Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liên minh OPEC+ bế tắc về kế hoạch tăng sản lượng dầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liên minh OPEC+ bế tắc về kế hoạch tăng sản lượng dầu

Khánh Lan

(KTSG Online) – Tại cuộc họp trong tuần qua, liên minh OPEC+, bao gồm các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh ngoài OPEC do Nga dẫn đầu, không thể đạt được thỏa thuận tăng sản lượng dầu để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh từ các cường quốc công nghiệp đang tái mở cửa nền kinh tế của họ.

Giữa lúc giá dầu đang ở mức cao nhất trong gần 3 năm qua, khiến áp lực lạm phát đang dâng cao trên toàn cầu, OPEC+ sẽ tiếp tục thương thảo kế hoạch này vào hôm 5-7.

Liên minh OPEC+ bế tắc về kế hoạch tăng sản lượng dầu
OPEC+ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để tăng sản lượng dầu. Ảnh: Reuters

UAE phản đối các đề xuất của OPEC+

Hôm 2-7, các đại diện của OPEC+ đã họp trực tuyến để bàn về kế hoạch tăng sản lượng dầu nhưng không thể đi đến quyết định cuối cùng trước những tín hiệu trái ngược về nhu cầu dầu trong ngắn hạn và dài hạn. Nhu cầu dầu ở thế giới phát triển, vốn trì trệ trong nhiều năm, đang tăng trưởng mạnh mẽ khi khu vực này nhanh chóng thoát ra các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19.

Trong khi đó, thế giới đang phát triển, nguồn tăng trưởng của phần lớn nhu cầu mới trong những năm qua, vẫn đang xoay xở ứng phó với các cơn bùng phát dịch bệnh Covid-19. Tại cuộc họp hôm 2-7, hầu hết đại diện của OPEC+ nhất trí thỏa thuận tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến đến tháng 12.

Vào cao trào của cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 hồi đầu năm ngoái, liên minh OPEC+ đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày. Nhưng cho đến nay, OPEC+ chỉ mới khôi phục 4 triệu thùng/ngày trong mức sản lượng bị cắt giảm đó. Nếu tăng dần sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/tháng trong 4 tháng cuối năm, mức khôi phục cũng mới chỉ đạt 5,6 triệu thùng/ngày.

Trong cuộc họp hôm 2-7, OPEC+ cũng đề xuất duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng còn lại (4,1 triệu thùng/ngày) đến hết năm 2022. Tuy nhiên, UAE phản đối các đề xuất nói trên.

Trao đổi với hãng tin CNBC hôm 4-7, Bộ trưởng Năng lượng và Hạ tầng UAE, Suhail Al Mazrouei nói rằng ông ủng hộ OPEC+ tăng sản lượng dầu nhưng đó phải là một thỏa thuận với các điều khoản công bằng hơn với UAE. Ông ám chỉ đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ hồi năm ngoái dựa vào mức sản lượng cơ sở của mỗi nước vào năm 2018, lúc mà sản lượng dầu của UAE còn thấp hơn so với hiện nay. Nếu tăng sản lượng trở lại dựa trên mức cơ sở của năm 2018, UAE sẽ thiệt thòi.

Anas Alhajji, đối tác quản lý của Công ty tư vấn Energy Outlook Advisors, cho biết: “Sản lượng dầu của UAE vào tháng 10-2018 là 3,16 triệu thùng/ngày nhưng đã tăng lên mức 3,84 triệu thùng/ngày vào tháng 4-2020. Nếu thay đổi thời điểm tính sản lượng cơ sở, UAE có thể ngay lập tức tăng sản lượng mạnh mẽ”

UAE đã chi hàng tỉ đô la để đầu tư cho công suất khai thác dầu trong những năm qua. Khi Iran tìm cách quay trở lại thị trường dầu trong những tháng tới, UAE có lý do để yêu cầu OPEC+ xem xét lại thời điểm tính sản lượng cơ sở.

Sẽ thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận?

OPEC+ sẽ tiếp tục họp vào ngày 5-7 để thương thảo thỏa thuận tăng sản lượng. Nếu tình thế bế tắc vẫn không được giải quyết, đà hồi phục của thị trường dầu sẽ gặp rủi ro và OPEC thậm chí đứng trước nguy cơ tan rã.

Hiện tại, cơn khát dầu từ các nước giàu là động lực chính cho nhu cầu dầu trong ngắn hạn. OPEC dự báo nhu cầu dầu ở các nước công nghiệp sẽ tăng thêm 2,7 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Hơn một nửa mức tăng, khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, sẽ đến từ Mỹ.

Năm ngoái, UAE từng đe dọa rút khỏi OPEC và một quyết định như vậy gần như chắc chắn sẽ kích hoạt một cuộc chiến giá dầu giữa các nước thành viên của OPEC, giống như đã xảy ra hồi năm ngoái, khiến giá dầu Tây Texas rơi thẳng đứng xuống mức 40 đô la/thùng.

Các nhà phân tích ở Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group cho rằng OPEC+ vẫn có khả năng tìm kiếm sự thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận.
“Trong khi khả năng UAE rút khỏi OPEC+ không thể loại trừ, một quyết định như vậy là đáng ngạc nhiên vì nó sẽ gây tổn hại mối quan hệ giữa UAE và Saudi Arabia cùng khả năng xây dựng các mối quan hệ đồng minh của nước này trong dài hạn. Vậy nên, thỏa hiệp dường như sẽ là kết quả có khả năng xảy ra nhất”, các nhà phân tích của Eurasia Group nhận định.

Giá dầu hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2018. Đóng cửa phiên giao dịch hôm 2-7, giá dầu Brent ở thị trường London, tăng 0,4%, lên mức 76 đô la/thùng, trong khi đó, giá dầu Tây Texas ở thị trường New York gần như đứng yên ở mức 75,2 đô la/thùng.

Tốc độ tiêm vaccine Covid-19 tăng tốc ở Mỹ và châu Âu đã giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế, kéo tăng nhu cầu dầu. Trong khi đó, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang tàn phá kinh tế ở Ấn Độ, vốn là một điểm tựa quan trọng cho tăng trưởng nhu cầu trong những thời kỳ bình thường.

Nền kinh tế Trung Quốc  đang chứng kiến các dấu hiệu suy yếu khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu giữa lúc các cơn bùng phát dịch Covid-19 xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông. Hoạt động sản xuất của nước này cũng bị kìm hãm vì vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Theo WSJ, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới