Thứ bảy, 12/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Liệu thuế có giúp FDI quay về Mỹ?

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương dùng “vũ khí” thuế nhập khẩu để thúc đẩy các nhà sản xuất nước ngoài chuyển nhà máy vào bên trong nước Mỹ. Doanh nghiệp nước ngoài tránh được thuế cao, còn Mỹ phục hồi nền sản xuất. Thực tế chính sách này có tác dụng không và tác dụng đến đâu?

Thật ra chính sách dùng những biện pháp kích cầu để thu hút nhà đầu tư đã có từ thời Tổng thống Joe Biden, như các khoản trợ cấp để doanh nghiệp nước ngoài xây nhà máy sản xuất xe điện, chip bán dẫn và các sản phẩm xanh sạch khác. Biện pháp hai ông sử dụng chỉ khác nhau ở chỗ một bên dùng cây gậy, một bên dùng quả cà rốt.

Kết quả đầu tư nước ngoài vào nước Mỹ có tăng trong những năm gần đây. Dòng vốn FDI đầu tư mới đạt mức kỷ lục 231 tỉ đô la vào năm 2024, tăng so với mức 97 tỉ đô la cách đấy năm năm, theo fDi Markets được tờ Economist trích dẫn. Với một số công ty đa quốc gia, dù chưa có thuế nhập khẩu cao, dù chưa có các khoản trợ cấp hậu hĩnh, họ vẫn quan tâm đến chuyện đầu tư vào Mỹ vì đây là một thị trường tiêu thụ rất lớn. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều công ty sản xuất hàng ở nước thứ ba như Trung Quốc rồi đem sang Mỹ bán - hiện là đích nhắm của ông Trump.

Tờ Economist phân tích 100 công ty không phải là công ty Mỹ thuộc loại lớn nhất dựa trên giá trị thị trường, loại bỏ các công ty dịch vụ và những công ty không có số liệu cụ thể. Phân tích của tờ báo này cho thấy bốn nhóm công ty có thể chịu tác động mạnh từ chính sách thuế của ông Trump. Đầu tiên là các công ty dược phẩm như Novo Nordisk hay Roche. Nước Mỹ, hiện là thị trường dược phẩm lớn nhất thế giới, chiếm hơn hai phần năm doanh số của các hãng dược nhưng chưa đến một phần ba chi phí.

Các hãng sản xuất đồ điện tử như TSMC hay Samsung và các hãng thời trang cao cấp như LVMH cũng sẽ chịu tác động vì đa phần đem hàng ở nước ngoài vào bán ở Mỹ nên sẽ chịu thuế. Các hãng xe thì còn tùy từng hãng như Porsche nhập toàn bộ xe bán tại thị trường Mỹ còn BMW hay Mercedes-Benz có nhà máy tại Mỹ nhưng cũng phải nhập nhiều loại linh kiện.

Một số hãng nước ngoài đã quyết định và tuyên bố sẽ chuyển sản xuất sang Mỹ. TSMC, hãng sản xuất chip bán dẫn của Đài Loan, vừa cho biết họ sẽ tăng mức đầu tư vào Mỹ từ 60 tỉ đô la lên 165 tỉ đô la trong giai đoạn đến năm 2030. Họ sẽ xây thêm ba nhà máy sản xuất chip, hai cơ sở đóng gói và một trung tâm nghiên cứu và phát triển. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley ghi nhận nếu áp dụng mức thuế 100% lên chip nhập từ Đài Loan, một điều ông Trump từng đề cập, sẽ làm giá nhập khẩu các chip bán dẫn cao cấp của TSMC lên trên mức chi phí sản xuất chúng ở nhà máy Arizona.

Không riêng TSMC, một hãng logistic của Pháp, CMA CGM mới công bố khoản đầu tư 200 triệu đô la vào Mỹ trong bốn năm tới. Siemens, tập đoàn công nghiệp lớn của Đức, có kế hoạch xây hai nhà máy ở California và Texas trị giá 285 triệu đô la. Hãng bia Asahi của Nhật nói họ sẽ tăng công suất nhà máy ở Wisconsin. Một số hãng xe hơi, gồm Honda, Mercedes-Benz và Stellantis cho biết họ sẽ tăng sản xuất ở Mỹ.

Thị trường đón nhận những thông tin này với những phản ứng trái ngược. Trong sáu công ty công bố kế hoạch đầu tư vào nhà máy ở Mỹ và có niêm yết trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ba công ty tăng hơn những công ty cùng ngành trong vòng ba ngày sau công bố và ba công ty còn lại chứng kiến giá cổ phiếu giảm. Về lâu về dài, người ta tính đến chuyện một nhà máy cần trên 20 năm để khấu hao hết. Vì thế sẽ có các công ty mắc kẹt với nhà máy xây để tránh chính sách thuế dù bốn năm nữa chưa biết mối đe dọa thuế nhập khẩu cao có còn tồn tại không.

Một số công ty gặp khó khăn khác như hãng LVMH, từng mở rộng sản xuất túi xách ở Mỹ để tránh thuế nhập khẩu ngay từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhưng họ nhận ra một điều: người chịu bỏ tiền mua chiếc túi đắt tiền là vì nó được làm ra ở Paris hay một địa danh nào đó ở châu Âu sang trọng, quý phái. Hàng sản xuất ở Mỹ thì quá bình thường. Quan trọng hơn, ngày nay việc sản xuất các mặt hàng như dược phẩm hay xe hơi liên quan đến chuỗi cung ứng trải dài qua nhiều nước - đâu thể đơn giản di chuyển hết qua Mỹ được.

Một số công ty cam kết thì lớn nhưng khi đi vào thực tế đã phải tinh giản quy mô. Năm 2017, Foxconn, công ty điện tử Đài Loan chuyên gia công cho Apple, cam kết xây nhà máy trị giá 10 tỉ đô la ở Wisconsin, sử dụng đến 13.000 công nhân. Nhưng sau nhiều lần công bố quy mô giảm bớt, năm ngoái công ty này rút lại dự án chỉ 1 tỉ đô la và tạo ra 1.000 việc làm. Có lẽ phải chờ thêm một thời gian mới có thể rút ra kết luận cây gậy thuế của ông Trump tác dụng đến đâu trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới