(KTSG Online) - Hai ngành du lịch, hàng không vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng muốn phát triển hiệu quả thì các bên phải có cơ chế liên kết, các chương trình hợp tác ngắn - dài hạn trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm. Các bên cần có chiến thuật hợp lý và “phối hợp ăn ý” để cùng nhau phục hồi.
Gian nan hành trình phục hồi
Việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu, biến động tỷ giá, chi phí nhiên liệu gia tăng những tháng gần đây khiến các hãng hàng không phải giảm năng lực cung ứng. Điều này kiến giá vé máy bay bình quân tăng khoảng 20%, kéo theo giá tour cũng tăng 10% so cùng kỳ năm trước, tạo tác động bất lợi đến thị trường du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel và Vietravel Airlines cho biết ngành hàng không vướng phải áp lực lớn về tải trọng cũng như chất lượng dịch vụ do các sản phẩm du lịch chủ yếu được thiết kế theo trục Bắc – Nam, khiến các tuyến bay giữa hai đầu trở nên quá tải.
Điều này làm hiệu quả kinh doanh của hãng bay bị ảnh hưởng khi tất cả đều phải tập trung vào một số tuyến bay chính, khiến chi phí tăng cao. Còn doanh thu từ các tuyến bay khác không đủ để bù đắp, ảnh hưởng đến lợi nhuận chung của doanh nghiệp.
Để tháo gỡ một phần khó khăn, Vietravel Airlines, Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã tăng tần suất khai thác tàu bay để bổ sung thêm chuyến nội địa vào buổi đêm và sáng sớm. Giá vé đêm cũng thấp hơn khoảng 20-40% so với các chuyến bay ban ngày vào dịp cao điểm hè.
Tuy nhiên, giải pháp này chưa hiệu quả. Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết hãng đã hủy 10% số chuyến bay đêm trong tháng 5 vì không có khách. Lý do khiến khách hàng chưa sẵn sàng bay đêm là việc có thể mất thêm một đêm lưu trú khi chính sách nhận/trả phòng của các khách sạn chưa linh hoạt. Đồng thời, các phương tiện công cộng khác phục vụ nhu cầu di chuyển ban đêm chưa thuận lợi.
Bên cạnh giá vé máy bay cao, đại diện Vietnam Airlines đánh giá việc hợp tác hàng không – du lịch chưa hiệu quả là một yếu tố khiến doanh nghiệp thuộc hai ngành gặp khó khăn.
Cụ thể, đơn vị này đã triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch - thương mại như tài trợ Năm du lịch quốc gia - Điện Biên, Festival Huế, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng… Nhưng việc hợp tác còn hạn chế và đa phần mang tính sự vụ, do chưa có cơ chế hợp tác ở quy mô quốc gia, để điều phối hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp trong hai ngành.
Các chương trình hợp tác giữa Vietnam Airlines với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia, công ty du lịch nằm tổ chức các chương trình quảng bá điểm đến Việt Nam cũng chưa được triển khai theo một kế hoạch tổng thể của quốc gia, còn mang tính tự phát.
Về phía ngành du lịch, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho biết việc phối hợp triển khai chương trình khuyến mãi chung giữa hãng hàng không, công ty lữ hành, đơn vị cung cấp dịch vụ, chính quyền địa phương tại một điểm đến từng được triển khai Covid-19 và rất thành công giai đoạn đầu. Nhưng ngay sau khi thị trường có dấu hiệu phục hồi là chấm dứt do thiếu lộ trình điều chỉnh từng bước mang tính dài hạn.
Ngoài ra, giữa các doanh nghiệp trong ngành luôn luôn cạnh tranh gay gắt với nhau, nên việc ngồi lại để thống nhất một vấn đề rất khó.
“Nhiều liên kết phát triển du lịch đã bị phá vỡ bởi sự xung đột quyền lợi trong nội bộ một bên, bởi sự xuất hiện của bên thứ ba. Nhiều chương trình không triển khai ngay từ đầu bởi lo ngại nguy cơ một số doanh nghiệp khác trong ngành không tham gia nhưng có thể hưởng lợi”, ông Hoan nói tại một hội thảo về hàng không – du lịch tổ chức tuần qua.
Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ thừa nhận chất lượng dịch vụ lưu trú và ăn uống chưa đồng đều giữa các vùng miền, địa điểm tham quan và các địa phương, trong khi giá dịch vụ cao cũng làm du khách không dám chi tiêu mạnh tay.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một vấn đề mang tính vòng lặp là giá vé máy bay nội địa cao, dẫn đến các điểm du lịch phải hạ giá dịch vụ, khiến chất lượng giảm sút, làm giảm sự hài lòng của khách du lịch. Kết quả, nhu cầu đi du lịch trong nước giảm, số lượng chuyến bay giảm theo và cuối cùng là giá vé máy bay nội địa lại tiếp tục tăng cao.
Gỡ thế khó cho các bên
Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, là mang lại doanh thu cho hãng hàng không, đơn vị lữ hành và doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ liên quan. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng mối liên kết chặt chẽ giữa địa phương, du lịch và hàng không chính là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Saigontourist cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng Vietnam Airlines nghiên cứu, xây dựng sản phẩm chuyến bay khởi hành sau 21h hàng ngày đến các điểm đến du lịch trong nước với mức giá vé máy bay giảm hơn 50% và miễn phí đêm khách sạn đầu tiên trong chương trình tour.
Bản thân Vietnam Airlines mới đây cũng hợp tác với Đà Nẵng và Khánh Hoà để phát động chương trình kích cầu du lịch từ nay đến cuối năm, hướng tới khách du lịch nội địa ngay. Trong đó, hãng hàng không sẽ triển khai thêm các chuyến bay vào sáng sớm và tối muộn với giá vé thấp hơn 30% so với thông thường.
Để các nỗ lực kết nối này phát huy hiệu quả trong ngắn hạn, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đề xuất các doanh nghiệp lưu trú áp dụng đa dạng về khung giờ nhận/trả phòng để khuyến khích du khách bay đi/về vào các khung giờ không cao điểm trên các đường bay nội địa. Từ đó, có thể tận dụng được giá vé rẻ của hãng hàng không.
“Các tập đoàn khách sạn lớn với khả năng sẵn có về công nghệ, kết hợp với việc quản lý khách hàng thân thiết có thể triển khai các mô hình nhận và trả phòng linh hoạt cho khách có chuyến bay đến trễ hoặc sớm, khách hàng thân thiết. Hoặc các đơn vị áp dụng phương thức nhận, trả phòng linh hoạt cho khách đặt chỗ trực tiếp theo nguyên tắc khách hàng được ở 24 giờ”, ông Chính khuyến nghị.
Cũng theo vị này, giai đoạn đầu nên thí điểm tại các tập đoàn khách sạn lớn như Accor, Hyatt, Hilton, InterContinental, Vin Group, TMG, Mường Thanh. Sau đó sẽ triển khai rộng rãi hơn, để doanh nghiệp du lịch và hàng không phối hợp đưa ra những gói dịch vụ trọn gói, gồm vé máy bay và lưu trú. Trong đó, có những phiếu giảm giá của các doanh nghiệp hàng không và khách sạn tham gia chương trình.
Về phía các hãng hàng không, có thể bỏ phí mua vé máy bay khi khách thanh toán, qua đó giảm tổng số tiền vé mà khách hàng phải trả để khuyến khích khách quyết định mua vé máy bay. Ngoài ra, các hãng hàng không cần có cam kết với công ty du lịch để ổn định về giá cả và chất lượng.
Về dài hạn, dể sự phối hợp giữa các bên đạt mục tiêu hài hòa lợi ích, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng Cục Du lịch cần giữ vai trò “nhạc trưởng”, triển khai các chiến dịch quảng bá, xúc tiến với sự tham gia của các hãng hàng không, địa phương và các doanh nghiệp lữ hành, du lịch lớn.
Với vai trò là cầu nối, Vietravel sẽ triển khai các chương du lịch trọn gói, gồm dịch vụ lữ hành, vé máy bay, khách sạn, visa… nhằm mang đến trải nghiệm liền mạch và tối ưu chi phí cho du khách. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch địa phương cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ.