(KTSG Online) - Dù lạc quan đến mấy, chúng ta cũng phải thừa nhận thực tế là SARS-CoV-2 - virus gây bệnh dịch Covid-19 - sẽ tồn tại dai dẳng. Vì vậy, đã đến lúc cần những thay đổi mang tính bước ngoặt để đời sống người dân sớm trở lại bình thường.
Một trong những điều đó là khơi thông chuỗi cung ứng hàng hóa hiện đang bị đứt gãy nghiêm trọng ở "phân khúc" nhân viên chuyên nghiệp xử lý đơn hàng và giao hàng (shipper).
Thực tế đã diễn ra tại TPHCM, Đà Nẵng trong thời gian siết chặt giãn cách một tháng qua cho thấy các mô hình như đi chợ giùm, phiếu đi chợ, combo thực phẩm... đều nặng tính lý thuyết, nên khi áp dụng vào thực tế dẫn đến quá nhiều điều bất hợp lý phát sinh.
Nếu đặt mục tiêu cần giải quyết là làm sao hàng hóa đến được tay người dân với giá cả phù hợp và tương đối đầy đủ thì mô hình hiện tại bộc lộ quá nhiều bất cập, bất chấp các con số trên báo cáo của cơ quan chức năng cho rằng "mọi thứ đang ổn". Hãy làm một khảo sát nhỏ bằng cách hỏi thử 10 bà nội trợ, trong tháng qua họ có dễ mua hàng hóa và mua được với giá hợp lý không sẽ thấy bức tranh không sáng sủa như trong các báo cáo.
Muốn giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa không đứt gãy thì cả ba đoạn phải liên thông: Đoạn đầu là hàng hóa/nông sản của doanh nghiệp/nông dân, đoạn giữa là vận tải liên tỉnh và đoạn cuối là hệ thống phân phối/giao hàng ở các đô thị lớn như TPHCM. Chuỗi cung ứng có thể ví như một hệ thống dẫn nước, khi đầu ra của nước bị siết lại chỉ chảy nhỏ giọt thì nước sẽ ùn ứ ở đầu vào không có cách gì khắc phục được.
Theo Sở Công Thương TPHCM, ước tính mỗi ngày người dân thành phố tiêu thụ 11.000 tấn thực phẩm và hàng hóa thiết yếu. Trong điều kiện bình thường, cần có hàng trăm ngàn người với mạng lưới hàng ngàn chợ, siêu thị lớn nhỏ cùng với hàng trăm ngàn shipper, người bán lẻ mới đủ sức giao khối lượng hàng hóa này đến tay người tiêu dùng một cách trơn tru.
Xử lý đơn hàng và giao hàng là công việc không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Hồi năm ngoái, người viết bài này đã từng thử sức "giải cứu sầu riêng" cho vườn nhà ở Tiền Giang. Dù chỉ bán có một tấn sầu riêng nhưng gia đình tôi - toàn dân văn phòng - đã huy động tổng lực cả 4 người để bốc dỡ, đóng gói, nhận đơn, giao hàng... mất hai ngày mới xong với đủ loại sự cố lớn nhỏ phát sinh.
Mà đó là tôi chỉ bán cho người quen, giao hàng ở các cơ quan địa chỉ mặt tiền quận 1, quận 3 và chỉ có một loại hàng duy nhất là sầu riêng. Bán xong lô sầu riêng này, chúng tôi thống nhất... giải nghệ vì thấy không thể làm tốt được.
Hồi tuần trước, sau thời gian giãn cách nghiêm ngặt, chung cư nơi tôi ở được UBND phường cung cấp 100 kg rau tươi. Đúng giờ hẹn, anh cảnh sát khu vực lái xe tải chở rau đến, người giao rau là chị... phó chủ tịch phường. Cả hai loay hoay với mớ rau nhiều loại, ghi ghi chép chép, bấm máy tính hết sức vất vả.
Trong đầu tôi nảy ra câu hỏi: Liệu mô hình khi giãn cách nghiêm ngặt thì huy động bộ máy công an, ủy ban, đoàn thể xử lý đơn hàng, giao thực phẩm có hợp lý? Trong mùa cao điểm phòng dịch, chỉ riêng khối lượng công việc hàng ngày của địa phương đã nhiều hơn bình thường, giờ lại phát sinh thêm chuyện đi giao thực phẩm thì làm sao họ làm xuể. Trong các việc này, cái nào là chính và cái nào là phụ?
Trong khi lực lượng nghiệp dư được huy động xử lý đơn hàng và giao hàng thì phần lớn trong số mấy trăm ngàn nhân viên chuyên nghiệp của hệ thống siêu thị và hơn 60.000 nhân viên các doanh nghiệp giao nhận như Grab, Gojek, Ahamove, Baemin... lại bị "treo giò" cho nằm nhà. Các nhân viên này thành thạo trong việc sử dụng hệ thống công nghệ để nhận và xử lý đơn hàng của doanh nghiệp nơi họ làm việc đã bị bỏ phí không được dùng đến.
Với mục đích chống dịch lây lan qua đội ngũ nhân viên này thì cách giải quyết vấn đề không quá phức tạp. Đầu tiên là chích vaccine ngừa Covid-19 cho họ càng nhanh càng tốt, dù chỉ một mũi. Sau đó là giao cho các siêu thị, doanh nghiệp giao nhận quản lý nhân viên của họ, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy định 5K, bảo đảm an toàn phòng dịch. Kèm theo đó là việc xét nghiệm định kỳ để bảo đảm phát hiện kịp thời những ca nhiễm để tách ra khỏi nơi làm việc.
Việc siết chặt tới mức chỉ cho phép một số ít nhân viên trong lĩnh vực này được đi làm vừa không giúp chống dịch hiệu quả hơn, vừa làm đứt gãy hết hệ thống phân phối hàng hóa bán lẻ đến tận tay người dùng cuối như thực tế trong thời gian qua đã cho thấy. Đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm quy định phòng dịch thì chính quyền cứ xử lý mạnh tay, cấm hoạt động. Có lẽ trong bối cảnh kiếm sống khó khăn, không mấy ai tự "đập nồi cơm" của mình cả.
Các siêu thị với hệ thống kho bãi và công nghệ nhận đặt hàng online, xử lý đơn hàng cộng với nhân viên vận hành chuyên nghiệp sẽ bảo đảm đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân. Một ưu điểm khác của hệ thống siêu thị là giá cả ổn định, không tăng nhiều nhờ khối lượng mua hàng lớn và nhà cung cấp quen thuộc.
Trong khi đó, các công ty quản lý shipper có nền tảng công nghệ thuộc tầm cỡ hàng đầu thế giới, có thể điều chỉnh theo yêu cầu quản lý của cơ quan chức năng. Thêm vào đó, shipper là người thông thuộc địa hình, nắm rõ địa bàn từng khu vực mà họ thường giao hàng nên bảo đảm việc giao nhận luôn thông suốt.
Phần tham gia của các anh bộ đội chỉ nên giới hạn ở việc tiếp nhận hàng hóa từ shipper để giao vào nhà dân trong các khu bị phong tỏa. Hình ảnh các anh hì hục đẩy chiếc xe đạp thồ đi giao hàng trong hẻm có lẽ chỉ mang tính cổ động tuyên truyền chớ không thể đáp ứng được nhiều nhu cầu thực tế của người dân.
Một khi đã xác định sống chung với virus SARS-CoV-2 lâu dài thì cần khẩn cấp hành động để cứu chuỗi cung ứng hàng hóa đã bị đứt gãy. Hãy để bộ máy shipper và nhân viên bán hàng chuyên nghiệp trở lại làm việc mà họ được đào tạo. Nếu hình dung đây là trận đánh thì thật vô lý khi mấy tiểu đoàn quân chính quy được huấn luyện chuyên nghiệp, trang bị súng ống hiện đại lại ngồi chơi xơi nước trong khi lực lượng du kích không chuyên, trang bị thô sơ lại được đưa ra tuyến đầu xung trận.
Chuyện bán sầu riêng của tôi hay bán rau của chị phó chủ tịch phường có lẽ là trải nghiệm khó quên. Tuy nhiên, không ai muốn lặp lại việc mà mình không chuyên, tôi nghĩ vậy và có lẽ chị phó chủ tịch phường cũng nghĩ như tôi.
Chuyện này giờ mới được viết ra một cách “có đầu có đuôi”, kể cũng là muộn.
Chính phủ cũng nên có những tổng kết thực sự nghiêm túc, với đầy đủ thông tin, ý tưởng, bài học và biện pháp. Dân mệt rồi. Doanh nghiệp mệt và chết nhiều rồi.
Hãy để nhà chuyên nghiệp họ làm, và nhà nước chỉ kiểm soát.
Chuỗi cung ứng bị đứt gãy: người sản xuất không bán được hàng hóa, rớt giá thê thảm, trong khi người tiêu dùng phải mua đắt gấp 5-10 lần! Thiệt hại kinh tế xã hội cực lớn!