Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Liệu nông nghiệp có thể “sống chung” với đại dịch?

Lê Anh Tuấn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dịch Covid-19 được ví như một cơn đại hồng thủy kéo dài suốt hai năm qua, càn quét qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến mọi nơi điêu đứng, gây nên những tổn thất nhân mạng chưa từng thấy trong lịch sử và làm thiệt hại nặng nề nhiều ngành sản xuất, trong đó có nông nghiệp và chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

Cách đánh giá tác động của dịch Covid-19 rất khác nhau ở các quốc gia. Đến nay, nhiều nước vẫn chưa có những thống kê, phân tích đầy đủ những thiệt hại do đại dịch gây ra dù gần đây dịch bệnh có vẻ được kiểm soát tốt hơn.

Có một phương pháp đánh giá sự bất ổn về hàng nông sản trên thị trường thế giới là xem xét sự biến động về giá cả, vì nó phản ánh nguồn cung từ sản xuất, chế biến nông sản và dịch vụ cung ứng thực phẩm tương ứng với nhu cầu và khả năng của người tiêu thụ. Từ cuối năm 2019, khi dịch bệnh manh nha từ Vũ Hán (Trung Quốc), lan qua châu Âu, rồi bùng phát mạnh ở Mỹ năm 2020, lan rộng đến các quốc gia đông dân như Ấn Độ, Indonesisa và nhiều nước châu Á vào năm 2021, thì thời gian này không có những bất thường lớn về thời tiết có thể gây mất mùa, sản lượng nhiều loại ngũ cốc tại những vùng sản xuất chính vẫn tốt. Vì vậy, những thay đổi và biến động giá cả nông sản trong thời gian này chỉ có thể là do sự gián đoạn nguồn cung thực phẩm liên quan đến Covid-19.

Trên phạm vi toàn cầu, báo cáo về Chỉ số giá cả ngành hàng nông nghiệp (The Agricultural Commodity Price Index) cho biết, giá nông sản đang dần ổn định trong quí 3-2021 nhưng vẫn cao hơn 25% so với năm trước. Vào tháng 9-2021, giá bắp và lúa mì cao hơn 34% và 6% so với tháng 1-2020, trong khi giá gạo thấp hơn 11% so với mức trước đại dịch. Giá bán nông sản cao hơn ở các vùng đô thị vì chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, số lượng người làm công việc thu hoạch, chế biến nông sản giảm và hệ thống giao thông cùng mạng lưới phân phối lương thực từ nông thôn lên thành thị bị giới hạn bởi cách ly, giãn cách, kiểm soát tiêm chủng... Hầu hết các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng có dịch vụ ẩm thực, nhà hàng, quán ăn hay các cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến phải đóng cửa hay chỉ bán hàng qua mạng.

Phần lớn người tiêu thụ nông sản và lương thực ở các khu đô thị, khu công nghiệp là người dân có mức thu nhập trung bình và thấp. Do thu nhập giảm vì việc làm bị ngưng trệ nên người dân có tâm lý dè sẻn hơn trong chi tiêu, kể cả việc mua lương thực. Một cuộc khảo sát nhanh tại 48 quốc gia của Ngân hàng Thế giới cho thấy dịch bệnh đã làm tăng tình trạng suy dinh dưỡng và giảm lượng cung cấp calories cần thiết cho cơ thể ở phần lớn dân số của các quốc gia có mức sống nghèo và trung bình thấp. Còn theo báo cáo của Liên hiệp quốc về Tình trạng An ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới, có 720-811 triệu người bị thiếu đói vào năm 2020. Nếu xét theo chỉ số theo dõi khả năng tiếp cận đủ lương thực quanh năm, gần 2,37 tỉ người (30% dân số toàn cầu) thiếu khả năng tiếp cận thực phẩm đầy đủ vào năm 2020 - tăng 320 triệu người so với năm trước đó. Điều này cho thấy việc cung ứng lương thực và thực phẩm vẫn là một nhu cầu rất cao trên quy mô toàn cầu.

Song song với các giải pháp phát triển nông nghiệp bình thường, giải pháp nông nghiệp đô thị vẫn rất cần thiết. Đặc biệt trong điều kiện “bình thường mới”, nó sẽ như là một giải pháp phòng bị và hỗ trợ tốt, giúp nền nông nghiệp quốc gia phát triển ổn định và an toàn an ninh lương thực.

Tuy nhiên, trong nguy cơ đại dịch Covid-19 vẫn thấy sự xuất hiện một xu thế mới là nền nông nghiệp đô thị (Urban Agricuture) đã trỗi lên ở hầu hết các nước. Nhiều gia đình biết tận dụng các khu đất nhỏ quanh nhà, phần sân thượng, ban công để biến chúng thành những vườn rau trái gia đình theo dạng một tiểu nông trại với những biện pháp ủ phân hữu cơ tại chỗ. Nông sản thu được vừa cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho gia đình; nếu dư thừa thì áp dụng những biện pháp chế biến, tồn trữ để tăng thêm chút thu nhập hay tiết kiệm kinh phí chi tiêu, sử dụng thời gian nhàn rỗi của các thành viên trong gia đình một cách hữu ích và giảm đi các lo âu, căng thẳng, giúp cải thiện sức khỏe tâm thần.

Ngoài ra, một số nông trang lớn hay các hợp tác xã nông nghiệp có sáng kiến đặt hàng các hộ gia đình qua e-mail hay phần mềm quản lý bán hàng các loại lương thực, rau củ, trái cây, thịt gia súc gia cầm hay cá với giá cả khá hợp lý. Chủ trang trại có thể căn cứ vào tổng số lượng thực phẩm đã đặt, chủ động tổ chức sản xuất nông nghiệp vừa đủ và phân phối hợp lý. Đây là sáng kiến khá hữu hiệu, chủ động ứng phó với dịch bệnh, sản xuất bền vững mang đặc điểm đa mục tiêu và sử dụng tài nguyên đất và nước tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính trong tổng hòa các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một số chuyên gia của Liên hiệp quốc ước tính rằng, từ nay đến năm 2050 có hơn 65% dân số thế giới sống ở các vùng đô thị và khu dân cư tập trung. Số này tiêu thụ hơn 80% nguồn lương thực sản xuất toàn cầu. Khoảng một phần ba khối lượng thực phẩm hư hỏng, không tiêu thụ hết sẽ trở thành chất thải hữu cơ, ước tính 1,3 tỉ tấn/năm. Tổ chức Lương Nông thế giới ước tính phí tổn cho thực phẩm thải bỏ thành chất thải hữu cơ xấp xỉ 1.000 tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu. Với lượng chất thải thức ăn dư thừa này, nếu được xử lý thành phân bón hữu cơ và sử dụng tại chỗ cho nông nghiệp thì sẽ tạo ra một cơ hội lớn cho nền kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lương thực và thực phẩm ở tất cả cấp độ quy mô, kể cả khi có những trận đại dịch như Covid-19 xảy ra. Đây là một cơ hội tiềm năng mà các chính quyền địa phương, doanh nghiệp nông nghiệp và môi trường cần để tâm tới.

Đại dịch Covid-19, cộng thêm những tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đã thúc đẩy những nghiên cứu khoa học trong sản xuất nông nghiệp tại chỗ (vùng đô thị, vùng nông thôn ngoại thành) theo phương thức mới: nông nghiệp thẳng đứng (vertical agriculture) khi cây trồng được trên giàn theo chiều cao không gian; phương pháp canh tác rau màu thủy canh (hydroponics), khí canh (aeroponics) không cần sử dụng đất; thủy canh kết hợp nuôi cá (aquaponics); trồng rau sạch bằng đèn led không dùng đất và ánh sáng mặt trời, sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời... Trước đây, các phương pháp này được xem là những giải pháp nông nghiệp hiện đại, có chi phí cao, chỉ áp dụng ở những vùng đô thị các nước phát triển thì nay những kinh nghiệm cho thấy giá thành sản xuất cho các phương thức này đang giảm dần và dần dần phổ biến ở nhiều quốc gia đang phát triển. Nếu tính thêm hiệu quả về mặt môi trường và xã hội, thì giá trị kinh tế của các phương thức sản xuất này cũng rất đáng kể.

Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, việc ứng phó với các yếu tố biến đổi khí hậu được hoạch định và thực hiện hữu hiệu thì song song với các giải pháp phát triển nông nghiệp bình thường, giải pháp nông nghiệp đô thị vẫn rất cần thiết. Đặc biệt trong điều kiện “bình thường mới”, nó sẽ như là một giải pháp phòng bị và hỗ trợ tốt, giúp nền nông nghiệp quốc gia phát triển ổn định và an toàn an ninh lương thực hơn. Nông nghiệp đô thị qua thời gian đã chứng minh sự phát triển ở ba yếu tố, đặc biệt đối với các quốc gia vùng nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới gió mùa. Đó là bền vững về mặt môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; chống ô nhiễm không khí, góp phần giúp gia tăng khả năng chống chịu với khí hậu và có tính đa dụng, đa chức năng trong bối cảnh dịch bệnh, các xáo trộn xã hội khó dự đoán trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới