Thứ Ba, 15/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Liệu chứng khoán Mỹ còn động lực sau khi tăng điểm 5 tuần liên tiếp?

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTGS Online) – Thị trường chứng khoán của Mỹ có chuỗi tuần tăng điểm dài nhất kể từ năm 2021 bất chấp lãi suất tăng, lạm phát vẫn còn cao. Điều này thổi bùng cuộc tranh luận liệu đà tăng này có thể tiếp tục duy trì hay không? “Phe bò” kỳ vọng Phố Wall sẽ bước vào chu kỳ tăng giá bền vững hơn, nhưng “phe gấu” lo ngại rủi ro ở phía trước. Cả hai phe đều có những những cơ sở cho niềm tin của họ.

Các nhân viên giao dịch trên Sàn chứng khoán New York. Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã tăng điểm 5 tuần liên tiếp. Ảnh: Getty

Tính đến hôm 16-6, chỉ số S&P 500, theo dõi 500 cổ phiếu có vốn hóa lớn tiêu biểu trên thị trường chứng khoán Mỹ, đã trải qua 5 tuần tăng điểm liên tiếp, mạch tăng dài nhất kể từ mùa thu năm 2021.

Đó là đà tăng ấn tượng nếu đặt trong bối cảnh vĩ mô hiện tại. Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiến hành một loạt các đợt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cao trong lịch sử, nhiều nhà đầu tư lo ngại hành động quyết liệt của Fed sẽ đẩy đất nước vào một cơn suy thoái nghiêm trọng. Nhưng chỉ số S&P 500 hiện nay đang cao hơn 19% so với một năm trước, cao hơn 23% so với mức thấp nhất trong tháng 10 năm ngoái và chỉ cách mức cao kỷ lục khoảng 8%.

Một số nhà đầu tư thậm chí còn coi đây là giai đoạn khởi đầu cho một thị trường tăng giá, được định nghĩa bằng mức tăng 20% từ mức thấp gần đây. Theo những người đầu cơ giá lên, một khi vượt qua ngưỡng này, cổ phiếu có xu hướng tiếp tục tăng.

Nhưng một số nhà đầu tư khác cảnh báo đợt tăng điểm gần đây có thể là chỉ là sự phục hồi tạm thời của thị trường giá xuống, một cú nẩy lên ngắn hạn trong một xu hướng giảm dài hạn hơn.

Lập luận của những người đầu cơ giá lên dựa trên các dấu hiệu của một nền kinh tế đang phục hồi, lạm phát hạ nhiệt và chu kỳ tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc. Theo họ, nếu cho đến nay nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn trụ vững sau đòn giáng của lạm phát và lãi suất tăng vọt, thì đà tăng trưởng sẽ tiếp tục.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp và người tiêu dùng Mỹ vẫn đang chi tiêu. Điều này giúp lợi nhuận của doanh nghiệp cao hơn dự kiến. Lạm phát dần được kiểm soát và trong cuộc họp tuần này, Fed lần đầu tiên giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 3-2022.

Các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America gần đây tuyên bố thị trường giá xuống “chính thức kết thúc”. Họ lưu ý rằng, dữ liệu lịch sử cho thấy, sau khi tăng 20% từ mức thấp, S&P 500 thường tiếp tục tăng điểm trong 12 tháng tới. Tính trung bình, chỉ số này đã tăng thêm 19% trong khoảng thời gian 12 tháng sau khi khi vượt qua ngưỡng tăng 20%, theo dữ liệu từ thập niên 1950.

Các nhà phân tích của Bank of America cho biết nỗi sợ bỏ lỡ lợi nhuận lớn khi chứng khoán tiếp tục tăng cũng có thể thu hút các nhà đầu tư quay trở lại thị trường sau khi đứng bên ngoài. Đó sẽ là động lực giúp chứng khoán Mỹ kéo dài đà tăng.

Tuần trước, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs nâng dự báo điểm số của S&P 500 vào cuối năm. Họ nhận định chỉ số này sẽ tăng thêm 5% so với mức đóng cửa vào cuối tuần trước.

Tuy nhiên, đợt phục hồi hiện tại của chỉ số này chủ yếu nhờ sự bứt tốc về giá cổ phiếu của 7 doanh nghiệp lớn Apple, Aphabet, Amazon, Microsoft, Meta Platforms, Nvidia và  Tesla. Đơn cử, giá cổ phiếu của hãng chip Nvidia tăng gần 200% trong năm nay nhờ cơn sốt đầu tư cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu loại bỏ các cổ phiếu này, chỉ số S&P 500 chỉ tăng ở mức không đáng kể trong năm nay.

Tuy nhiên, đà tăng giá đang bắt đầu lan tỏa rộng ra thị trường. Chỉ số Russell 2000, theo dõi cổ phiếu của các doanh nghiệp Mỹ có vốn hóa nhỏ hơn, tăng 7% kể từ đầu tháng 6.

Dù vậy, “phe gấu” quan tâm hơn đến những bất ổn tiềm ẩn phía trước. Lạm phát của Mỹ tuy đã giảm tốc nhưng vẫn ở mức cao và các vết nứt đang xuất hiện ở một số khu vực quan trọng của thị trường.

Cú sụp đổ của ba ngân hàng khu vực ở Mỹ hồi mùa xuân khiến các ngân hàng khác trở nên thận trọng hơn, thắt chặt các điều kiện cho vay, làm hạn chế lượng tiền mặt có sẵn để cung cấp cho doanh nghiệp người tiêu dùng.

Kathy Jones, Giám đốc chiến lược thu nhập cố định của Trung tâm Nghiên cứu tài chính Schwab, nói: “Tôi nghĩ rằng có nhiều liên kết yếu hơn trên thị trường”.

Các vụ phá sản doanh nghiệp đang gia tăng và một số nhà đầu tư lo ngại đây chỉ là khởi đầu của cơn bất ổn nghiêm trọng hơn trong bối khoản nợ với lãi suất thấp đến hạn thanh toán và người đi vay phải đối mặt với chi phí tái cấp vốn cao hơn nhiều. Đó là nỗi lo lớn trên thị trường bất động sản thương mại.

Tiền kích thích khổng lồ tích tụ trong đại dịch đã giúp kinh tế Mỹ chống chọi tốt trước lạm phát. Nhưng lượng tiền này đang giảm và tiết kiệm của người tiêu dùng cũng bắt đầu cạn kiệt đồng thời số dư nợ trên thẻ tín dụng của họ đang tăng lên.

Những người đầu cơ giá lên tin rằng Fed sắp kết thúc cuộc chiến chống lạm phát, nhưng những người đầu cơ giá xuống lo sợ trận chiến cuối cùng vẫn chưa bắt đầu. Lạm phát vẫn đang ở mức cao hơn gấp đôi so với mục tiêu của Fed là 2% và có thể vẫn ở mức cao trong thời gian dài. Điều đó có thể khiến Fed đẩy lãi suất lên cao hơn. Đáng lo ngại hơn là cơ quản quản lý tiền tệ này sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian lâu hơn, gây áp lực hơn nữa cho nền kinh tế.

Tuần này, thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo khi các quan chức Fed bất ngờ đưa ra dự báo tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trước cuối năm nay. Nhưng những dự báo như vậy đã sai trước đây, vì vậy, giới nhà đầu tư nhanh phớt lờ và giá cổ phiếu ở Phố Wall tiếp tục tăng.

George Goncalves, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Mỹ của MUFG Securities, cho rằng hành động như vậy của nhà đầu tư là sai lầm.

Ông nói: “Thực tế, các quan chức Fed cam kết thực hiện một chế độ lãi suất cao hơn, có nghĩa là khó mà dự đoán rằng chúng ta sẽ không thấy những rủi ro khác xuất hiện và gây đổ vỡ”.

 Theo NY Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới