Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lo dân số già kìm hãm kinh tế, Trung Quốc cho phép sinh con thứ 3

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo dân số già kìm hãm kinh tế, Trung Quốc cho phép sinh con thứ 3

Lê Linh

(KTSG Online) - Trong một động thái nhằm đảo ngược đà suy giảm tỷ lệ sinh có thể gây các rủi ro tăng trưởng trong dài hạn do dân số già hóa nhanh chóng, Trung Quốc cho phép mỗi gia đình có 3 con. Trước đó, năm 2016, chính phủ nước này đã bãi bỏ quy định mỗi gia đình chỉ có một con có từ năm 1979 và cho phép có 2 con.

Lo dân số già kìm hãm kinh tế, Trung Quốc cho phép sinh con thứ 3
Các gia đình trẻ đưa con nhỏ đi chơi trong một công viên ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh Getty

Mỗi cặp vợ chồng có thể sinh tối đa 3 con

Tại một cuộc họp do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì hôm 31-5, Bộ Chính trị Trung Quốc quyết định nới lỏng quy định khống chế mỗi gia đình chỉ có 2 con hiện nay với tuyên bố “cho phép mỗi cặp vợ chồng có 3 con và việc thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan sẽ giúp cải thiện cấu trúc dân số”, theo bản tin của Tân Hoa xã.

Bộ Chính trị Trung Quốc cũng cam kết cải thiện chính sách nghỉ thai sản, chính sách nhà ở, giảm chi phí giáo dục, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của lao động nữ để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con nhiều hơn.

Năm 2016, Trung Quốc cải cách chính sách hạn chế sinh nở nghiêm ngặt, chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng có 1 con áp dụng trong nhiều thập kỷ bằng quyết định cho phép mỗi gia đình có 2 con. Tuy nhiên, cải cách đó không tạo ra tác động đủ lớn để đảo ngược đà suy giảm tỷ lệ sinh.

Với đà suy giảm tỷ lệ sinh hiện tại, dân số Trung Quốc, hiện nay là 1,41 tỉ người, có thể bắt đầu suy giảm trước năm 2025, theo dự báo của Bloomberg Economics.

Năm ngoái, giữa các bất ổn của đại dịch Covid-19, chỉ có 12 triệu trẻ em chào đời ở Trung Quốc, mức thấp nhất kể từ năm 1961.

Một số quan chức chính phủ, bao gồm các nhà nghiên cứu ở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), kêu gọi xóa bỏ hẳn chính sách hạn chế sinh con. Cuộc tranh luận chính sách dân số trở nên căng thẳng hơn sau khi kết quả của cuộc tổng điều tra dân số mới nhất được công bố hồi đầu tháng này cho thấy tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động ở Trung Quốc suy giảm trong thập kỷ qua.

“Bộ Chính trị Trung Quốc có lẽ nhận thấy rằng với kết quả thống kê dân số mới nhất và với sự đồng thuận của dư luận về một thay đổi chính sách dân số, thời điểm hiện nay dễ dàng để đưa ra quyết định. Họ có thể cần thêm thời gian trước khi bãi bỏ hoàn toàn hạn chế sinh nở”,  Henry Wang, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn chính sách có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc, nói.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc bắt đầu suy giảm kể từ thập niên 1970 khi trình độ giáo dục của người dân được nâng cao và chính phủ khuyến khích phụ nữ nông thôn có ít con. Chính sách mỗi gia đình chỉ được phép có 1 con được thực hiện vào năm 1979. Chính sách này được thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi các quan chức đôi lúc bắt buộc phụ nữ phải phá thai.

Gánh nặng chi phí nhà ở và học hành khiến người dân ngại sinh con

Eric Zhu, nhà kinh tế ở Bloomberg Economics, cho rằng chính sách mỗi gia đình được phép có 3 con là một bước đi đúng hướng nhưng chưa đủ để ngăn chặn sự kìm hãm của cấu trúc dân số đối với nền kinh tế Trung Quốc. Ông cho rằng các biện pháp khác bao gồm các chính sách hỗ trợ thai sản và nuôi con nhỏ cũng như tăng độ tuổi nghỉ hưu cần triển khai nhanh chóng nếu Trung Quốc muốn thành công trong nỗ lực làm chậm lại tiến trình suy giảm lực lượng lao động và tốc độ già hóa dân số.

Theo các chuyên gia nhân khẩu học, xu hướng tỷ lệ sinh suy giảm có thể vẫn tiếp tục ngay cả khi Trung Quốc nới lỏng chính sách hạn chế sinh nở. Tỷ lệ sinh tăng vọt sau khi Trung Quốc cho phép mỗi cặp vợ chồng có 2 con vào năm 2016 nhưng điều này không duy trì lâu khi nhiều bậc cha mẹ ngại sinh thêm con thứ hai vì nỗi lo chi phí nhà ở và học hành.

“Đối với những người giàu, quyết định nới lỏng chính sách sinh nở sẽ khuyến khích họ đẻ thêm nhưng đối với tầng lập bình dân hoặc thấp hơn, họ không có đủ động lực để tận dụng chính sách mới mới” Vivian Zhan, một học giả nghiên cứu ở Đại học Trung văn Hương Cảng, nói.

“Chúng tôi không kỳ vọng sự thay đổi chính sách sẽ tạo ra sự thay đổi lớn đối với các xu hướng nói chung về sinh sản ở Trung Quốc”, Stuart Gietel-Basten, Giám đốc Trung tâm Khoa học lão hóa ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, nói.

Nâng độ tuổi nghỉ hưu để ngăn chặn lực lượng lao động suy giảm

Tại cuộc họp hôm 31-5, Bộ Chính trị Trung Quốc cũng thông báo chính phủ sẽ thận trọng nâng tuổi nghỉ hưu theo một trình nhiều giai đoạn. Trung Quốc là một trong những nước có độ tuổi nghỉ hưu chính thức thấp nhất thế giới.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu nâng dần độ tuổi nghỉ hưu từ ngưỡng 60 tuổi hiện nay đối với nam giới và 50 tuổi đối với nữ giới. Bắc Kinh cũng đặt kế hoạch đưa 50 triệu người dân nông thôn đến các khu vực đô thị để làm các công việc trong ngành sản xuất và dịch vụ với mức lương cao hơn trong 5 năm tới.

Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều thập kỷ dù dân số tăng chậm. Làn sóng dân nông thôn nhập cư vào các thành phố để làm việc đã thúc đẩy sự thay đổi tính chất công việc từ đồng áng sang nhà máy và dịch vụ, giúp sản lượng kinh tế trên mỗi lao động tăng lên.

Tỷ lệ dân số sống ở các vùng đô thị hiện nay của Trung Quốc đã lên mức 64% nhưng chỉ ngang bằng với Mỹ vào năm 1950. Nâng độ tuổi nghỉ hưu sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng lực lượng lao động mà không cần tỷ lệ sinh phải tăng.

Nhưng nếu tỷ lệ sinh nở giảm, điều này sẽ khiến dân số già hóa nhanh chóng. Để duy trì tăng trưởng kinh tế, Bắc Kinh cần nhanh chóng tăng lương lưu và tăng chi tiêu cho chăm sóc y tế đồng thời duy trì đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ở mức cao nhằm nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất, theo một số nhà kinh tế.

Liu Li-Gang, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc ở Ngân hàng Citigroup,  cho rằng một gói chính sách toàn diện từ các ưu đãi thuế, trợ cấp nhà ở và giáo dục, chính sách nghỉ thai sản hào phóng hơn là điều cần thiết để giúp chính sách mỗi cặp vợ chồng có 3 con được tận dụng hiệu quả. Ông nói chính phủ Trung Quốc cũng cần xây dựng lại chế độ phúc lợi xã hội cũng như khống chế giá nhà ở và giảm chi phí giáo dục.

Sự phối hợp chính sách đúng đắn có thể giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và tiếp tục thúc đẩy nhu cầu hàng hóa toàn cầu trong những thập kỷ tới. Một phản ứng kém hiệu quả về chính sách dân số có thể khiến Trung Quốc không bao giờ vượt mặt Mỹ về quy mô kinh tế.

“Chính sách dân số nới lỏng cho thấy Trung Quốc đối mặt vấn đề dân số già hóa nghiêm trọng, khiến lực lượng lao động suy giảm”, Hao Zhou, nhà kinh tế ở Ngân hàng Commerzbank nói. Ông cho rằng đà suy giảm lực lượng lao động ở Trung Quốc trong những nắm tới sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và sẽ khiến lạm phát toàn cầu tăng lên do chi phí sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc tăng.

Kết quả của cuộc tổng điều tra dân số, được thực hiện 10 năm một lần, công bố hồi đầu tháng 5 cho thấy tỷ lệ người già trên 60 tuổi ở Trung Quốc đã tăng lên mức 18,7% dân số vào cuối năm 2020, tăng đáng kể so với mức 13,3% vào năm 2010.

Trong khi đó, tỷ lệ người dân Trung Quốc nằm trong nhóm tuổi 15-59, đại diện cho lực lượng lao động của nước này, đứng ở mức 63,35% dân số trong năm 2020 so với mức 70,1% vào năm 2010. Chỉ có 12 triệu trẻ em chào đời vào năm ngoái, giảm 18% so với năm trước đó và đây là năm thứ 4 liên tiếp, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh giảm.

Theo Bloomberg, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới