Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Liệu các hãng dược có lãi đậm nhờ bán vaccine Covid-19?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liệu các hãng dược có lãi đậm nhờ bán vaccine Covid-19?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Lợi nhuận thu được từ vaccine ngừa Covid-19 của một số hãng dược có thể không quá cao vì họ cần xây dựng danh tiếng và thương hiệu, thay vì hủy hoại hình ảnh nếu bán vaccine với giá cao nhất có thể để tối đa hóa lợi nhuận trong tình cảnh dịch bệnh gây chết chóc khắp nơi trên thế giới.

Liệu các hãng dược có lãi đậm nhờ bán vaccine Covid-19?
Sandra Lindsay, y tá ở Trung tâm y tế Do Thái Long Island ở New York, trở thành người đầu tiên ở Mỹ được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech vào hôm 14-12. Ảnh: AP

Chỉ 10 tháng sau khi dịch bệnh lan rộng toàn cầu, vaccine Covid-19 đã được triển khai tiêm chủng ở Anh, Mỹ và Canada. Các công ty đang dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine là những hãng dược danh tiếng. Giới phân tích dự báo doanh thu bán vaccine Covid-19 của hãng dược Pfizer và hãng công nghệ sinh học Moderna của Mỹ sẽ đạt tổng cộng 32 tỉ đô la trong năm 2021.

Các nhà phân tích ở Ngân hàng Morgan Stanley nhận định Pfizer sẽ thu về 19 tỉ đô la nhờ bán vaccine Covid-19 vào năm sau. Tuy nhiên, Pfizer sẽ chia sẻ mức doanh thu này với hãng công nghệ sinh học BioNTech (Đức), công ty hợp tác với Pfizer để phát triển vaccine Covid-19. Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo doanh thu bán vaccine Covid-19 của Moderna sẽ đạt 13,2 tỉ đô la vào năm 2021.

Các chính phủ tài trợ phần lớn chi phí phát triển vaccine

Vì các vaccine Covid-19 dẫn đầu hiện nay đều được phát triển nhờ tiền hỗ trợ của các chính phủ và số công ty tham gia cuộc đua phát triển vaccine khá lớn nên bất kỳ cơ hội kiếm lợi nhuận lớn nào chỉ có thể diễn ra trong thời gian ngắn.

Tổng cộng, các chính phủ đã hỗ trợ 6,5 tỉ bảng (8,65 tỉ đô la) cho các công ty phát triển vaccine ở phương Tây, theo dữ liệu từ Công ty Airfinity. Các tổ chức phi chính phủ khác cũng đóng góp gần 1,5 tỉ bảng cho các nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine của họ.

Các hãng dược và công nghệ sinh học ở phương Tây chỉ  tự chi 2,6 tỉ bảng để đầu tư phát triển vaccine và phần lớn dựa vào nguồn vốn huy động từ bên ngoài. Khi vaccine Covid-19 được phát triển nhờ vào tiền thuế của dân, các nhà sản xuất không thể bán vaccine với giá cao như mong muốn được.

Có nhiều lý do khiến các hãng dược không sốt sắng chi tiền cho các dự án vaccine Covid-19. Trong quá khứ, việc phát triển vaccine, đặc biệt dưới áp lực của một cuộc việc hoảng sức khỏe nghiêm trọng, thường không mang lại lợi nhuận lớn. Một số hãng dược từng thua lỗ khi phát triển các vaccine cho các bệnh dịch khác như SARS và Zika (gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh).

Đó là chưa kể tiến trình phát triển vaccine thường mất khá nhiều thời gian và kết quả cũng không chắc chắn. Phần lớn vaccine chỉ sử dụng để tiêm một đến hai liều mỗi năm. Các loại thuốc men khác, đặc biệt là những loại thuốc mà bệnh nhân cần dùng hàng ngày, mang lại lợi nhuận lớn hơn nhiều.

Các nhà phân tích cho rằng ít nhất các công ty như Pfizer, Moderna và BioNTech sẽ kiếm được lãi vào năm sau nhờ bán vaccine ngừa Covid-19. Damien Conover, Giám đốc nghiên cứu cổ phiếu ngành chăm sóc y tế ở Công ty dịch vụ tài Morningstar, cho biết Pfizer có thể kiếm lợi nhuận nhờ bán vaccine Covid-19 nhưng biên lợi nhuận sẽ không lớn như ở các sản phẩm khác của Pfizer.

Cạnh tranh sẽ đẩy giá vaccine Covid-19 đi xuống

Một số hãng dược không muốn bị nhìn nhận là tận dụng cơ hội kiếm chác lợi nhuận từ cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, đặc biệt là sau khi họ nhận được số tiền hỗ trợ lớn từ chính phủ. Hãng dược và thiết bị y tế Johnson & Johnson (Mỹ) và hãng dược AstraZeneca (Anh) đã cam kết bán vaccine Covid-18 của họ trong thời kỳ đại dịch với mức giá chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất.

AstraZeneca dự kiến bán vaccine Covid-19 với chỉ từ 3-4 đô la Mỹ/liều. Hãng công nghệ sinh học Moderna định giá bán vaccine Covid-19 cao hơn nhiều, lên tới 37 đô la/liều để bảo đảm tạo ra lợi nhuận cho cổ đông. Dù vậy, mức giá bán cao nay một phần là để bù đắp chi phí vận chuyển vaccine Covid-19 của hãng này vốn đòi hỏi phải được bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh.

“Ngay bây giờ, các nước giàu sẽ trả giá cao vì họ muốn có vaccine Covid-19 sớm để chấm dịch đại dịch”, Emily Field, Giám đốc bộ phận nghiên cứu dược phẩm châu Âu ở Ngân hàng Barclays, nói.

Tuy nhiên, bà cho rằng khi các vaccine Covid-19 được tung ra ngày càng nhiều vào năm sau, sự cạnh tranh có thể đẩy giá bán đi xuống.

Điều này không có nghĩa là giá bán vaccine Covid-19 sẽ ở một mức cố định. Các hãng dược có thể tính giá bán khác nhau từng nước, tùy thuộc vào khả năng chi trả của họ.

AstraZeneca cam kết duy trì mức giá bán không lợi nhuận trong suốt thời kỳ dịch bệnh. Hãng dược này có thể nâng giá bán vaccine Covid-19 vào giữa năm sau khi tình hình dịch Covid-19 không còn nguy cấp.

Các chính phủ ở phương Tây và các tổ chức đa quốc gia đã cam kết mua hàng tỉ liều vaccine Covid-19 ở mức giá ấn định trước. Vì vậy, trong những tháng tới, các nhà phát triển vaccine sẽ phải tất bật sản xuất và giao hàng càng sớm càng tốt.

Một số hãng dược bán vaccine Covid-19 cho những nước giàu này sẽ bắt đầu gặt hái lợi nhuận. Sau khi các đơn hàng mua vaccine Covid-19 đầu tiên được giao xong, rất khó để dự báo thị trường vaccine Covid-19 sẽ như thế nào.

Thị trường sẽ phụ thuộc vào nhiều thứ, chẳng hạn: Thời hạn miễn dịch ở những người được tiêm vaccine sẽ kéo dài bao lâu? Có bao nhiêu vaccine Covid-19 được phát triển thành công và liệu quy trình sản xuất và phân phối vaccine có diễn ra suôn sẻ hay không?

Emily Field cho rằng khoảng thời gian để kiếm lợi nhuận từ việc bán vaccine Covid-19 sẽ diễn ra trong thời gian ngắn. Thậm chí dù các công ty dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine không chia sẻ bản quyền sáng chế vaccine, vẫn có hơn 50 vaccine Covid-19 đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên thế giới. Emily Field nói: “Trong vòng hai năm tới, có thể sẽ có 20 vaccine Covid-19 trên thị trường. Vì vậy, sẽ rất khó để các nhà sản xuất vaccine định giá bán cao”.

Mức định giá mỗi liều vaccine Covid-19 (tính theo đơn vị đô la Mỹ) của một số hãng dược và công nghệ sinh học. Ảnh: BBC

Tập trung vào giá trị thương hiệu trong dài hạn

Tinglong Dai, trợ lý giáo sư chuyên ngành phân tích và quản lý hoạt động kinh doanh ở Trường Kinh doanh Carey thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói: “Kiếm lợi nhuận từ dịch bệnh không thực sự hợp lý. Đây là thời kỳ hoàn hảo để các hãng dược phát triển giá trị thương hiệu, giúp thúc đẩy triển vọng lợi nhuận của họ trong dài hạn. Điều thực sự quan trọng đối với các hãng dược trong dài hạn là giá trị thương hiệu. Chẳng hạn, mọi người đang tin tưởng Pfizer hơn”.

Vốn hóa thị trường của hai hãng công nghệ sinh học BioNTech và Moderna tăng bùng nổ trong thời gian qua dù vẫn chưa chắc họ sẽ thu lợi nhuận bao nhiêu nhờ vaccine Covid-19. Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của BioNTech trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng 220%, đẩy mức định giá của công ty này lên mức 26 tỉ đô la. Trong khi đó, cổ phiếu Moderna tăng giá gần 700%, nâng mức vốn hóa thị trường của hãng này lên mức gần 62 tỉ đô la.

Một lý do khiến mức định giá thị trường của hai công ty này tăng vọt là các vaccine Covid-19 thành công của họ đã chứng minh được tính hiệu quả của liệu pháp điều trị dựa vào công nghệ RNA thông tin (mRNA).

Các vaccine Covid-19 của hai công ty này được phát triển dựa vào công nghệ mRNA (axit ribonucleic thông tin). Công nghệ này được thiết kế để kích hoạt phản ứng miễn dịch mà không cần sử dụng mầm bệnh, chẳng hạn như các phân tử virus thực sự. mRNA sẽ hướng dẫn các tế bào trong cơ thể sản xuất các kháng nguyên, tức các phân tử chỉ điểm trên bề mặt của virus SARS-CoV-2 để thúc đẩy hệ thống miễn dịch chống lại chúng.

Emily Field cho rằng lợi ích trong dài hạn đối với các nhà sản xuất vaccine là danh tiếng. Việc các hãng dược phát triển vaccine Covid-19 thành công có thể mở ra cánh cửa để họ phát triển và bán các sản phẩm vaccine khác dựa trên công nghệ đã sử dụng để phát triển Covid-19.

Trước đại dịch Covid-19, BioNTech đang phát triển vaccine ngừa ung thư da dựa vào công nghệ mRNA. Trong khi đó, Moderna cũng đang theo đuổi dự án phát triển vaccine ngừa ung thư buồng trứng dựa vào công nghệ mRNA. Nếu phát triển các vaccine này thành công, họ sẽ gặt hái phần thưởng rất lớn.

Tại cuộc điều trần vào mùa hè vừa qua, tiểu ban giám sát và điều tra thuộc Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ đã chất vấn đại diện của các hãng dược và công nghệ sinh học về kế hoạch định giá vaccine Covid-19. Giám đốc kinh doanh Pfizer, John Young, cho biết Pfizer nhận thức rằng đây là thời kỳ đặc biệt và mức định giá vaccine Covid-19 của hãng này sẽ phù hợp với tình hình khẩn cấp của cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

Tại cuộc điều trần, đại diện của Moderna và hãng dược Merck cũng cho biết họ sẽ bán vaccine Covid-19 với mức giá không vượt quá cao với chi phí sản xuất. Trong khi đó, hãng dược AstraZeneca cam kết bán 300 triệu liều vaccine cho chính phủ Mỹ với giá ‘không lợi nhuận’. Hãng dược và thiết bị y tế Johnson & Johnson cho biết sẽ bán vaccine Covid-19 ‘không vì mục đích lợi nhuận’ trong thời kỳ dịch bệnh.

BBC, CBC News, Market Place

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới