Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liệu pháp nặng ký cho lãi suất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liệu pháp nặng ký cho lãi suất

Hải Lý

Trong năm tháng đầu năm, do lãi suất cao và đặc biệt là khó vay vốn, doanh nghiệp đã rút ra khỏi ngân hàng 156.000 tỉ đồng. Ảnh: Minh Khuê.

(TBKTSG) – Lãi suất cao được cho là một trong những liệu pháp kiềm chế lạm phát, nhưng nó đang bào mòn các doanh nghiệp. Có thể chống lạm phát mà vẫn hạ lãi suất được không? Câu trả lời là có thể nếu áp dụng các giải pháp nặng ký. Đây chỉ là những đề xuất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi.

Lỗ gần 22 tỉ đồng là kết quả kinh doanh quí 2 của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn. Nguyên nhân lỗ là do chi phí lãi vay của công ty tăng vọt lên 103 tỉ đồng so với mức 2,5 tỉ đồng cùng kỳ. Tổng cộng sáu tháng đầu năm đơn vị này đã trả lãi vay 198 tỉ đồng. Lợi nhuận làm ra bao nhiêu chỉ để trả lãi ngân hàng!

Cái gốc của lãi suất cao

Hai tháng qua lãi suất giảm rất cầm chừng cả đầu vào và đầu ra. Tình trạng đó còn kéo dài bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất tổng phương tiện thanh toán co hẹp. Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán hiện nay ước 2,5 triệu tỉ đồng, trong đó tiền gửi ngân hàng khoảng 2,1 triệu tỉ đồng và 400.000 tỉ đồng trong lưu thông. Trong năm tháng đầu năm, do lãi suất cao và đặc biệt khó vay vốn, doanh nghiệp đã rút ra khỏi ngân hàng 156.000 tỉ đồng (NHNN công bố số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm đúng bằng mức trên – NV).

Việc rút vốn ra của doanh nghiệp ngay lập tức ảnh hưởng đến thanh khoản ngân hàng, nhưng NHNN đã không đưa tiền ra bù đắp sự thiếu hụt. Thay vào đó, tiền còn bị rút ra khỏi lưu thông. Đến giữa tháng 7-2011 khoảng 70.000 tỉ đồng đã được cơ quan điều hành hút ròng về qua thị trường mở. Cung tiền khan hiếm, lãi suất không thể hạ.

Khi trần tăng trưởng tín dụng và hạn mức cho vay phi sản xuất bị kiểm soát gắt gao, đồng thời với kênh tiết kiệm tiền đồng được cải thiện do sự dịch chuyển tiền gửi từ vàng, ngoại tệ sang đồng Việt Nam của người dân, thanh khoản ngân hàng dễ thở hơn. Những ngân hàng lớn đã bắt đầu thừa vốn đến mức tham gia mua trái phiếu chính phủ. Tuy vậy lãi suất vẫn chỉ giảm nhỏ giọt vì các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ, e ngại giảm lãi suất, tiền gửi sẽ chạy sang chỗ khác. Đây là nguyên nhân thứ hai.

Tái cấp vốn và tăng dự trữ bắt buộc

Trong bối cảnh đó việc NHNN hạ lãi suất thị trường mở từ 15% xuống 14%/năm nhằm kích thích dư nợ của kênh này đã không giải quyết được cội gốc vấn đề, chưa kể có thể khiến dư luận hiểu sai về tín hiệu nới lỏng tiền tệ. Cội gốc của tiền tệ là sự mất cân đối về kỳ hạn của dòng vốn và sự lồi lõm của nguồn vốn. Vốn huy động chủ yếu ngắn hạn, nhưng cho vay trung, dài hạn. Ngân hàng nhỏ thiếu nguồn, ngân hàng lớn thừa vốn khả dụng.

Tái cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ trên cơ sở thế chấp vốn điều lệ là biện pháp hữu hiệu nhưng đã không được tiến hành. Xin nói rõ là thế chấp vốn điều lệ, chứ không phải các hợp đồng tín dụng như NHNN đã làm vào tháng 5-2011. Một ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, có thể vay tái cấp vốn 2.000 tỉ đồng khi thế chấp 2.000 tỉ đồng vốn điều lệ. Nếu đến hạn, ngân hàng này không trả được, NHNN sẽ trở thành chủ sở hữu số cổ phần trị giá 2.000 tỉ đồng kia. Lúc bấy giờ quyền kiểm soát ngân hàng đó thuộc về NHNN. Phương cách này buộc các ngân hàng phải sử dụng hiệu quả số tiền tái cấp vốn và lo trả đủ gốc lẫn lãi.

Việc tái cấp vốn như vậy là “đưa nước xa đến tận lửa gần”, đề phòng và dập tắt những cơn sốt thanh khoản. Nó cùng lúc giúp cân bằng lại tổng phương tiện thanh toán một cách hợp lý.

Bước tiếp theo của tái cấp vốn là tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng và tăng lãi suất dự trữ bắt buộc lên 12-13%/năm. Dự trữ bắt buộc đồng nội tệ 3% tổng tiền gửi (cho các khoản huy động dưới 12 tháng) đã tồn tại quá lâu. Nó đáng lý phải được nâng lên 10% từ nhiều tháng trước.

Thực hiện lãi suất dự trữ bắt buộc 12-13%/năm là chìa khóa để giảm lãi suất. Mức lãi suất trên bằng lãi suất trái phiếu hiện tại. Nó sẽ trung hòa và không làm tăng chi phí huy động vốn của tổ chức tín dụng. Ngân hàng không thể nói “tôi phải tăng lãi suất cho vay vì dự trữ bắt buộc tăng” bởi khoản dự trữ bắt buộc ấy không “chết” mà nó vẫn sinh lời.

Tăng dự trữ bắt buộc, giả sử, lên 10% giúp NHNN có trong tay ngay khoảng 150.000 tỉ đồng (7% của vốn tiền gửi ngân hàng hiện nay ước 2,1 triệu tỉ đồng). Động thái này phát tín hiệu chống lạm phát một cách dứt khoát. Cốt lõi hơn, NHNN có thể sử dụng số tiền trên để cho những ngân hàng có nhu cầu vay lại với lãi suất, thí dụ, 14%/năm. “Anh không huy động được tiền từ dân cư ư? Anh không cần nâng lãi suất tiền gửi. Anh có thể đến tôi, tôi cho anh vay với lãi suất 14%/năm”! Với cách đó, NHNN đang “lấy mỡ ngân hàng để nuôi ngân hàng”, lấy tiền của ngân hàng thừa cho ngân hàng thiếu vay. Sự lồi lõm của nguồn vốn được san bằng. Mặt khác, khi ngân hàng nhỏ không chạy đua lãi suất huy động vì đã vay được NHNN, lãi suất đầu vào sẽ giảm, kéo lãi suất đầu ra giảm theo. Quá trình giảm lãi suất lúc này sẽ mang tính căn bản và triệt để, mà vẫn không cần đưa thêm tiền ra. Vấn đề là NHNN có mạnh dạn thực hiện, có mạnh dạn tập trung quyền chỉ huy hệ thống vào tay mình, hay tiếp tục để các ngân hàng tự do chạy đua lãi suất?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới