Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liệu mình có theo kịp!

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Viễn cảnh và tương lai không xa mấy đang dần dần hiện ra rõ ràng hơn. Nếu có sự chuẩn bị và tích cực để chuyển đổi và thích ứng thì may ra sẽ kịp những làn sóng công nghệ mới. Còn nếu không, sẽ đến một ngày nào đó chúng ta phải thốt lên rằng: ủa nhanh vậy, ủa lạ vậy!

computer-illiterate-why-americans-need-to-invest-in-technology-education.jpg

Cũng như nhiều người, hiện nay tôi để phần lớn tài liệu, dữ liệu trên các tài khoản lưu trữ trực tuyến. Tuy vậy, có một số việc phải làm trực tiếp từ ổ đĩa cứng. Vậy mà ổ đĩa cứng bị đầy nhanh hơn tôi nghĩ, nên phải tìm mua thêm ổ đĩa cứng gắn ngoài. Khi nhận được ổ đĩa mới, dù đã đọc miêu tả sản phẩm nhưng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi cầm trên tay một thiết bị lưu trữ có dung lượng 2TB, mà kích thước như một cái thẻ ngân hàng. Nếu cách đây mười năm thì khó ai có thể hình dung mình có thể cầm trong tay một thiết bị với mức giá như bây giờ.

Công nghệ đã có những bước phát triển rất nhanh trong thời gian vừa qua, và với một vận tốc ngày càng tăng. Theo một báo cáo của tổ hợp tư vấn McKinsey, trong vòng mười năm tới những bước tiến trong công nghệ sẽ bằng những gì mà 100 năm vừa qua đã làm được. Và cũng theo báo cáo này, có mười xu hướng công nghệ quan trọng là nền tảng cho sự chuyển đổi này.

Cụ thể, đó là những công nghệ trong tự động hóa quy trình và thực tế ảo (process automation and virtualization), công nghệ trong kết nối (connectivity), hạ tầng IT dựa trên nền tảng điện toán đám mây (cloud platforms), máy tính lượng tử (quantum computing), trí tuệ nhân tạo (AI), lập trình phần mềm thế hệ mới (Software 2.0), công nghệ sổ cái phân tán (DLT/blockchain), công nghệ sinh học, vật liệu mới, và công nghệ sạch (clean tech).

Công nghệ đã có những bước phát triển rất nhanh trong thời gian vừa qua, và với một vận tốc ngày càng tăng. Theo một báo cáo của tổ hợp tư vấn McKinsey, trong vòng 10 năm tới những bước tiến trong công nghệ sẽ bằng những gì mà 100 năm vừa qua đã làm được.

Theo dự báo của McKinsey, sẽ có 50% các công việc hiện nay có thể được tự động hóa vào năm 2025, công nghệ 5G sẽ được tiếp cận bởi 80% dân số toàn cầu vào năm 2030 và hơn 75% dữ liệu của doanh nghiệp sẽ được xử lý bởi hệ thống máy tính phân tán (cloud hoặc edge computing). AI sẽ được áp dụng ở phần lớn các điểm giao tiếp dịch vụ số, ví dụ như hỗ trợ bằng giọng nói, với các tính năng vượt trội về cá nhân hóa. Việc phát triển và phân tích phần mềm sẽ chỉ còn 1/30 thời gian như hiện nay. Và công nghệ blockchain sẽ gắn với các hoạt động kinh tế chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu vào năm 2027.

Các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả nền kinh tế nói chung sẽ chịu sự tác động rất lớn của những thay đổi vượt bậc trong công nghệ, có ảnh hưởng cùng lúc đến nhiều ngành (cross-industry).

Tự động hóa ở cấp độ mới sẽ là những con robot có thể tự học, có thể thiết lập lại các thông số, và thậm chí có sự phối hợp giữa các robot với nhau (cobots). Các tác vụ lặp đi lặp lại được tự động hóa như hiện nay sẽ được mở rộng sang các tác vụ ít được dự đoán trước, sự hiện diện của con người cũng giảm dần trong các quy trình sản xuất. Và đây mới chính là vấn đề đau đầu của các nhà hoạch định chính sách trong vấn đề việc làm. Thử hình dung một nhà máy giày, may mặc, hay nhà máy lắp ráp ô tô đang sử dụng cả ngàn hay chục ngàn công nhân, giờ tự động hóa được luôn những khâu đòi hỏi sự tỉ mỉ thì thấy vấn đề sẽ nan giải như thế nào.

Kết nối 5G và IoT với độ bao phủ và tốc độ kết nối tăng sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo của nhiều dịch vụ khi khoảng cách địa lý không còn là một trở ngại. Các lĩnh vực như khám bệnh, chẩn đoán bệnh từ xa sẽ trở nên phổ biến, và đi kèm đó là các ngành công nghiệp hay dịch vụ bổ trợ. Chẳng hạn như những người lớn tuổi, có bệnh mãn tính đang theo dõi sẽ đeo một thiết bị, được đồng bộ hóa dữ liệu theo thời gian thực với bác sĩ hay nơi theo dõi sức khỏe của mình. Khi bắt đầu có những dấu hiệu hay chỉ số bất thường thì sẽ được hỗ trợ nhanh chóng. Ngành công nghiệp game cũng sẽ phát triển mạnh khi các các game trước trước đây cần phải có đường truyền Internet mạnh, ổn định thì sẽ không còn là vấn đề với công nghệ 5G.

Mười năm là một quãng thời gian không phải dài, và có những dự báo có thể diễn ra chỉ trong vòng vài năm tới. Đối với doanh nghiệp, sự chuyển đổi nhanh chóng của công nghệ là không thể né tránh… Nếu không chuẩn bị, sẽ có những tình huống tréo ngoe có thể xảy ra, như mất khách hàng hay không tìm được nhà cung ứng tốt vì công nghệ của mình không tương thích với công nghệ của họ.

Với công nghệ hạ tầng IT phân tán, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ sử dụng ngày càng nhiều các dịch vụ từ điện toán đám mây, giảm nhu cầu thiết lập và bảo trì từ đó giảm đáng kể chi phí cho phần công nghệ thông tin. Ngày càng có nhiều ứng dụng, từ tính toán đến đồ họa được cung cấp qua dịch vụ đám mây, thay vì cài phần mềm trực tiếp lên máy tính. Việc phi tập trung hóa hạ tầng công nghệ thông tin về phần cứng cũng là một cú hích mạnh để khuyến khích việc phát triển các ứng dụng phần mềm. Chẳng đâu xa, như trong ngành tài chính, trước đây một cá nhân hay tổ chức đầu tư một terminal Bloomberg, thì thậm chí từ bây giờ đã có rất nhiều lựa chọn cạnh tranh trên nền tảng web với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Một doanh nghiệp, thay vì đầu tư một hệ thống máy chủ tốn kém hay một hệ thống máy tính cấu hình cao để tính toán, thì hiện nay chỉ cần thuê dịch vụ theo nhu cầu từ các nhà cung cấp lớn như Amazon, Microsoft và Google.

Khả năng tính toán của máy tính chuyển sang một tầm cao mới với máy tính lượng tử được đưa vào thực tế nhiều hơn sẽ đẩy nhanh các tính toán mô phỏng, các thử nghiệm. Những ngành có mức độ kết nối cao nhất sẽ là vật liệu, hóa chất, dược phẩm. Nhưng bên cạnh đó, máy tính lượng tử cũng là một thách thức rất lớn đối với hệ thống bảo mật mã hóa của hệ thống tài chính. Hầu hết các hệ thống bảo mật hiện nay là dùng các thuật toán mã hóa, cho nên các thuật toán phải luôn cải tiến để đi trước một bước việc có những cá nhân hay tổ chức dùng máy tính lượng tử để giải mã, xâm phạm hệ thống bảo mật.

Trí tuệ nhân tạo cũng sẽ tác động nhiều đến sản phẩm, dịch vụ của nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp khi dữ liệu lớn về âm thanh, chữ viết, hình ảnh được xử lý hiệu quả và triệt để hơn, độ nhiễu (noise) được giảm và như vậy thông tin hay tín hiệu hữu dụng được tăng lên. AI sẽ rất phổ biến trong việc hiểu nhu cầu của người tiêu dùng, xử lý các tác vụ văn phòng như hồ sơ, số liệu. Một ví dụ rất rõ là các ứng dụng dạy ngoại ngữ hay chơi một nhạc cụ nào đó trên thiết bị di động. Các ứng dụng này sẽ ghi lại hoạt động của người học và đề xuất một lộ trình học tập cá nhân hóa, và ngày càng tối ưu dựa trên các thuật toán AI của mình.

Cuối cùng, công nghệ sổ cái phân tán (DLT/ blockchain) tạo ra các cấu trúc có độ tin cậy, giúp các bên giao dịch với nhau trực tiếp mà không cần thông qua trung gian, giảm chi phí và thời gian hoàn tất giao dịch. Tuy nhiên, đây là một thách thức rất nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính truyền thống, với trung gian là các ngân hàng, kể cả các ngân hàng trung ương. Công nghệ blockchain sẽ đi kèm với tiền mã hóa (cryptocurrency), các dạng hợp đồng thông minh (smart contracts), thúc đẩy sự phát triển phi tập trung và do đó sẽ gặp không ít trở ngại trong giai đoạn đầu. Các chính phủ cũng đang gấp rút tìm một giải pháp thỏa đáng trong việc thực hiện chức năng giám sát của mình.

Những dự báo và đánh giá của báo cáo được đề cập ở trên là rất đáng để quan tâm và suy nghĩ. Mười năm là một quãng thời gian không phải dài, và có những dự báo có thể diễn ra chỉ trong vòng vài năm tới.

Đối với doanh nghiệp, sự chuyển đổi nhanh chóng của công nghệ là không thể né tránh và do đó doanh nghiệp nào đầu tư hiệu quả vào công nghệ hơn thì sẽ tăng lợi thế so sánh, và từ đó tăng hiệu quả kinh doanh. Bản thân doanh nghiệp không chỉ đầu tư công nghệ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của mình, mà còn là sự thích ứng trong chuỗi cung ứng, với cả khách hàng và nhà cung cấp. Nếu không chuẩn bị, sẽ có những tình huống tréo ngoe có thể xảy ra, như mất khách hàng hay không tìm được nhà cung ứng tốt vì công nghệ của mình không tương thích với công nghệ của họ.

Với người tiêu dùng và cá nhân, thích ứng với công nghệ mới sẽ mang lại những trải nghiệm tuyệt vời, những người tiên phong lúc đầu thường là thiểu số, nhưng về sau sẽ là những người thành công hay tiến xa nhất. Những thay đổi nhanh chóng của công nghệ còn ảnh hưởng đến việc làm khi một số người phải có sự chuẩn bị trước nếu không muốn bị bất ngờ vì mất việc. Những người trẻ sắp sửa tham gia thị trường lao động thì có được định hướng những ngành nghề, những công việc sẽ có nhiều nhu cầu trong tương lai. Từ đó, có thể có những chuẩn bị về kiến thức, hay kỹ năng cần thiết để đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Còn đối với các nhà hoạch định chính sách, các xu hướng công nghệ quan trọng trong mười năm tới buộc họ phải năng động hơn, dám có nhiều thử nghiệm chính sách thông qua các sandbox. Tuy vậy, các chính phủ cũng có thể tận dụng sự phát triển của công nghệ để hỗ trợ cho mình trong việc ra chính sách hay quản lý xã hội hiệu quả hơn, như áp dụng AI, phát triển 5G, và công nghệ blockchain.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới