Liệu có tình trạng thừa tiền, thiếu room?
Nhật Minh
(KTSG) - Những thông tin trên thị trường gần đây cho thấy room tín dụng luôn được các ngân hàng sử dụng hết, song thanh khoản liên ngân hàng vẫn khá dồi dào. Liệu rằng có tình trạng thừa tiền, thiếu room?
Tiền thừa cũng tạo dư địa để ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Ảnh: THÀNH HOA |
Tiền dư dả là câu chuyện không mới, đã diễn ra kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tới bây giờ, khi nhu cầu sử dụng vốn của nền kinh tế suy giảm. Khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa, nhu cầu sử dụng vốn tăng trở lại thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhưng đà tăng này bị giới hạn bởi room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp cho các ngân hàng.
Thanh khoản vẫn dồi dào
Thị trường liên ngân hàng (LNH) đã trải qua hơn một năm mà hầu như không cần tới sự trợ giúp thanh khoản từ NHNN qua kênh thị trường mở. Thị trường mở mà cụ thể hơn là nghiệp vụ cho vay thông qua mua kỳ hạn giấy tờ có giá (repo) luôn là kênh cấp vốn ngắn hạn, nhanh chóng nhất của NHNN cho các ngân hàng thương mại. Điều này nghĩa là thanh khoản hệ thống khá ổn định, đi kèm mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có tăng, nhưng vẫn duy trì ở mức thấp.
Theo số liệu của NHNN, tại ngày 8-7-2021, thì ba kỳ hạn có doanh số giao dịch cao nhất, được sử dụng nhiều nhất là kỳ hạn qua đêm, một tuần và một tháng có lãi suất giao dịch bình quân lần lượt là 0,94%; 1,08%; 1,23%; đã tăng so với mặt bằng lãi suất đầu năm nhưng vẫn ở mức tương đối thấp và thấp hơn nhiều so với mức 2,5% - lãi suất repo mà NHNN cho vay trên thị trường mở.
Tình trạng “thừa tiền, thiếu room” có lẽ là hợp lý để kiềm chế tăng trưởng tín dụng ồ ạt khi mà tăng trưởng kinh tế đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, và tiền thừa cũng tạo dư địa để ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp, góp phần tiết giảm chi phí vốn cho toàn nền kinh tế. |
Thanh khoản hệ thống trong quí 3 còn được bổ sung lượng tiền lớn từ việc đáo hạn các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng trong nửa đầu năm của NHNN, với tổng lượng tiền đồng bơm ra thị trường dự kiến đạt 140.000 tỉ đồng, trong tháng 7 và tháng 8. Đây sẽ là nguồn lực lớn, là dư địa để duy trì ổn định thanh khoản trên thị trường LNH.
Và tiền vẫn dư dả trong hệ thống ngân hàng khi mà tín dụng đang có xu hướng tăng mạnh trở lại, biểu hiện qua tốc độ tăng trưởng tín dụng, với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn đà tăng của huy động vốn.
Theo Tổng cục Thống kê thì sáu tháng đầu năm nay, tín dụng tăng 5,47% so với cuối năm 2020; tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 (chỉ tăng 2,45%); kém không nhiều so với mức tăng trong năm 2019 là 6,22% - một năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Đáng chú ý, huy động vốn chỉ tăng 3,13%; thấp hơn đáng kể mức tăng của tín dụng.
Thiếu tín dụng
Trong khi tiền dư và nhu cầu vay vốn của nền kinh tế đang trên đà tăng mạnh thì vẫn còn đó mức trần tăng trưởng mang tên room tín dụng. Theo phản ánh của nhiều ngân hàng, room tín dụng tại các thời điểm cuối quí thường xuyên trong tình trạng cạn kiệt nên việc đẩy vốn ra nền kinh tế gặp phải hạn chế nhất định.
Như vậy, có thể thấy việc cung ứng tín dụng ra nền kinh tế đang được khống chế ở mức nhất định. Điều này cũng cho thấy NHNN đang thận trọng với đà tăng trưởng tín dụng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có chiều hướng gia tăng trên diện rộng và hoạt động của doanh nghiệp vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ nợ xấu là hiện hữu.
Và trong thời điểm cuối quí 2, khi mà tín dụng được cho là hết room, rồi tín dụng tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với huy động vốn, hay những tin tức về kênh chứng khoán đang hút mạnh dòng tiền, thì mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (giữa ngân hàng với dân cư và tổ chức kinh tế) vẫn duy trì ở mức tương đối thấp dù có sự điều chỉnh tăng cục bộ ở vài ngân hàng và thanh khoản LNH dư thừa.
Tại thời điểm ngày 29-6-2021, lãi suất bình quân tiền gửi của nhóm bốn ngân hàng lớn có vốn nhà nước (VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank) kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng lần lượt giảm 0,05; 0,05 và 0,2 điểm phần trăm so với thời điểm đầu tháng 1-2021. Lãi suất tiền gửi thấp, tăng trưởng huy động vốn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng có lẽ là minh chứng cho thực trạng “tiền thừa, room thiếu”.
“Thiếu room” hay giới hạn việc cung ứng tín dụng ra nền kinh tế, nghe qua có thể đi ngược với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng vượt qua đại dịch, song dường như là bước đi hợp lý để ngăn ngừa “hòn đá tảng” mang tên “nợ xấu” trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng phức tạp, khiến trung tâm kinh tế hàng đầu Việt Nam là TPHCM đang bị giãn cách xã hội.
“Tiền thừa” còn có thể là lý do đằng sau động thái NHNN yêu cầu Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay ngay trong tháng 7. Thời gian tới dự kiến có thêm 140.000 tỉ đồng bơm ra thị trường qua kênh ngoại hối, trong đó có 100.000 tỉ đồng bơm ra ngay trong tháng 7 này. Nguồn cung tiền tăng lên và đổi lại là yêu cầu giảm lãi suất. Do đó, yêu cầu Hiệp hội Ngân hàng vận động hạ lãi suất của NHNN là có lý và cũng là cách để ngân hàng san sẻ với doanh nghiệp, bước qua đại dịch.
Trong khi trần tăng trưởng tín dụng bị giới hạn, hay số dư cho vay bị giới hạn thì việc giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng sẽ không làm gia tăng dư nợ so với việc giữ nguyên lãi suất, mặc dù nó có thể kích thích nhiều hơn nhu cầu vay vốn của nền kinh tế. Vì vậy, các tổ chức tín dụng hoàn toàn có thể lựa chọn các đối tượng cho vay phù hợp khẩu vị rủi ro, trong khuôn khổ room tín dụng được cấp để cân đối giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, khi việc cho vay ra nền kinh tế đang có rủi ro cao, nợ xấu tiềm tàng tại nhiều lĩnh vực thì việc giảm lãi suất cho vay sẽ đi ngược với mức độ rủi ro từ khoản vay. Nhưng tình trạng “thừa tiền, thiếu room” có lẽ là hợp lý để kiềm chế tăng trưởng tín dụng ồ ạt khi mà tăng trưởng kinh tế đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, và tiền thừa cũng tạo dư địa để ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp, góp phần tiết giảm chi phí vốn cho toàn nền kinh tế.