọng đối với Nam bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới”, bà nhấn mạnh.
Chất lượng tăng trưởng của vùng được nâng lên khi tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng trong những năm gần đây; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm của ĐBSCL đạt 6,12%.
Xuất, nhập khẩu hàng hoá của ĐBSCL nửa đầu năm 2024 đạt xấp xỉ 19,5 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, xuất khẩu 13,1 tỉ đô la Mỹ và nhập khẩu 6,48 tỉ đô la Mỹ, giúp vùng đạt mức xuất siêu khoảng 6,6 tỉ đô la Mỹ trong nửa đầu năm nay.
Theo đánh giá của bà Thắng, quy mô kinh tế ĐBSCL hiện chiếm trên 12% cả nước nhưng tăng trưởng của một số địa phương trong vùng còn chậm, dịch chuyển cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu; hoạt động liên kết còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu; một số thoả thuận liên kết còn mang tính hình thức…
Từ vấn đề nêu trên, để vùng ĐBSCL phát triển xứng tầm, giải pháp quan trọng cần triển khai, đó là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất khẩu nhằm tối ưu nguồn lực các địa phương trong phục vụ phát triển.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, Cần Thơ và ĐBSCL dù đạt được một số kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có.
Một trong những nguyên nhân là lĩnh vực logistics chưa phát triển, tạo điểm nghẽn, hạn chế năng lực cạnh tranh và cơ hội đưa sản phẩm của vùng đến với người tiêu dùng. “Để phát triển nhanh và bền vững, ĐBSCL cần phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Hiện nhấn mạnh.
Ông cho rằng, hội nghị là cơ hội để thảo luận về một số nhóm nội dung thúc đẩy phát triển ĐBSCL bao gồm, tăng cường năng lực liên kết hoạt động xúc tiến và phát triển xuất khẩu; xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển thương mại vùng; liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng cho các nhóm sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng…