Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Liệu hàng rong đường phố có mang lại sức sống cho kinh tế Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều thành phố ở Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế buôn bán hàng rong trên đường phố để giải quyết tình trạng thất nghiệp cao dai dẳng ở giới trẻ. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định hình thức thương mại phi chính thức này sẽ không giúp vực dậy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một khu bán thịt nướng ngoài trời ở thị trấn Truy Bác, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Shine

Khuyến khích bán hàng rong

Khi Trung Quốc rơi vào suy thoái do tác động của đại dịch vào năm 2020, ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng lúc đó, đã đưa ra ý tưởng tạo việc làm bằng cách khuyến khích người dân kinh doanh hàng rong ở các đường phố khắp đất nước. Lời kêu gọi của ông nhanh chóng bị các cộng sự thân cận của Chủ Tịch Tập Cận Bình bác bỏ vì họ xem hình thức thương mại truyền thống là này “thiếu vệ sinh và thiếu văn minh”.

Chỉ ba năm sau, tình hình thay đổi hoàn toàn. Trong một sự đảo ngược chính sách lớn, “nền kinh tế hàng rong” đang quay trở lại với việc nhiều thành phố dỡ bỏ lệnh cấm bán hàng rong và khuyến khích thanh niên thất nghiệp mở các quầy hàng ngoài trời như là giải pháp để hồi sinh nền kinh tế và thúc đẩy việc làm.

Tuần trước, Thâm Quyến, trung tâm công nghệ cao của Trung Quốc và là thành phố giàu thứ ba của đất nước, thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đối với những người bán hàng rong, cho phép họ hoạt động từ đầu tháng 9 ở các khu vực được chỉ định.

Thâm Quyến là nơi mới nhất gia nhập danh sách các thành phố lớn nới lỏng các biện pháp hạn chế buôn bán hàng rong đường phố trong năm nay, bao gồm Thượng Hải, Hàng Châu và Bắc Kinh, sau nhiều năm quyết liệt dẹp bỏ hình thức buôn bản này. Giới chức trách của các thành phố đang khuyến khích người dân lập các quầy hàng hoặc xe đẩy bán hàng trên đường phố ở một số khu vực nhất định, nơi họ có thể bán đặc sản địa phương, đồ ăn nhẹ, quần áo hoặc đồ chơi.

Giới nhà phân tích xem sự nới lỏng hiện tại là một biện pháp tuyệt vọng của chính phủ, vì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên mức đáng lo ngại sau ba năm áp đặt các hạn chế nghiệm ngặt để kiểm soát đại dịch Covid-19, gây tổn thương nghiêm trọng cho các doanh nghiệp nhỏ. Chiến dịch chấn chỉnh lĩnh vực gia sư và công nghệ cũng đã xóa sổ hàng chục nghìn việc làm.

“Có vẻ như giới lãnh đạo Trung Quốc không thể tìm ra cách nào tốt hơn để tạo việc làm nhằm duy trì sự ổn định và trật tự hơn là khuyến khích những người trẻ tuổi bán hàng rong. Đối với những người lao động hoặc sinh viên mới tốt nghiệp có kỹ năng kỹ thuật số, việc bán hàng rong trên đường phố là một dấu hiệu của sự tuyệt vọng hơn là tư duy sáng tạo”, Steve Tsang, Giám đốc Viện Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS) Đại học SOAS London, nói.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đối với thanh niên từ 16-24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng 4, theo số liệu do Cục Thống kê quốc gia công bố hôm 16-5. Tỷ lệ này có thể tăng hơn nữa vì con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên đại học dự kiến tốt nghiệp trong năm nay.

“Các vấn đề cơ cấu trong việc làm rất nghiêm trọng”, Fu Linghui, người phát ngôn của NBS, nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.

Nguồn cảm ứng đến từ sức hút du lịch của thị trấn thịt nướng

Động thái dỡ bỏ các hạn chế buôn bán hàng rong được đưa ra sau khi Truy Bác, một thị trấn công nghiệp ít được biết đến ở phía đông tỉnh Sơn Đông, trở thành điểm du lịch nóng nhất của Trung Quốc nhờ sức hút đến từ các quầy thịt nướng trên đường phố. Điều này đã truyền cảm hứng để các thành phố khác cố gắng sao chép thành công.

Mức độ nổi tiếng của Truy Bác bùng nổ vào tháng 3 sau khi các video về món thịt nướng ngon và rẻ tiền ở đây lan truyền chóng trên các mạng xã hội của Trung Quốc.

Đó là những xiên thịt, nướng trên ngọn lửa than hồng, ăn kèm với bánh mì dẹt và hành ba rô địa phương. Bên cạnh những món ăn đường phố giá rẻ, một bữa ăn ở đây chỉ có giá 30 nhân dân tệ (4,2 đô la) cho một người. Thị trấn này cũng nổi tiếng về lòng hiếu khách.

Jiang Yaru, một người dân ở Truy Bác, hiện đang làm việc ở Thượng Hải, nói: “Đồ ăn ở đây rất rẻ”. Yaru đã về thăm quê trong kỳ nghỉ Quốc tế lao động mới đây chỉ để “nếm thử món thịt nướng và tận hưởng niềm vui”. Những nhà hàng thịt nướng cô ghé thăm đều chật kín khách, trong đó có nhiều bạn trẻ.

“Người dân địa phương rất hiếu khách và trung thực với người lạ. Tôi cho rằng đó là lý do chính giúp thị trấn thu hút du khách. Đây là một trải nghiệm mới lạ đối với nhiều du khách vì có thể các thành phố du lịch khác đã không đối xử tốt với họ”, cô nói.

Trong những tháng qua, khách du lịch đổ xô đến Truy Bác, hiện được mệnh danh là thủ phủ thịt nướng ngoài trời của Trung Quốc. Nhờ cơn sốt du lịch thúc đẩy bán lẻ, du lịch và ăn uống, thị trấn công nghiệp này chứng kiến mức tăng trưởng GDP 4,7% trong quí đầu tiên.

Quá trình chuyển đổi sau một đêm của Truy Bác từ thị trấn công nghiệp thô sơ sang một điểm đến không thể bỏ qua khiến cả nước sửng sốt. Một số chính quyền thành phố đã cử quan chức đến Truy Bác để học hỏi kinh nghiệm thu hút du khách của người dân địa phương và cố gắng nhân rộng thành công này ở thành phố của họ.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc có thể xoay trục sang một mô hình tăng trưởng do người tiêu dùng dẫn dắt hay không?

“Đối với tôi, có vẻ như Zibo là một trường hợp thành công bất đắc dĩ, phản ánh tính hiệu quả của sự mới lạ nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy người dân đang cảm thấy túng quẫn hơn. Có ai thực sự muốn bán đồ ăn đường phố hơn là làm việc ở nhà hàng gắn sao Michelin, nhưng liệu mấy ai đủ tiêu chuẩn làm ở nhà hàng cao cấp như vậy?”, Steve Tsang nói.

Hàng rong không thể giải quyết các thách thức kinh tế

Sức hút của Truy Bác cho thấy mọi người muốn đi du lịch và tận hưởng những trải nghiệm mới nhưng vẫn cân nhắc ngân sách của họ khi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc chưa  ổn định.

“Hiệu ứng của Truy Bác là sự kết hợp giữa hiện tượng Fomo (sợ bị bỏ lỡ cợ hội) của các thành phố của Trung Quốc và áp lực từ trên xuống nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp và nỗi bất mãn của thanh niên”, Craig Singleton, học giả cấp cao của Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ, có trụ sở ở Washington (Mỹ), nhận định.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt thách thức ngày càng gia tăng. Thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn đang sa lầy trong cơn suy thoái tồi tệ nhất. Niềm tin kinh doanh giảm mạnh sau khi Bắc Kinh tung ra các chiến dịch siết chặt quản lý nhằm vào ngành công nghệ và giáo dục. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sụt giảm. Quan hệ Trung-Mỹ đang ở ở điểm thấp nhất trong nhiều thập niên, dẫn đến các căng thẳng leo thang trong lĩnh vực công nghệ và đầu tư. Triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi khiến chính quyền trung ương chuyển sang thái độ hòa giải hơn đối với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đóng góp hơn 60% GDP của Trung Quốc và hơn 80% việc làm của đất nước.

Tháng trước, ông La Vấn, người đứng đầu Cục Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc, đề xuất hỗ trợ nhiều hơn cho những người tự doanh, chẳng hạn như người bán hàng rong, thông qua hệ thống thuế và an sinh xã hội.

Trong một sự thay đổi rõ ràng trong luận điệu chính thức, truyền thông nhà nước đã đăng tải những câu chuyện truyền cảm hứng về cách một số doanh nhân trẻ trở nên giàu có nhờ mở các quầy hàng ở khu chợ đêm.

“Có vẻ như giới chức trách Trung Quốc đang làm một điều gần như bất khả thi khi tìm cách khai thác một xu hướng kinh doanh quy mô nhỏ mới, có thể giúp đẩy lùi làn sóng chỉ trích ngày càng tăng của những sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm”, Alex Capri, giảng viên cao cấp của Trường Kinh doanh thuộc Đại học quốc gia Singapore, nói.

Trong khi đó, Steve Tsang cho rằng hình thức thương mại phi chính thức như buôn bán hàng rong có thể tạm thời giảm tỷ lệ thất nghiệp và hỗ trợ cho người dân nghèo, nhưng “sẽ không cứu được nền kinh tế Trung Quốc”.

Theo CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới