Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liệu có kịp?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liệu có kịp?

Luật gia Cao Bá Khoát (*)

(minh họa: Khều).

(TBKTSG) – Ngày 19-3-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2010/NĐ-CP về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Trước khi nghị định này được thực thi, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần xem xét.

(Nhân đọc chuyên mục Sự kiện & Vấn đề “Chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước” trên TBKTSG số ra ngày 25-3-2010)

Lộ trình chuyển đổi

Nghị định 25/2010 có hiệu lực từ ngày 5-5-2010. Như vậy, chỉ có chưa đầy hai tháng để các công ty nhà nước hoàn thành toàn bộ quá trình chuyển đổi. Để thực hiện được điều này xem ra là khó khả thi. Bởi lẽ đến nay vẫn còn khoảng 1.500 công ty nhà nước chưa chuyển đổi và quá trình chuyển đổi có rất nhiều công việc phải làm, khó có thể hoàn thành trong thời gian ngắn như vậy.

Thực tế cho thấy để hoàn thành cổ phần hóa một công ty nhà nước trung bình phải mất 400 ngày, thậm chí có công ty mất đến năm năm mà vẫn chưa hoàn thành như Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco).

Vậy, đâu là giải pháp? Có ý kiến cho rằng Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết để kéo dài thời hạn chuyển đổi. Đây không thể coi là giải pháp tốt bởi nếu Quốc hội chấp thuận kiến nghị thì những công ty thuộc diện cổ phần hóa không cần thiết phải tạm chuyển sang công ty TNHH một thành viên, vừa rườm rà vừa tốn kém.

Thực ra, về mặt pháp lý thì quá trình chuyển đổi được xem là hoàn thành khi công ty nhà nước đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Do đó, lẽ ra bước cần làm trước tiên là chuẩn bị dự thảo Điều lệ để đăng ký kinh doanh. Các bước còn lại như xử lý về tài chính, lao động sẽ được tiến hành sau khi được cấp giấy chứng nhận này. Còn vốn điều lệ sẽ được xác định dựa trên báo cáo tài chính gần nhất.

Tuy cách làm này chỉ mang tính hình thức nhưng vẫn là hợp pháp và với hơn 1.500 công ty giao cho khoảng 150 đầu mối (63 tỉnh, thành và hơn 90 tổng công ty, tập đoàn), tức là mỗi đầu mối phụ trách chuyển đổi 10 công ty, thì sẽ hoàn thành kịp trước ngày 1-7-2010.

Đây cũng là cách làm được nêu trong Nghị định 25/2010 nhưng chỉ áp dụng cho các công ty nhà nước thuộc diện cổ phần hóa nhưng chưa có quyết định xác định giá trị tài sản. Nếu như áp dụng luôn cho tất cả các công ty nhà nước thì chắc rằng quá trình chuyển đổi sẽ hoàn thành kịp thời hạn.

Vấn đề kiêm nhiệm của lãnh đạo

Hiện nay, tình trạng các lãnh đạo trong công ty nhà nước kiêm nhiệm các chức danh quản lý trong các đơn vị thành viên diễn ra khá phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty. Nghị định 25/2010 đã khắc phục tình trạng này khi không cho phép thành viên hoặc chủ tịch của công ty đồng thời là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hoặc các chức vụ quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thành viên. Tuy nhiên, Nghị định 25 lại chưa liệt kê rõ các chức vụ quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thành viên.

Điều này có thể dẫn đến tình trạng thành viên hội đồng thành viên (HĐTV) hoặc chủ tịch của công ty nhà nước sau chuyển đổi sẽ được kiêm nhiệm làm thành viên HĐTV tại các doanh nghiệp thành viên bởi khoản 13, điều 4, Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định: “Người quản lý doanh nghiệp là chủ sở hữu, giám đốc doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do điều lệ công ty quy định”.

Như vậy, thành viên hội đồng thành viên không phải là chức danh quản lý trong công ty TNHH nếu điều lệ không quy định. Do đó ban chuyển đổi doanh nghiệp cần chỉ đạo một cách sát sao khi tiến hành soạn thảo điều lệ của công ty mới. Theo đó, cần phải quy định thành viên HĐTV là một chức danh quản lý, điều hành của doanh nghiệp.

Việc hạn chế kiêm nhiệm cũng mang lại một rào cản không nhỏ cho quá trình chuyển đổi vì đụng chạm đến lợi ích của nhiều người nên họ phải cân nhắc và quyết định sẽ giữ chức vụ nào, bỏ chức vụ nào? Những chức vụ mình không đảm nhiệm thì sẽ được chuyển giao cho ai? Lẽ tất nhiên là họ sẽ tìm cách để chuyển giao những chức vụ này cho người cùng trong nhóm lợi ích với mình, bất đắc dĩ mới phải trao quyền, trao lợi ích cho nhóm khác. Và như vậy, việc cơ cấu lại tổ chức cán bộ lãnh đạo của các công ty sau chuyển đổi cũng sẽ tốn không ít thời gian.

Bình mới, rượu cũ

Không thể không thừa nhận thực tế rằng việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chỉ là giải pháp tình thế, là thay bình mới cho rượu cũ khi mà công ty vẫn là 100% vốn nhà nước và phần lớn các quyết định quan trọng của công ty đều phải trình các chủ sở hữu mới (vốn là các cơ quan nhà nước trước đây quản lý các công ty này) phê duyệt. Sự độc lập của công ty sau chuyển đổi vẫn phải tuân theo một giới hạn ngặt nghèo và sự ưu tiên của cơ quan nhà nước trong việc cấp, phê duyệt dự án cho các công ty này là điều không thể tránh khỏi, sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thể hoàn toàn xóa bỏ.

Các rào cản

Việc chuyển đổi các công ty nhà nước thành công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp là cần thiết và đúng với cam kết của Việt Nam với WTO. Tuy nhiên, cần phải làm sao cho việc chuyển đổi này không chỉ là hình thức. Nhà nước cần đổi mới cả về tư duy, tránh tình trạng như hiện nay khi nhiều người không mặn mà với cổ phần hóa dẫn đến sự trì trệ như năm 2009 chỉ có 6% công ty nhà nước thuộc diện bắt buộc tiến hành cổ phần hóa xong.

Mục tiêu của việc chuyển đổi là thay đổi cơ cấu sở hữu vốn, thay đổi cơ chế quản lý tránh cơ chế quản lý hành chính đồng thời tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Việc chuyển công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên chưa thực hiện được các mục tiêu nói trên. Do đó, việc bán bớt vốn Nhà nước trong các công ty sau chuyển đổi cho tư nhân cần được xem xét và nên chăng sau khi chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên các công ty nhà nước sẽ tiếp tục chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần, tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân được tham gia quản lý các công ty này.

____________________________________________________

(*) Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Doanh nghiệp K và cộng sự

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới